Thứ Hai, 16/11/2015 | 11:34

Những câu như ‘Con thật hư đốn’, ‘Đồ ngu’… sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và khiến chúng tự gán cho mình những tính nết đó.

Chúng ta nói chuyện với con cái của mình một cách tự nhiên. Và ta rất thường hay nói ra những điều mà chính cha mẹ chúng ta đã nói với mình. Nhưng thật không may, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một vài câu nói tưởng như đơn giản lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong một thời gian dài.

“Những câu nói vô hại kiểu như: ‘thằng quỷ sứ’, ‘đừng ngu ngốc thế’ có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ bởi nó khiến trẻ tự gán cho mình những tính nết đó”, Gregg Chapman, chuyên gia tâm lý và quản lý lâm sàng tại Viện chiến lược về Tâm lý học đã giải thích như vậy. Ông còn nhấn mạnh rằng điều này có thể dẫn đến việc hình thành ở trẻ một nhận thức tiêu cực.

Bạn có thể nghĩ “Cha mẹ của tôi đã từng nói những điều như vậy và tôi vẫn ổn đấy thôi?”, song theo Dympna Kenedy, sáng lập viên của tổ chức Tạo lập sự cân bằng (một tổ chức khuyến khích các bậc cha mẹ kết nối nhiều hơn với con cái mình), đã chỉ ra rằng: trong những thập kỷ gần đây các nghiên cứu và hiểu biết về giáo dục con cái đã tiến những bước rất dài.

“Đây không phải là lúc nhìn lại sau lưng và nghĩ rằng cha mẹ mình đã làm những điều gì sai với mình”, Dympna nói. “Đây là lúc bạn cần phải nhìn lại mọi thứ và nói: Tốt thôi, ở thời điểm đó họ đã làm hết sức mình có thể. Nhưng lúc này tôi có được hiểu biết tốt hơn họ nhờ thành quả của những nghiên cứu mà thời của họ chưa từng có'”.

Những câu dạy trẻ chỉ có hại

Đừng nói những câu làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Ảnh: News.

Và những nghiên cứu đó đã chỉ ra rằng chúng ta nên ngừng nói ra những câu đại loại như thế này với con cái của mình:

1. “Con thật nghịch ngợm, hư đốn”

Thay vì nhấn mạnh vào hoàn cảnh, Gregg Chapman đề xuất một câu nói dễ chịu hơn ví dụ như: “Chuyện con vừa làm là có ích hay có hại? Nếu là có hại thì hãy cùng nghĩ xem chúng ta phải làm thế nào để thay đổi nó?”.

2. “Bố/mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi?”

Rõ ràng cách tiếp cận này của bạn rất không hiệu quả. Chưa kể là bạn có thực sự hy vọng rằng con mình có thể trả lời câu hỏi này? Gregg đề xuất một câu nói như sau: “Bố/mẹ rất phiền lòng vì đã không nói rõ với con. Con có thể nghĩ ra lựa chọn nào khác để không làm đau mình và người khác không?”.

3. “Tại sao con có thể gây ra những việc này cho bố/mẹ sau những gì bố/mẹ đã làm cho con?”

Gregg giải thích rằng đứa trẻ không làm những điều nằm ngoài bổn phận đối với cha mẹ. Chúng chỉ hành động để đáp ứng nhu cầu của mình và để có được những gì mình muốn. Gregg gợi ý các bậc cha mẹ không nên tập trung nói về bản thân mình, mà thay vào đó phải giúp trẻ hiểu được hành động của chúng gây ảnh hưởng tới người khác thế nào.

4. “Con cứ đợi đấy. Về nhà sẽ biết tay”

Là bậc cha mẹ, bạn mong muốn xây dựng một mối quan hệ gần gũi với con cái mình nhưng những lời hăm dọa sẽ tạo nên sự sợ hãi, bất an và rõ ràng không giúp cải thiện quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Gregg cho rằng câu nói tốt hơn nên là: “Chúng ta cần phải trao đổi điều này ở nhà. Bố/mẹ muốn con suy nghĩ để làm điều này hợp lý hơn.

5. “Đừng có ngu ngốc thế”

Lại một lần nữa, đứa trẻ sẽ tự gán cho mình những dấu hiệu này như là chúng đã được dạy như vậy. Và những dấu hiệu kiểu như “ngu ngốc” sẽ không nuôi dưỡng hạnh phúc hay một mối quan hệ lành mạnh cho chúng.

6. “Mẹ rất hạnh phúc vì con đã ăn hết bữa tối của mình”

Dympna Kennedy cho rằng điều quan trọng là không dạy trẻ làm việc để đổi lấy những lời khen ngợi từ bên ngoài. Điều đó sẽ dạy chúng trở thành kẻ thích lấy lòng người khác, sẽ khiến chúng làm những việc chúng không thực sự muốn trong suốt những năm học ở trường sau này chỉ để đổi lại một sự thừa nhận.

Thay vào đó chỉ cần nói “Cảm ơn” khi một đứa trẻ làm việc gì đó mà bạn yêu cầu chúng, hoặc khuyến khích sự tự khen ngợi của chúng và nói “Con nên tự hào về chính mình khi đã ăn hết phần ăn tối của mình”.

Nhưng cũng có những trường hợp tốt hơn hết là cha mẹ không nên nói một lời nào. Đó là khi những gì bạn định nói không thể diễn đạt một cách tốt nhất bằng lời. Và điều đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi chẳng thể nào là một ông bố, bà mẹ hoàn hảo ở mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh.

“Vấn đề ở đây không phải là trở thành một bậc phụ huynh hoàn hảo. Bởi trẻ em sẽ không bao giờ học theo một người cha, người mẹ quá hoàn hảo”, Dympna giải thích. “Chúng sẽ học hỏi từ những sai lầm của các phụ huynh. Bởi vì những sai lầm đó cho con cái chúng ta thấy vấn đề không phải là trở thành một con người hoàn hảo mà quan trọng là biết phản ánh, học hỏi và cố gắng ở những lần tiếp theo”.

Bởi vậy, lần sau, khi định nói với con cái mình những câu như trên thì bạn hãy dừng lại, ngẫm nghĩ và cố gắng nói chuyện với chúng bằng một cách có thể khuyến khích sự sôi nổi, xúc động và tự tin ở nơi chúng.

Minh Phương (Theo News)

Nguồn: vnexpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook