Cậu bé Donald khi được phát hiện mắc căn bệnh lạ (Nguồn: BBC).
Donald Grey Triplett, hiện đã 82 tuổi, và vẫn còn đang sống khỏe mạnh đến tận ngày nay ở miền Nam nước Mỹ được xác nhận là trường hợp đầu tiên mắc bệnh tự kỷ của thế giới. Các giấy tờ y khoa lần đầu tiên đặt tự kỷ vào danh sách các loại bệnh tật của thế giới đã xác nhận rằng Donald chính là “trường hợp 1” trong số 11 đứa trẻ- được chẩn đoán bởi nhà thần kinh học Leo Kanner.
Chứng bệnh kỳ lạ của Donald
Các cuộc khám nghiệm ban đầu cho thấy Donald lúc còn nhỏ thường gặp phải một chứng rối loạn chưa từng gặp trong các cuốn sách y học hồi bấy giờ. Bác sỹ Kanner sau đó đặt tên cho chứng rối loạn này là “tự kỷ ở trẻ em”, và sau này được rút gọn lại là chứng bệnh “tự kỷ”.
Sinh năm 1933 tại Mississippi, là con của một luật sư và một giáo viên, Donald là một cậu bé rất rụt rè. Cậu chưa từng cười với mẹ mình hoặc trả lời các câu hỏi của bà, thay vào đó thường xuyên lẩn vào một thế giới tách biệt với suy nghĩ của riêng mình, cùng một cách sử dụng ngôn ngữ cũng khác biệt.
Donald có thể nói và nhại lại các từ ngữ, nhưng sự bắt chước này thường khiến cậu nói ra những từ không có ý nghĩa. Đơn giản cậu chỉ nói lại những gì được nghe thấy chứ không hiểu ý nghĩa. Donald cũng thường xuyên nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ cố định nào đó chứ không thể giao tiếp như các cậu bé cùng trang lứa.
Đã nhiều lần cha mẹ của Donald tìm cách kéo cậu bé ra khỏi thế giới bí ẩn đó, nhưng không có kết quả. Donald thậm chí không có hứng thú chơi với những đứa trẻ khác, cũng không thèm nhìn lên khi ông già Noel đến tặng quà cho cậu…dù người ta biết rằng cậu vẫn đang lắng nghe và khá thông minh. Vào thời điểm 2 tuổi rưỡi, Donald có thể thuộc lòng và hát lại bài hát mà mẹ cậu hát chỉ sau một lần nghe nó. Cậu cũng sở hữu trí nhớ tuyệt vời khi có thể nhớ lại mọi thứ sổ sách mà cha cậu sắp xếp một cách tự do.
Thế nhưng trí thông minh đó cũng không thể cứu rỗi Donald khỏi chứng bệnh kỳ lạ. Vào thời điểm bấy giờ, đối với những trường hợp như Donald, các bác sỹ buộc phải đưa ra yêu cầu tách chúng khỏi gia đình, và khuyên gia đình cậu bé cứ tiếp tục sống mà không có cậu trong một thời gian. Đến năm Donald 3 tuổi, gia đình cậu đã chấp nhận yêu cầu đó. Nhưng họ không hề quên cậu mà vẫn đến thăm cậu hàng tháng.
Cuối năm 1983, không thể chịu đựng thêm, gia đình Donald đưa cậu bé về nhà, và đó là lúc mà cậu gặp được bác sỹ Kanner ở Baltimore. Và ngay cả một chuyên gia thần kinh như Kanner lúc bấy giờ cũng phải lúng túng khi gặp trường hợp của Donald. Nhưng sau một vài lần gặp Donald, cùng một số đứa trẻ có biểu hiện tương tự, Kanner đã đưa ra một nghiên cứu của mình trong đó công bố một căn bệnh mới.
Bệnh hay khả năng thiên phú
Kể từ đó, lịch sử của chứng bệnh tử kỷ đã mở ra một chương mới khi có rất nhiều các nhà nghiên cứu đổ xô vào tìm tòi phương pháp chữa căn bệnh này, các nhà hoạt động kêu gọi đối xử bình đẳng, các nhà giáo dục tìm hiểu cách dạy học cho các trẻ em tự kỷ…và cả những người tự kỷ cũng tự tìm hiểu về căn bệnh mà họ đang mắc phải. Tuy nhiên, Donald lại không mặn mà với điều đó, cậu bé trở về Mississippi, và sống ở đó đến tận bây giờ.
Giờ đây, ông Donald vẫn sống khỏe mạnh ở độ tuổi 82, và trở thành nhân vật chính cho một cuốn sách chuyên về tự kỷ. Đến năm 2007, cuộc đời của Donald mới được người ta biết đến.
Ông Donald, 82 tuổi, có một cuộc sống bình thường và thành đạt (Nguồn: BBC)
Bệnh nhân tự kỷ đầu tiên trong lịch sử loài người vẫn sống trong căn nhà năm xưa, trong một thị trấn bình yên, nơi mà mọi người đều biết ông. Donald có một chiếc xe Cadillac để đi du ngoạn, và thường xuyên đến sân golf để chơi với bạn bè. Một thú vui khác của ông là đi du lịch, và đã từng lướt qua mọi nẻo đường trên nước Mỹ, và một số quốc gia khác.
Đáng lẽ ra Donald đã không có một cuộc sống như vậy nếu cứ bị giam hãm và tách biệt khỏi xã hội. Tất cả đều nhờ người mẹ tận tụy của ông. Kể từ sau khi quyết định đón con mình về nhà, bà Mary Triplet đã nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp cậu bé kết nối với thế giới thực, dạy ngôn ngữ cho cậu, và giúp cậu học được cách tự chăm sóc bản thân.
Và kết quả là, đến độ tuổi dưới đôi mươi, Donald đã có thể tham gia trường trung học như bình thường, và sau đó là đại học, nơi mà sau đó ông đã tốt nghiệp và nhận được bằng cử nhân tiếng Pháp và Toán học.
Góp phần tạo nên một Donald có thể hoàn toàn thể hiện khả năng của mình như hiện nay còn phải kể đến thị trấn nơi mà ông sinh sống. Đó là Forest, Mississippi – một thị trấn nhỏ với 3.000 cư dân – và không ai trong thị trấn này có cách ứng xử phân biệt đối với cậu bé Donald kể từ khi biết cậu mắc chứng bệnh kỳ lạ, thay vào đó, họ quyết định chấp nhận cậu như một phần của họ và bảo vệ cậu.
Thời còn đi học, Donald được bạn bè yêu mến, và tất cả điều đó đều được viết trong cuốn kỷ yếu của trường học. Một vài thiếu nữ thậm chí từng tán tỉnh ông. Bạn bè cùng lớp cho hay họ coi sự ám ảnh với những con số của Donald không phải là một chứng bệnh, mà là một khả năng thiên phú của ông trong bộ môn toán học.
Ngày nay, người dân ở thị trấn Forest hàng tuần vẫn nhìn thấy Donald đang được một người bạn già dạy cho cách bơi và nói chuyện một cách trôi chảy. Đó là do ông vẫn mắc bệnh tự kỷ, nó không biến mất, mà thay vào đó, Donald vẫn hàng ngày vượt qua nó một cách đầy nỗ lực.
Dù ngày nay người dân trên toàn thế giới không còn lạ gì chứng bệnh tự kỷ, nhưng câu chuyện về trường hợp đầu tiên mắc căn bệnh này vẫn là một bài học quan trọng không thể bỏ qua, đặc biệt là các bậc cha mẹ: Mỗi cá nhân đều có khả năng đặc biệt để phát triển và học hỏi, như Donald, thậm chí khả năng đó còn vượt trội người bình thường.
Linh Chi
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.