Cho rằng kết luận của Hội đồng chuyên môn chưa rõ ràng, không chỉ rõ trách nhiệm của bệnh viện, gia đình bệnh nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức tiếp tục gửi đơn lên Bộ Y tế.
Chị Phương, vợ bệnh nhân nam tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức ngày 26/12/2016 cho rằng kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội còn nhiều điều chưa rõ ràng và chưa đề cập đến trách nhiệm của Bệnh viện Trí Đức.
“Bệnh nhân thứ nhất tử vong trước ca phẫu thuật của chồng tôi khoảng 30 phút, tại sao bệnh viện không dừng ca mổ của chồng tôi lại. Kết luận tất cả kỹ thuật gây mê và thuốc gây mê đều đúng quy trình, vậy vì sao chồng tôi lại chết?”, người vợ bức xúc nói.
Cũng theo vợ của người đã mất, chi phí tại Bệnh viện Trí Đức cao hơn gấp nhiều lần so với các bệnh viện công nhưng lại không đủ trang thiết bị để cấp cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Hội đồng chuyên môn cũng “chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả 2 trường hợp trên”. Như vậy, nguyên nhân cái chết của chồng chị vẫn chưa được tìm ra.
Chung quan điểm này, chị Thanh, em gái nữ bệnh nhân tử vong cho rằng kết luận của Hội đồng chuyên môn còn nhiều điều mập mờ, không rõ. Ví dụ kết luận bệnh viện cần máy chống rung tim trong phòng phẫu thuật, nhưng Hội đồng không chỉ rõ thiếu thiết bị này ảnh hưởng như thế nào đến việc cấp cứu nạn nhân.
“Phần kết luận về thuốc không hợp lý vì tại sao lại trùng hợp ngẫu nhiên khi có đến 2 ca tử vong do sốc phản vệ sau gây mê, chỉ cách nhau 30 phút. Tôi không hiểu việc chị gái tôi có biểu hiện buồn nôn sau khi tiêm, truyền có phải là biểu hiện khác thường”, chị Thanh nói.
Cũng theo chị Thanh, cơ quan chức năng đã có sự chậm trễ trong việc công bố nguyên nhân cái chết của 2 bệnh nhân. Kết quả giải phẫu pháp y có từ ngày 18/1 nhưng đến ngày 17/2 Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế mới họp.
Chị Thanh cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn cầu cứu tới Bộ Y tế để có câu trả lời chính xác về nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân. Trong khi đó, chị Phương đã viết đơn gửi đến Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế và Bộ trưởng Y tế.
Sáng 25/12/2016, hai bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức được bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật với hai ca mổ cách nhau 25 phút. Mỗi kíp mổ gồm 5 thành viên. Bệnh nhân nữ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp còn bệnh nhân nam cắt amidan. Cả hai bệnh nhân đều được gây mê nội khí quản, cùng được tiêm các loại thuốc gồm Atropine 0,25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê); sau đó 15 phút sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Chỉ 30 giây sau gây mê, cả hai bệnh nhân cùng có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai song không qua khỏi.
Ngày 13/2, gia đình hai nạn nhân gửi đơn cầu cứu Bộ trưởng Y tế vì sau gần 2 tháng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Ngày 19/2, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế họp với sự tham gia của chuyên gia đầu ngành về gây mê hồi sức, cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Saint Paul, Thanh Nhàn cùng lãnh đạo, bác sĩ gây mê, kỹ thuật gây mê của Bệnh viện Trí Đức.
Ngày 21/2, kết luận của Hội đồng cho rằng quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê trong 2 ca bệnh này phù hợp với quy định Bộ Y tế. Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả 2 bệnh nhân. Hội đồng cho rằng bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ. Nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân trên là suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, sốc phản vệ mức độ nặng.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.