Năm 2005, Hàn Quốc quy định con không nhất thiết phải theo họ cha, và con trai không còn là chìa khóa để nối dõi tông đường.
Văn hóa thích con trai đã ăn sâu, bám rễ quá lâu đời ở châu Á. Theo một vài tính toán, con số các trẻ gái không được chào đời vì phá thai chọn lọc, vì chết do bị bỏ rơi… đã vượt quá 100 triệu người trên ở châu lục này ngày nay. Sức ảnh hưởng của việc này về kinh tế và xã hội đối với một số quốc gia đang lớn đến mức khó mà đo đếm nổi.
Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc là điển hình về xu hướng đáng buồn này. Năm 1990, khi các tiến bộ y học đã hỗ trợ việc chẩn đoán giới tính, tỷ lệ trẻ nam – nữ khi sinh ở nước này tăng vọt đến mức cao nhất thế giới, với 116,5 bé trai so với cứ 100 bé gái sinh ra.
Rồi một điều kỳ lạ đã xảy ra. Hàn Quốc đã đảo chiều điều này.
Chỉ trong một thế hệ, Hàn Quốc từ một xã hội khát con trai trở thành một xã hội nơi các bé gái được chào đón tha thiết. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự giáo dục, cùng với cuộc nổi dậy của phái nữ, đã loại bỏ những tàn dư thâm căn cố đế nhiều thập kỷ, coi con trai là cần thiết để thừa kế gia tài, hương hỏa tổ tiên, chăm sóc cha mẹ và nối dõi cho dòng họ.
Đến năm 2014, tỷ lệ giới tính khi sinh của quốc gia này đã trở lại mức bình thường là 105 bé trai so với 100 bé gái sinh ra.
Sự đảo chiều thần kỳ này đã mang đến những bài học quan trọng cho những “người khổng lồ” ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, nơi 1/3 dân số thế giới vẫn tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng có con trai. Ở hai quốc gia này, một lượng khổng lồ nam giới không thể tìm được vợ trong các thập kỷ tới, kéo theo tình trạng bạo lực, bất ổn xã hội và bắt cóc phụ nữ làm vợ ở nhiều vùng của châu Á.
Năm 1990, Amartya Sen, nhà kinh tế học người Ấn Độ từng đoạt giải Nobel, đã gây sốc với thế giới khi đưa ra một bài báo ước tính có khoảng 100 triệu phụ nữ mất tích do loại tội phạm này. Con số sẽ còn tăng lên 150 triệu vào năm 2035.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính thai nhi của một số nước lớn tại châu Á như Trung Quốc (vạch đỏ), Ấn Độ (vạch xanh lá) tăng vọt từ thập kỷ 1990 (khi siêu âm phát triển), đạt đỉnh vào giữa năm 2000 đến 2010, và giảm dần hiện nay, nhưng vẫn chưa về được mức cân bằng tự nhiên như của châu Âu. |
Trên khắp châu Á, ảnh hưởng này chỉ có thể cảm nhận rõ khi thế hệ đầu tiên của sự chênh lệch giới tính (sinh ra vào thập kỷ 1980-1990) đến tuổi kết hôn. Tại Hàn Quốc, gần 10% các cuộc hôn nhân vào năm 2005 là của các ông chồng Hàn với vợ nước ngoài, hầu hết từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Nhưng khi sức căng về thiếu hụt phụ nữ trở nên tồi tệ sau một vài thập kỷ nữa, không có sự di cư cô dâu nào có thể bù đắp nổi, các nhà nhân chủng học cho biết.
Vấn đề sẽ trở nên “căng thẳng trong 5 năm tới và trở nên bùng nổ trong thập kỷ tới”, Nicholas Eberstadt, một nhà kinh tế học chính trị từ Washington, người nghiên cứu về sự chênh lệch này, cho biết.
Nếu tỷ lệ chênh lệch này vẫn duy trì cao như vậy, ở Trung Quốc đến giữa thế kỷ tới, cứ 186 đàn ông độc thân sẽ chỉ được chọn vợ trong 100 cô gái độc thân, vì con số đàn ông chưa kết hôn năm trước sẽ dồn tiếp vào nhóm cần tìm vợ trong năm sau. Vào năm 2060 ở Ấn Độ, mức đỉnh sẽ còn cao hơn: 191 đàn ông cạnh tranh để có được 100 cô gái.
Câu chuyện điển hình của một người đàn ông Ấn Độ không lấy được vợ
Trong lúc đó, làn sóng phụ nữ có giáo dục ở các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản lại chọn cách sống độc thân, hoặc trong các mối quan hệ không chính thức. Và việc này thường đồng nghĩa với chuyện không có con.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thức được tầm quan trọng phải thay đổi thực trạng này. Họ đều đã siết chặt tình trạng chẩn đoán giới tính thai nhi. Trung Quốc còn hỗ trợ cho các cặp đôi sinh con gái. Mới đây, nước này còn nới chính sách sinh lên 2 con. Dẫu vậy, sự thay đổi ở Trung Quốc vẫn chậm chạp, và còn chậm hơn ở Ấn Độ.
Ngay cả nếu tỷ lệ giới tính khi sinh trở lại bình thường, thì hàng trăm triệu đàn ông châu Á vẫn sẽ độc thân trong các thập kỷ sắp tới. Hơn 21% đàn ông Trung Quốc sẽ vẫn chưa kết hôn ở độ tuổi 50 vào năm 2070, trong khi ở Ấn Độ là gần 15%, tiến sĩ Guilmoto dự báo.
Khu chợ tấp nập của thị trấn Hisar, bang Haryana, phía bắc Ấn Độ, một trong những nơi có tỷ lệ giới tính nam – nữ khi sinh cao nhất Ấn Độ, hầu như chỉ thấy đàn ông. Ảnh: Wall street. |
Hàn Quốc, như nhiều quốc gia châu Á khác, cũng nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ. Văn hóa nước này cho người anh cả trong gia đình thừa kế hầu hết tài sản, việc hương khói và nối dõi dòng họ. Điều đó có nghĩa là ngay cả những gia đình trẻ, quy mô nhỏ ở thành thị vẫn tiếp tục cảm thấy phải có con trai.
Vì thế, nhóm người này nhanh chóng tận hưởng tiện ích của việc siêu âm chọn lọc giới tính thai nhi, khi siêu âm trở nên phổ biến vào thập kỷ 1980, để loại bỏ các bào thai gái.
“Khi một bà bầu biết cô ấy sắp sinh con gái thứ hai, cô ấy sẽ khóc”, bác sĩ Kim Ahm, 60 tuổi, ở Trung tâm y tế Asan kể. “khi bạn nói cô ấy sắp có cô con gái thứ ba, bệnh nhân thực sự hoảng sợ”.
Những phụ nữ này sẽ cố gắng đi phá thai, hy vọng sau đó sẽ là con trai. Việc phá thai trở nên đặc biệt phổ biến nếu gia đình đã có một hoặc hai con gái. Đến năm 1990, tỷ lệ giới tính khi sinh của những đứa trẻ là con thứ ba trong gia đình lên đến 193 trai – 100 gái.
Ngay sau đó, Hàn Quốc tổ chức tuyển cử dân chủ lần đầu tiên. Được thoát khỏi chế độ quân sự, các phong trào nữ quyền nổi lên. Chính phủ đã ban hành một đạo luật y tế cấm lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách tước bằng y của những bác sĩ làm điều này. Vào đầu thập kỷ 1990, chính phủ bổ sung việc ban án tù cho các bác sĩ thông báo giới tính.
Sau khi đạt đến tỷ lệ chênh lệch 116,5 nam – 110 nữ vào năm 1990, tỷ lệ chênh bắt đầu giảm xuống, mặc dù vẫn cao hơn mức bình thường. Các tổ chức nữ quyền làm việc với giới truyền thông, tòa án và cơ quan lập pháp, yêu cầu cân bằng giới tính.
KoEun Kwang-soon, một bác sĩ đông y ở nước này, cho biết bà đã nhận ra nguồn gốc của vấn đề chênh lệch giới tính trong hoạt động của mình, nơi mà bà thường xuyên được yêu cầu bốc thuốc để giúp thụ thai con trai.
Năm 1997, bà KoEun đã giúp phát động một phong trào cho phép các gia đình sử dụng hoặc là họ của mẹ hoặc họ của bố, thay vì chỉ có họ của bố. Cuộc vận động này có tính biểu tượng hơn là ảnh hưởng thực tế, chỉ mang đến ý tưởng rằng các bé gái cũng quan trọng.
“Mọi người nghĩ chúng tôi là một nhóm đàn bà điên khùng”, bà nhớ lại. Trong năm tiếp theo, bà giúp thành lập Tổ chức hỗ trợ công dân để loại bỏ Hojuje – phong tục coi người cha là chủ hộ hợp pháp của gia đình.
Phong trào này vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, sau đó nó được đẩy lên tòa án. Năm 2005, Tòa án hiến pháp Hàn Quốc loại bỏ Hojuje, coi tất cả các công dân có địa vị bằng nhau. Không lâu sau đó, tòa án cũng quy định các gia đình không nhất thiết phải lấy theo họ cha.
Với việc chấm dứt của Hojuje, con trai không còn là chìa khóa để nối dõi gia đình nữa.
Vào năm 2005 tại nước này, tỷ lệ giới tính đã giảm xuống còn 110 bé trai trên mỗi 100 bé gái. Chỉ 5 năm sau đó, nó giảm xuống còn 107, và vào năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, tỷ lệ này rơi xuống mốc tự nhiên là 105, ngang bằng với Mỹ và châu Âu.
Với những người mới lập gia đình tại Hàn Quốc, ý tưởng phải có một đứa con trai đã thay đổi. “Ngày nay tôi không còn thấy ai khóc khi biết mình sắp sinh con gái”, bác sĩ Kim nói.
Trong khi hơn 40% các bà mẹ cho biết trong một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 1991 rằng họ nên có một đứa con trai, thì con số này chỉ còn 8% vào năm 2012.
Thay đổi này được phản ánh trong cuộc sống của bà Lim Ki-ouk, 64 tuổi và con gái mình, cả hai đều là chị cả trong gia đình, đều tốt nghiệp đại học và cả hai đều chỉ sinh ra các con gái.
Với người mẹ, mỗi khi một trong 4 cô con gái được sinh ra, bà lại cảm thấy “thất bại trong việc nối dõi cho dòng họ”. Ngược lại, khi con gái bà sinh ra cô bé thứ ba, một người chú chồng khó tính dám đề nghị cô đẻ cố để sinh con trai đã bị mắng đến mức phải xin lỗi.
“Điều đó cho thấy Hàn Quốc đã thay đổi lớn lao thế nào”, chị Ko Bo-min, 38 tuổi, con gái của bà Lim Ki-ouk, cho biết.
Bà Lim Ki-ouk (thứ hai từ trái sang) một cựu giảng viên đại học 64 tuổi, chụp ảnh cùng hai trong số 4 cô con gái và 3 cháu gái của mình trong một quán cà phê ở Seoul. Con gái bà Ko Bo-min, 38 tuổi, ngoài cùng bên trái, cũng là giảng viên đại học, cho biết thái độ đối với con gái đã thay đổi. Ảnh: Wall street. |
Chị Ko là giáo viên đại học và là một nhà nghiên cứu. Chồng chị không hy vọng chị phải chịu gánh nặng gấp đôi vừa chăm con vừa làm việc – anh đồng ý rằng họ nên thuê người chăm trẻ và giúp việc nhà.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đóng một vai trò trong sự chuyển mình này. Họ trợ cấp chi phí nuôi con tại nhà, trả cho mỗi gia đình 177 đôla mỗi tháng trong 5 năm đầu đời của trẻ. Chính phủ cũng khuyến khích các công ty áp dụng các chính sách trợ sản cho các bà mẹ. Các địa phương tổ chức những lớp học nấu ăn và chăm sóc nhà cửa cho các ông bố.
Trong kỷ nguyên mới này, bà Lim, người từng xem mình như một thất bại, giờ đây ghen với các con. Dẫn lời một câu châm ngôn mới của người Hàn rằng hai con gái là đạt huy chương vàng, bà mỉm cười bảo: “Các bạn tôi nói rằng ‘bà có huy chương kim cương rồi'”.
Thuận An (theo wsj)
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.