Cần phải vượt qua những rào cản về cả công nghệ và đạo đức, ta mới có thể có được ca ghép đầu người đầu tiên.
Đầu tiên, ông nói rằng mình đã tháo rời và nối liền thành công xương sống của một con chó. Chưa đầy một năm sau, ông xuất bản một báo cáo khoa học mô tả chi tiết cách ông tạo nên một con thú chuột có hai đầu.
Mới đây thôi, nhà phẫu thuật thần kinh người Ý, công Sergio Canavero tuyên bố rằng mình vừa tháo rời thành công xương sống của một nhóm chuột và cũng thành công trong việc gắn lại chúng, bằng một phương pháp mà ông chỉ gọi đơn giản là “dùng keo” dán lại.
Theo lời Canavero, thì mỗi thử nghiệm nhỏ này lại là một bước tiến lớn tới cái đích “hoàn thiện ca ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại”, một thử nghiệm nhận được nhiều đồng tình và cũng không ít sự phản đối.
Trong một bài báo cáo được xuất bản ngày 14 tháng 6, Canavaro mô tả cụ thể cách ông và đội ngũ nghiên cứu của mình tháo và nối liền thành công xương sống của một nhóm chuột, sử dụng một loại nhựa có tên polyethylene glycol (PEG). Trước đây, trong bài diễn thuyết TED Talk của mình, Canavero đã mô tả PEG như “một loại keo sinh học đặc biệt”, có tiềm năng sẽ là chìa khóa mở ra cái đích “ghép đầu” đã nói ở trên.
Đàn chuột được ghép đầu mới này sống được tới một tháng, tuy nhiên mục đích của thử nghiệm này không phải là để duy trì sự sống của chuột sau khi phẫu thuật.
Ông nói với tạp chí Newsweek rằng thử nghiệm mới nhất trên nhóm chuột này là một bước tiến lớn tới cái đích ấy.“Nhiều người chỉ trích rằng xương sống đã bị đứt thì không thể lành lại được và vì thế, việc ghép đầu người là bất khả thi”, Canavaro nói. “Những bản quét bằng máy đã cho thấy (điều ngược lại là) dây thần kinh cột sống đã được tái tạo”.
Các bác sĩ phẫu thuật đã sử dụng chất keo PEG trong một chuỗi các thử nghiệm được thực hiện hồi năm 1930 và 1940, khi mà họ đã cố gắng nối dây thần kinh xương sống của chó và gắn thêm một cái đầu nữa cho nó. Canavero cũng thực hiện một thử nghiệm tương tự hồi tháng Tư, khi mà ông tuyên bố gắn thành công một chiếc đầu chuột lên cơ thể một con chuột khác. Chuỗi những thử nghiệm ấy đã cho Canavero một đàn chuột hai đầu có thời gian sống trung bình là 36 tiếng.
Sergio Canavero diễn thuyết trên bục TED Talks.
Bước chuẩn bị cuối cùng nhà nghiên cứu người Ý này thực hiện là tiến hành một ca ghép đầu trên một con chó, như bằng chứng cho thấy rằng ông sẽ làm được. Ông tiến hành tháo rời dây thần kinh xương sống của con chó và nối lại nó. Tuy nhiên, chưa có báo cáo cho biết con chó trên sống được bao lâu.
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, ông cũng cho biết thêm rằng việc bôi dung dịch nước muối vào các vết mổ cũng khiến chúng không còn chảy máu nữa. Có 9 con chuột được chữa trị bằng phương pháp bôi keo PEG đều đã lành miệng vết thương, 6 con khác được hồi phục bằng nước muối. Cả hai nhóm chuột đều được uống kháng sinh trong 72 giờ sau khi phẫu thuật.
Trong báo cáo của mình, Canavero nói rằng tất cả những con chuột được chữa trị bằng phương pháp bôi keo PEG đều phục hồi được chức năng cử động đầu và có thể đi lại trong vòng 28 ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, gần như toàn bộ mẫu vật đều chết sau 1 tháng, trong số đó có một con chết sớm hơn.
Nhưng mục đích của thử nghiệm này, theo lời Canavero, không phải là giữ cho con chuột sống sót được sau thử nghiệm. Thay vào đó, mỗi thử nghiệm này là một bước tiến gần hơn tới mục đích ghép đầu người.
Đây là 5 chướng ngại lớn nhất Canavero cần phải vượt qua trước khi tới được cái đích đầy tham vọng này:
1. Giữ cho chiếc đầu rời khỏi thân còn sống, còn hoạt động được
Sergio Canavero.
Trong bất kì ca phẫu thuật cấy ghép nào cũng vậy, phần nội tạng cần phải “còn sống” trước khi được đưa vào cơ thể người nhận. Ngay giây phút nội tạng rời khỏi cơ thể, nó đã bắt đầu quá trình “chết” rồi, vì thế các bác sĩ phải giảm nhiệt độ nội tạng xuống để giảm lượng năng lượng các tế bào cần để sống sót. Dùng dung dịch nước muối lạnh, các bác sĩ có thể bảo quản thận được 48 tiếng, gan trong 24 tiếng và tim trong vòng 5 tới 10 tiếng.
Nhưng với đầu thì khác, đầu là một cơ quan phức tạp hơn nhiều. Ngoài việc chứa đựng não, mắt, tai và các bộ phận khác, nó còn là cây cầu kết nối tuyến yên – nơi điều khiển các hormone đi quanh cơ thể ta và tuyến nước bọt – nơi sản xuất nước bọt.
Hơn một thế kỷ qua, những nghiên cứu rợn người trên động vật đã cho ta thấy vào khoảnh khác đầu không còn nằm trên thân thể ta, huyết áp trong đầu giảm mạnh. Máu và oxy không còn được đẩy lên đầu nữa và không lâu sau giây phút ấy, não sẽ chết. Nhưng trong thử nghiệm hồi tháng Tư của Canavero, ông và đội ngũ của mình khẳng định là họ đã có thể giải quyết vấn đề này thông qua việc giữ một lượng máu chảy vào đầu ổn định, một đường truyền máu giữa con chuột nhận đầu, con chuột cho đầu và con chuột thứ ba nữa, có tác dụng như một hệ thống trung gian để truyền máu cho hai con kia.
Thứ tự chuột từ trái sang phải: Con chuột truyền máu (tới mục đích khoa học cao cả), con chuột hiến đầu (cho khoa học) và con chuột nhận đầu (vì khoa học).
2. Hệ miễn dịch
Một vấn đề nữa. Sau mỗi ca cấy ghép bộ phận, phản ứng của cơ thể đối tượng nhận tạng trước nội tạng mới cũng rất đáng nói. Khi mà bộ phận mới được đưa vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ nhanh chóng phát hiện ra “vật thể lạ”, có những kháng thể không giống với cơ thể vật chủ.
Trong trường hợp xấu nhất, hệ miễn dịch có thể sẽ phóng một đợt “tấn công tổng lực” lên bộ phận mới được cấy ghép. Đó là lý do vì sao những người nhận tạng thường phải dùng thuốc kiềm chế phản ứng của hệ miễn dịch trước khi bác sĩ tiến hành ghép tạng. Bởi lẽ đó, với một bộ phận phức tạp như đầu (chứa vô cùng nhiều các bộ phận quan trọng), tỉ lệ hệ miễn dịch kháng lại nội tạng mới sẽ vô cùng lớn.
3. Tốc độ
Trong thử nghiệm trên khỉ hồi những năm 1970, nhà giải phẫu thần kinh Robert White gợi ý rằng để có thể có thể ghép đầu thành công, ca phẫu thuật phải diễn ra dưới một giờ để cơ thể vật chủ nhật không bị tổn hại. Canavero đã nhấn mạnh rằng để tối đa hóa hiệu quả của việc ghép đầu, cả hai đầu từ hai người cho và nhận sẽ được tháo rời ra cùng một lúc, khi mà cả hai cơ thể đều được cho chết lâm sàng bằng cách cho tim ngừng đập.
Thử nghiệm chó hai đầu của các nhà khoa học Nga.
4. Nối nhưng dây thần kinh cột sống lại
Não và các dây thần kinh chạy dọc xương sống phải luôn kết nối với nhau để ta có thể điều khiển được cơ thể. Bởi thế, Canavero dự tính sau khi người bệnh được ghép đầu hoàn chỉnh, họ sẽ phải được đặt trong trạng thái hôn mê một tháng để các dây thần kinh có thời gian nối lại. Nếu không, khi mà những “sợi spaghetti” (ông gọi những sợi thần kinh cột sống như vậy, đúng là người Ý) sẽ xoắn lại, rối vào nhau.
Giáo sư giải phẫu thần kinh Harry Goldsmith tại Đại học California bày tỏ lo ngại về việc hôn mê sâu kéo dài 1 tháng có thể để lại hậu quả, bởi lẽ nếu hôn mê bằng thuốc lâu dài, cơ thể sẽ bị nhiễm khuẩn, tụ máu và hoạt động não sẽ giảm.
5. Những thử nghiệm trên động vật
Trước khi một ca cấy ghép đầu có thể được thực hiện trên người, các nhà nghiên cứu phải giải quyết được mọi khúc mắt trên cơ thể động vật trước. Nhưng hiện tại, việc thử nghiệm trên động vật cũng đang vấp phải nhiều sự phản đối, ít nhất là trước con mắt của những người bảo vệ động vật.
Tuy vậy, đây lại là vấn đề dễ giải quyết do Canavero và đội ngũ của mình chỉ việc di dời sang một nước nào đó cho phép thực hiện quá trình nghiên cứu (và kể cả quá trình ghép đầu) một cách hợp pháp. Sắp tới, Canavero sẽ thử nghiệm trên chó, tương tự với những thử nghiệm mà ông đã rất thành công trên chuột.
Chúng ta đang chờ đợi gì từ thử nghiệm này? Về mặt y học mà nói, nó sẽ cứu sống được rất nhiều người, cho nhiều người một cuộc sống mà họ hằng mơ ước hoặc cuộc sống đã bị tước mất khỏi họ – những người liệt toàn thân sẽ có thể có một cơ thể mới, một cơ thể khỏe mạnh của riêng họ. Nhưng để tới được lúc đó, ta cần nhiều thời gian hơn, vượt qua những rào cản của kĩ thuật, của y học và cả của đạo đức.
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.