Hơn 300 em học sinh trong cùng một ngôi trường đều có một khả năng đặc biết thường chỉ xuất hiện ở 1% dân số thế giới.
Mặc dù trên thế giới chỉ có khoảng 10% dân số thuận tay trái và 1% dân số thuận cả hai tay, thế nhưng toàn bộ 300 em học sinh ở trường Veena Vandini, huyện Singrauli, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ lại có thể viết chữ thành thạo bằng cả hai tay trong cùng một lúc.
Được biết, đây chính là kết quả của phương pháp giáo dục đặc biệt mà ông VP Sharma, hiệu trưởng kiêm người sáng lập ngôi trường đã đề ra cách đây 20 năm về trước.
Do từng là một quân nhân xuất ngũ nên ông Sharma cũng rất kính trọng vị Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ – ngài Rajendra Prasad.
Và sau khi biết ngài Prasad có khả năng viết chữ cùng lúc bằng cả hai tay, ông Sharma đã quyết định luyện tập rồi nhanh chóng nhân rộng mô hình này bằng cách mở ngôi trường chuyên biệt mang tên Veena Vandini với các chương trình giảng dạy khá thú vị vào năm 1999.
Toàn bộ 300 em học sinh ở trường Veena Vandini đều viết chữ thành thạo bằng cả hai tay.
Ông Sharma đã không ngừng nghiên cứu và nâng cấp phương pháp giáo dục trong suốt 20 năm vừa qua – bao gồm việc dành thêm 15 phút vào cuối mỗi tiết học nhằm giúp những thế hệ măng non có thể làm quen với 8 mức độ riêng biệt trong bộ kỹ năng dạy viết cùng lúc bằng cả hai tay.
Nếu mức I chỉ dành riêng cho những học sinh vừa mới “nhập môn” thì khi đạt tới mức III, các em có thể viết chữ bằng cả hai tay một cách rất thoải mái. Còn muốn ứng dụng theo hướng linh hoạt nhất, hoặc viết nhiều nội dung khác nhau bằng đủ loại ngôn ngữ thì các em buộc phải học tới mức độ cao nhất.
Vị hiệu trưởng lớn tuổi cũng nhấn mạnh, việc luyện tập và sử dụng thành thục kỹ năng đặc biệt này còn giúp học sinh rèn luyện được sự tập trung cao độ khi làm việc cũng như tăng cường khả năng ghi nhớ chuỗi kiến thức cơ bản.
Các em có thể viết các nội dung khác nhau theo nhiều loại ngôn ngữ riêng biệt bằng cả hai tay trong cùng một lúc.
Hành động kỳ lạ này có thể giúp những em học sinh tại trường Veena Vandini nâng cao khả năng ghi nhớ kiến thức cùng tinh thần tập trung cao độ.
Theo Thời đại
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.