Thứ Ba, 22/12/2015 | 13:04

Cháu không tập trung nghe cô giảng, kỹ năng viết chậm, tư duy không nhanh bằng các bạn cùng lớp. 

Về nhà cháu không tự giác học bài, ba mẹ phải nhắc nhở, đốc thúc, cháu mới ngồi vào bàn học. Xin tư vấn giúp tôi cách giúp cháu cải thiện tình hình này. (Thiện)

Trả lời

Chào bạn,

Những thông tin bạn cung cấp về con quá ít, chúng tôi chưa biết cháu là nam hay nữ, đang học lớp mấy bởi với mỗi giới tính, mỗi độ tuổi, chúng ta sẽ có định hướng và cách giáo dục khác nhau cho phù hợp. Dưới đây, chúng tôi chỉ cung cấp một số thông tin chung, hy vọng sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng của bé:

Trước hết, bạn cần xác định xem nguyên nhân nào dưới đây dẫn đến sự lề mề, chậm chạp của trẻ và sử dụng phương pháp khắc phục phù hợp với từng nguyên nhân:

– Thứ nhất: Trẻ có tính chậm chạp bẩm sinh do các đặc điểm về thể chất, khí chất như: trẻ có hệ thần kinh không tốt, hệ xương và cơ yếu… Trẻ nhỏ còn đang phát triển, các đặc điểm thể chất chưa hoàn thiện nên thường lóng ngóng, chậm chạp khi làm mọi việc.

Với trường hợp này thì cha mẹ cần cho trẻ vận động, luyện tập thể thao để tăng cường sự phát triển cơ bắp, hệ thần kinh và các giác quan. Ngoài ra cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Nên làm gì khi con viết chậm, lười học

Ảnh minh họa: Todaysparent.

– Thứ hai: Trẻ thiếu hứng thú. Trước những việc ưa thích, trẻ sẽ hành động rất nhanh, còn với những việc không thích, bé lại dềnh dàng, đủng đỉnh. Cha mẹ cần quan sát xem trẻ hứng thú với những điều gì, thử dùng những điều trẻ thích để kích thích tính tích cực của con, đồng thời cho trẻ thấy được thành quả lao động từ những việc bé ít thích hơn. Ví dụ: “Nếu con dọn dẹp đồ đạc nhanh, mẹ sẽ cho đi chợ cùng” hoặc “con dọn đồ nhanh, bà đến thấy phòng con sạch sẽ thì sẽ khen con ngoan đấy”…

– Thứ 3. Trẻ không biết khái niệm về thời gian, không quý thời gian. Cha mẹ có thể thông qua những câu chuyện về sự chậm trễ để giáo dục trẻ. Ví dụ, kể cho trẻ nghe chuyện “rùa và thỏ”, phân tích cho trẻ hiểu giá trị của thời gian. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tạo cho trẻ một thời gian biểu cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày và hướng dẫn trẻ thực hiện theo.

– Thứ 4: Trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường mà mọi người xung quanh đều đủng đỉnh chậm chạp và “nhiễm” tính này từ người lớn. Trong trường hợp này, chính người lớn cần chỉnh sửa lại thói quen của mình, đặc biệt là cần thẳng thắn nhận khuyết điểm, nói trẻ không nên bắt chước tính xấu này.

– Thứ 5: Người lớn quá chiều chuộng, làm hết mọi việc cho trẻ, tạo cho con thói quen dựa dẫm, đến khi phải tự mình giải quyết việc gì, trẻ không biết cách làm nên lóng ngóng, chậm chạp.

Trẻ cần luyện tập thường xuyên các việc thì mới thành thạo, nhanh nhẹn. Cha mẹ hãy tin tưởng, giao cho trẻ một số việc vừa sức. Thông qua việc này, trẻ cũng học hỏi được nhiều giá trị của cuộc sống, trong đó có kỹ năng tự phục vụ bản thân và giúp đỡ mọi người.

Trong khi hướng dẫn trẻ, cha mẹ tuyệt đối không trách mắng làm trẻ sợ quá mà mất tập trung, cần khen ngợi thành quả lao động và động viên trẻ cố gắng hơn. Không thúc giục trẻ quá nhưng cũng cần cho con hiểu được khoảng thời gian có thể sử dụng để hoàn thành công việc được giao.

Để sửa đổi thói quen lề mề của trẻ thì cần có thời gian nên cha mẹ nên kiên nhẫn, thường xuyên giúp trẻ điều chỉnh và khen ngợi sự tiến bộ dần dần ở con.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook