Mẹ đang nhặt rau chuẩn bị nấu cơm thì bé Linh Anh chạy đến bỏ đồ chơi của mình vào rổ rau. Mẹ thấy vậy quát con:
– Sao con lại làm như thế? Mẹ đang nhặt rau mà, con không thấy à? Đây có phải là cái để con chơi đâu?
Bé Linh Anh thấy mẹ quát như thế, mặt buồn thiu, đứng yên một lúc không nói gì rồi òa lên khóc. Mẹ phải dừng công việc lại dỗ một lúc bé mới nín.
Thông thường, khi thấy con nghịch ngợm, câu đầu tiên mà bố mẹ thường nói là:
– Con đi ra ngoài ngay.
– Con không được làm như thế.
– Ai bảo con làm như thế đấy? Sao con lại nghịch đồ của mẹ.
– Mẹ bảo con không được được lấy cái này mà.
– Mẹ bảo con đừng làm phiền mẹ khi mẹ đang làm việc mà.
…
Thực tế những lúc đấy, trẻ không có ý định làm phiền hay trêu trọc ai mà chỉ đang chơi trò của mình. Mọi việc trẻ làm đều là vì niềm vui, dù người lớn nghĩ đấy là gì hay gọi đấy là gì. Trẻ chưa có khái niệm về trách nhiệm, công việc hay bổn phận. Khi đang chơi một trò gì đấy là trẻ đang tưởng tượng ra câu truyện của riêng mình, đang tập trung tư duy cho trò chơi của mình. Trẻ càng tưởng tượng phong phú thì trí não càng phát triển. Không những thế, chơi cũng sẽ giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng sử dụng tay, cầm nắm, sắp xếp đồ vật và trải nghiệm cảm giác. Khi cấm con chơi, quát nạt con, sẽ làm con lo sợ, buồn rầu, ảnh hưởng xấu đến việc hình thành tính cách của con.
Khi thấy trẻ nghịch, bố mẹ nên bình tĩnh xem xét. Nếu thấy điều đấy không ảnh hưởng nhiều đến công việc bố mẹ đang làm, đến sức khỏe của trẻ, bố mẹ hãy để con tiếp tục chơi và tìm đồ dùng khác để làm việc của mình. Trong ví dụ trên, mẹ chỉ cần dùng một cái rổ khác để tiếp tục công việc của mình thì cả hai mẹ con đều thoải mái, mẹ vẫn làm việc tiếp còn bé lại được chơi. Thông qua đấy, trẻ sẽ học được nhiều điều mà những trò chơi phải mua nhiều tiền ngoài cửa hàng chưa chắc đã đem lại.
Thùy Minh <Nguồn: congioilam>
Chưa có bình luận.