Các viện nhi mỗi ngày tiếp nhận 4.500-5.000 lượt trẻ khám; bệnh tay chân miệng, thủy đậu có xu hướng tăng nhanh trong thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết dẫn đầu trong số trẻ đến viện là các bệnh về hô hấp, chiếm khoảng 20-30%, tiếp đó là bệnh tiêu hóa. Các bệnh tay chân miệng, thủy đậu đang tăng nhanh, chuẩn bị vào mùa cao điểm.
Theo bác sĩ Hoàng, “vùng nguy hiểm” là khu vực nhiệt độ cao khiến vi trùng phát triển nhanh và mạnh. Những ngày qua nhiệt độ Sài Gòn trung bình ở mức 33-35 độ C, vi trùng có thể phát triển nhân đôi trong vòng 20 phút. Bên cạnh các khuẩn gây bệnh tiêu hóa, tiêu chảy cấp, siêu vi hô hấp trong tiết nắng nóng thì tụ cầu khuẩn Staphylococcus cũng gây bệnh lý tụ cầu, nhiễm trùng da, nhọt, nhiễm trùng huyết, các vụ ngộ độc thực phẩm… Phế cầu khuẩn S. pneumococcus cũng sinh trưởng mạnh ở 30-35 độ C, gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não…
Trẻ khám bệnh tại TP HCM bắt đầu tăng khi vào mùa nắng nóng. Ảnh: Lê Phương.
Mùa nắng nóng cũng là thời điểm tia cực tím từ mặt trời ở mức cao, gây độc hại cơ thể, làm giảm sức đề kháng, tổn thương mắt, mất nước, tăng nhịp tim, tăng chuyển hóa khiến trẻ mau mệt, mau mất sức, dễ bệnh. Nhiệt độ quá cao có thể gây sảng nhiệt, sốc nhiệt, gây tổn thương thần kinh tạm thời, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra nắng, cho uống nhiều nước, ở trong môi trường thoáng mát.
Trời nóng khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều, vi trùng phát triển mạnh trên bề mặt da. Tụ cầu khuẩn có thể gây viêm da, mẩn đỏ, trẻ ngứa ngáy khó chịu gãi dẫn đến nhiễm trùng, mụn mủ lan rộng ra. Nếu ở giai đoạn viêm mô tế bào, vùng da sưng đỏ tấy thì cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, tử vong nhanh. Khuẩn tụ cầu đa số kháng thuốc nên rất khó khống chế.
Trẻ đang điều trị tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương.
Phụ huynh cần chú ý vệ sinh cá nhân, môi trường, vệ sinh bàn tay bà mẹ và người chăm sóc để phòng bệnh cho trẻ. Bên cạnh việc ăn chín uống sôi, cần để ý vệ sinh bàn tay, rửa đồ chơi, không cho trẻ ngậm tay vào miệng. Trẻ đã từng bị tay chân miệng phải khử trùng đồ chơi, khử trùng nhà. Ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt gây sốt xuất huyết. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh cần đi khám sớm. Bệnh lý có thể phòng ngừa như thủy đậu, phế cầu… nên thực hiện chích ngừa.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.