Nhiều nghề nghiệp, nếu muốn theo đuổi, con sẽ phải dành nhiều thời gian tập luyện. Nếu cha mẹ không hướng nghiệp cho con từ cuối cấp 2, liệu lên cấp 3 có còn kịp?
Cha mẹ nên hướng nghiệp cho con từ cuối năm cấp 2 – Ảnh: slate.com
Chẳng hạn, nếu muốn theo nghề kiến trúc, con sẽ cần có ba năm cấp ba đi học thêm vẽ để hy vọng “chiến đấu” được với hàng ngàn tài năng khác. Vì thế, nếu chúng ta không hướng nghiệp cho con từ cuối cấp 2, liệu lên cấp 3 có còn kịp?
Làm cha mẹ bao nhiêu năm, chúng ta không lạ gì tính cả thèm chóng chán của lũ trẻ. Mỗi hôm một phát kiến, mỗi hôm lũ trẻ lại mơ ước một nghề nghiệp khác nhau. Vậy là cha mẹ, chúng ta nên làm gì để hướng nghiệp cho con?
1. Xác định giá trị của con
Giúp con tự nhận diện bản thân nhằm xác định được con thích gì, nghề nghiệp nào phù hợp.
Nhận dạng sở thích và sự quan tâm của con trẻ
Hãy hướng sự quan tâm của con đến những việc đang diễn ra xung quanh. Rủ con xem báo đài và yêu cầu con tự tìm hiểu, trả lời câu hỏi về những công việc mình yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp nào con có thể làm hoặc thậm chí những ngành học nào con ưa thích. Điều quan trọng phải giải đáp được vì sao con thích.
Nhận dạng tính cách, sở thích, khả năng của con
Cha mẹ và con phải cùng ngồi lại và bàn bạc cho thật kĩ vấn đề này. Mỗi cá nhân đều có thể thành công hoặc phát huy lợi thế của mình nếu được làm trong môi trường phù hợp với tính cách và giá trị của mình. Để nhận dạng nhận tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của con, bạn và con phải cùng nhau trả lời các câu hỏi: Con sẽ nổi trội nhất ở lĩnh vực nghề nghiệp nào; Con thích hoặc thành công nhất ở những hoạt động nào; Thế mạnh của con là gì?
Dựa vào kinh nghiệm của cha mẹ, cộng với các quảng cáo tuyển dụng, con có thể nhìn vào đó và tự soi lại bản thân xem mình thích gì và phù hợp gì.
Đi làm thêm
Các cha mẹ hãy thử tìm trong những mối quan hệ của mình, liên hệ để con có thể thử làm công việc mà con dự định chọn lựa. Thời gian thử làm trong một ngày. Chỉ cần thời gian ngắn được tiếp xúc với nghề, con sẽ hình dung được những khó khăn của nghề và biết định hướng tốt cho chính mình.
2. Tìm trường tương ứng
Sau khi tự nhận diện bản thân, xác định nghề phù hợp với con, bước tiếp theo bạn sẽ cùng con tìm trường có ngành học phù hợp nhất với sở thích nghề nghiệp của con. Điều quan trọng nhất của giai đoạn này chính là quá trình tự tìm hiểu của học sinh nhằm thu thập thông tin về các trường đại học, cao đẳng và thiết lập mục tiêu cá nhân.
Đây là giai đoạn rất quan trọng, bởi nếu đủ thông tin sẽ giúp bạn và con có cơ sở để xác định chính xác hơn những sở thích hay sự quan tâm của con mà ta đã trả lời ở phần 1. Để bổ sung thông tin cho các con, cha mẹ có thể tham khảo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (với 642 ngành kinh tế cấp 5), danh mục giáo dục đào tạo cấp IV – trình độ cao đẳng, đại học (với khoảng 500 ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trên 130 ngành trung cấp chuyên nghiệp).
3. Nhận diện sức học
Đây là bước mà nhiều học sinh thường “nhắm mắt” bỏ qua, hoặc “đại khái” để tự hài lòng hoặc hy vọng vào sự may mắn. Thực tế tuyển sinh đại học, cao đẳng đã chứng minh cơ hội trúng tuyển tùy thuộc vào sức học của mỗi học sinh. Nếu bỏ qua bước này, cơ hội theo nghề của con sẽ trở nên mong manh.
Để có thể nhận diện sức học của con, cha mẹ hãy yêu cầu con làm thử bài theo mẫu, lưu giữ, đối chiếu với từng học kỳ, so sánh kết quả và tự xác định khả năng. Việc xác định năng lực sớm giúp các con có kế hoạch tự điều chỉnh việc học nhằm quyết tâm thực hiện được mơ ước của mình. Nếu sức học quá chênh lệch với ước mơ, nên học ở một trường khác, bậc học phù hợp để có nghề nghiệp mà con yêu thích, và đủ sức vào theo các tiêu chí tuyển sinh của trường đó.
4. Tìm hiểu nhu cầu nhân lực
Bình quân hàng năm có đến 80% học sinh có nguyện vọng học tiếp đại học, cao đẳng.
Trong khi đó, cơ cấu nguồn nhân lực tính đến 2015 là:
– Sơ cấp nghề chiếm 59%
– Trung học chuyên nghiệp là 23%
– Cao đẳng 6,6%
– Đại học 10,8%
– Sau đại học 0,7%.
Đến 2020, các con số này lần lượt là 54,2% – 27,1% – 6,8% – 11,3% – 0,7%.
Như vậy, bình quân trong cả nước, học sinh chọn ngành học ở trình độ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Ngoài ra, mỗi ngành nghề khác nhau, địa phương khác nhau thì nhu cầu nhân lực theo cơ cấu đào tạo tất yếu là khác nhau. Nếu có dự tính sẽ làm việc ở địa phương nào thì học sinh nên tham khảo nhu cầu nhân lực của địa phương đó.
5. Lập sổ tay hướng nghiệp
Vào lớp 10, con đã có kế hoạch về nghề nghiệp tương lai. Bây giờ là lúc con thực hiện ước mơ. Việc cần làm để luôn xác định đúng hướng đi là lập sổ tay hướng nghiệp. Bước này chính là quá trình tự hướng nghiệp bản thân, kiểm soát, điều chỉnh hành vi nhằm vượt qua những khó khăn, cản trở để đạt mục tiêu cao nhất.
Việc nhận diện tính cách, kỹ năng, giá trị và sức học giúp con vừa tự khám phá mặt mạnh, vừa xác định chính xác những hạn chế của bản thân để có những điều chỉnh phù hợp, chứ không làm triệt tiêu ước mơ của con.
Giúp con hướng nghiệp không phải là việc dễ dàng. Tập trung công sức một chút, cha mẹ có thể dễ dàng giúp đỡ các con tìm kiếm công việc phù hợp trong tương lai.
Tiến sĩ Vũ Thu HươngGiảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Chưa có bình luận.