Có nhiều kẻ thông minh lại làm trái pháp luật. Ngược lại nhiều người năng lực trung bình lại thành công vang dội.
Theo tiến sĩ Khoo Kim Choo, Giám đốc hệ thống giáo dục trí thông minh đa dạng cho trẻ mầm non, thì phát triển trí thông minh (IQ) của trẻ là việc quan trọng nhưng tăng cường trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng là điều cần phải chú ý.
Bà cũng cho biết thêm: “Xã hội cần những cá nhân có năng lực khác nhau để đáp ứng nhiều nhu cầu đa dạng. Một đứa trẻ có chỉ số IQ thấp không nên bị mặc định coi như là một thất bại. Điều quan trọng là nó có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn tới ước mơ và mục tiêu của mình không? Nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp như lòng trung thực, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn cũng khiến đứa trẻ có thể trở thành một người có ích sau này”.
Bà Choo thừa nhận, với tư cách là một nhà giáo dục, bà rất lo lắng khi chứng kiến trẻ em đang ngày càng đòi hỏi cha mẹ nhiều hơn. “Ngày nay, các bậc cha mẹ đã có điều kiện hơn xưa. Nhưng họ đang có ngày càng ít đi thời gian ở cạnh con cái vì quá bận rộn công việc. Bởi thế họ có xu hướng chiều chuộng, làm theo những gì con cái họ đòi hỏi. Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ trẻ em được cưng chiều quá mức, tự coi mình là trung tâm vũ trụ. Vì vậy, những giá trị sống đích thực càng cần phải được truyền thụ lại cho chúng”.
Và chỉ có duy nhất một cách để thực hiện điều này. Cha mẹ phải làm gương trước tiên. Đứa trẻ sẽ học hỏi rất nhiều từ tấm gương của cha mẹ mình. Nếu bạn tin rằng cần phải nuôi dưỡng lòng tốt cho cậu con trai của mình thì trước hết hãy tự mình thể hiện nó.
Bạn cũng có thể giải thích cho con mình hiểu vì sao người có lòng tốt thì đáng quý hơn. Khi con cái làm được một điều tốt, hãy nhấn mạnh với chúng rằng hành vi của chúng là rất đúng đắn.
Cuối cùng, cha mẹ nên học cách từ bỏ những kỳ vọng không thực tế. Theo Tiến sĩ Khoo: “IQ không phải là tất cả mọi thứ. Có rất nhiều kẻ thông minh làm điều trái pháp luật chỉ bởi họ không ý thức được những giá trị đúng đắn. Cũng có những người chỉ có năng lực trung bình nhưng cuối cùng lại thành công vang dội trong lĩnh vực của riêng mình”.
Ảnh: 123RF. |
Sau đây 5 loại chỉ số cảm xúc. Hãy tìm hiểu xem liệu bạn có thể nuôi dưỡng chúng cho con mình hay không?
Trí thông minh (IQ)
IQ dùng để chỉ khả năng nhận thức của một đứa trẻ, chẳng hạn như ngôn ngữ và toán học. Nó thường kết hợp với thành tích học tập. Hãy khuyến khích con bạn chơi những trò chơi chiến thuật như cờ vua. Môn này dạy cho con bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và tìm các giải pháp khác nhau cho từng vấn đề.
Thay vì cho phép con bạn xem tivi hoặc dùng iPad cả chiều thứ 7, hãy cân nhắc đăng ký một lớp học nhạc cho bé. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, âm nhạc giúp phát triển IQ của trẻ.
Năng lực cảm xúc (EQ)
EQ chỉ năng lực nhận diện, đánh giá và quản lý cảm xúc của trẻ và của người khác. Một đứa trẻ chỉ thiết lập được những mối quan hệ ý nghĩa khi nó thể hiện sự tôn trọng và lòng cảm thông với người khác. Do đó nuôi dưỡng chỉ số EQ cũng là cách giúp đứa trẻ có đủ nhận thức để sử dụng chỉ số IQ của mình.
Hãy giúp con cái bạn biết cách phân biệt cảm xúc đằng sau lời nói và hành động của mình bằng cách khuyến khích con cái tự nói về mình. Hãy học cách tôn trọng cảm xúc của con bạn. Hãy lắng nghe, gật đầu và đừng bao giờ chỉ trích chúng. Cuối cùng, hãy dạy con bạn cách ứng phó với những cảm xúc tiêu cực.
Năng lực tưởng tượng (MQ)
Nó đề cập đến khả năng suy nghĩ sáng tạo của trẻ. Nó đồng thời khuyến khích trẻ tìm hiểu các cách thức mới để làm việc và chấp nhận rủi ro. Các chuyên gia cho rằng năng lực tưởng tượng là yếu tố quan trọng giúp trẻ học tập tốt và thành công trong tương lai.
Để phát huy khả năng này cho trẻ, hãy thử hỏi những câu có tính khơi gợi trí tưởng tượng như: “Nếu bầu trời không phải màu xanh thì con nghĩ nó sẽ là màu gì? Tại sao?”. Nó sẽ giúp con bạn phát triển những quan điểm mới và tăng cường trí tưởng tượng. Nó cho phép con bạn mắc những sai lầm, khuyến khích cô, cậu bé tìm nhiều giải pháp khác nhau. Hãy truyền cảm hứng cho con bạn bằng nghệ thuật, âm nhạc và sách vở.
Năng lực ứng phó (AQ)
Đó chính là khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường của con trẻ sau những sai lầm, thất bại để vươn tới thành công. Thay vì cố giải quyết mọi vấn đề cho con mình, hãy hỏi chúng rằng: “Con muốn xử lý việc này kiểu gì? Cha (mẹ) có thể làm gì để giúp con?”. Hãy giúp con mình phát triển lòng tự trọng bằng cách tự giải quyết các vấn đề của mình.
Năng lực khám phá (CQ)
CQ đề cập đến sự tò mò của con trẻ, nó cho thấy khả năng đặt câu hỏi và suy nghĩ về các vấn đề. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình học tập của con bạn tiến bộ hơn. Hãy tìm đồ chơi, trò chơi, những cuốn sách kích thích trí tò mò của con mình. Hãy khuyến khích cô (cậu) bé đặt câu hỏi. Nếu không biết câu trả lời chính xác, bạn có thể cùng con mình suy nghĩ tìm ra nó.
Minh Phương (Theo Youngparents)
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.