Thứ Ba, 30/08/2016 | 14:01

Chiến lược “Một vành đai, Một con đường” gồm hai tuyến trên bộ và trên biển được coi là Chiên lược lớn chống lại “Chiến lược tái cân bằng Châu Á” của Mỹ. Tuy nhiên chiến lược này đang vấp phải nhiều thách thức và đang bị chững lại.

            “Chiến lược Một vành đai, Một con đường” hay còn gọi là “Nhất đới, nhất lộ” được hình thành từ năm 2013 khi ông Tập Cận Bình thăm bốn nước Trung Á  đưa ra ý tưởng cần tái thiết “Con đường tơ lụa” xuyên Á – Âu trong Thế kỷ 21. Tiếp đó khi thăm các nước ASEAN tháng 10/2013, ông lại đề xướng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21”.

Ý tưởng này được các nhà lãnh đạo và lý luận Trung Quốc nâng lên thành “Chiến lược Một vành đai, Một con đường” nhằm chống lại “Chiến lược tái cân bằng Châu Á” của ông Obama đưa ra năm 2009 cũng như Hiệp nghị TPP đưa ra năm 2005 và được ký kết tháng 10 năm 2015 nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Trong Hội nghị thượng đỉnh không chính thức G20 tại Hàng Châu vào tháng 9/2016, Trung Quốc được dịp quảng bá và thuyết phục các nước tham gia, nhưng trên thực tế Chiến lược này đang bị chững lại.

Chiến lược này được hình thành từ tính toán “Chiến lược Á – Âu” của Trung Quốc trong đó trên bộ lấy nước Anh là điểm đầu, lấy Nga và Đức làm một trục chính nối với Bắc Kinh. Trên biển, Trung Quốc lấy ASEAN là đầu cầu để đi ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sang Trung Đông. Theo tính toán, về ý nghĩa kinh tế thì chiến lược này có thể thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra và làm chủ thị trường thế giới, giải quyết tình trạng hàng hóa dư thừa trong nước, từ đó tạo ra “Mùa xuân thứ hai” cho nền kinh tế Trung Quốc sau cải cách mở cửa.

Một vành đai một con đường đang bị tắc nghẽn

Kể từ tháng 3/2015 Trung Quốc ra sức đẩy mạnh tuyên truyền và thuyết phục lãnh đạo các nước tham gia vào chiến lược này của Trung Quốc đề cùng “thắng lợi”.  

Theo tính toán của Trung Quốc, Liên lục địa Á – Âu chiếm 75% dân số thế giới, trên 60% tổng lượng GDP thế giới, trữ lượng dầu mỏ chiếm 2/3 tổng trữ lượng thế giới. Đây là thị trường rất lớn, nhất là nguồn cung cấp năng lượng cho Trung Quốc. Trên biển, lấy ASEAN làm bàn đạp để Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương tới Trung Đông, thực hiện chiến lược “Cường quốc Biển”. Dân số của ASEAN hiện tới hơn 600 triệu người và GDP tới trên 2.200 tỉ USD. Đây là một thị trường lớn và có nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Ngày 7/3/2015, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng trọng tâm công tác đối ngoại năm 2015 là “Một trọng tâm, hai chiến tuyến cơ bản”. Một trọng tâm là “Chiến lược Một vành đai, Một con đường”. Hai chiến tuyến cơ bản là “Hòa bình và phát triển”.

Kể từ tháng 3/2015 Trung Quốc ra sức đẩy mạnh tuyên truyền và thuyết phục lãnh đạo các nước tham gia vào chiến lược này của Trung Quốc đề cùng “thắng lợi”.  

Tuy nhiên, dư luận các nước Phương Tây cho rằng Tập Cận Bình đưa ra chiến lược này nhằm thực hiện giấc mộng làm bá chủ thế giới thay thế Mỹ, biến Trung Quốc thành một Đế quốc mới, nắm quyền lãnh đạo xuyên Âu – Á từ đó hình thành một trật tự thế giới mới thay thế cho trật tự thế giới hiện nay. Vì vậy lãnh đạo Trung Quốc gửi gắm hy vọng rất lớn vào chiến lược này.

Ngay sau khi Chiến lược này ra đời, các nước nằm dọc theo “vành đai và con đường” trong chiến lược này đều hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc là muốn lôi kéo họ để thực hiện chính sách “phi Mỹ hóa” của Trung  Quốc, li gián họ với Mỹ.

Giáo sư Nguyễn Sùng Trạch, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc ngày 5/4/2015 khi trả lời phóng viên tờ “Liên Hợp Buổi Sáng” cũng thừa nhận hiện nay dư luận các nước Phương Tây và kể cả các nước nằm dọc theo “vành đai và con đường” trong chiến lược này đều tỏ ra hoài nghi về thiện chí của Trung Quốc, nhất là ý đồ quân sự và chính trị của Trung Quốc. Vì vậy, họ chưa mặn mà với sự mời chào của Trung Quốc tham gia vào chiến lược này.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đại học Thanh Hoa Trương Tiểu Kình ngày 2/7/2016 nói với Tạp chí “Nhà kinh tế học” cho rằng chiến lược này vẫn nằm trong giai đoạn “đang nghiên cứu, đang chuẩn bị, đang thử nghiệm” chứ chưa có một bước thực thi cụ thể nào. Ông cho rằng thời gian qua giới truyền thông Trung Quốc tuyên truyền quá đáng về chiến lược này, trên thực tế chiến lược này đang gặp phải những thách thức rất lớn, như: Một là, quy mô quá lớn, tới hơn 900 hạng mục với đầu tư tới trên 890 tỉ USD. Vốn của Trung Quốc và các nước khác chưa kham nổi. Hai là, chiến lược này coi là quyết sách ngoại giao cũng như con đường mở rộng thực lực mềm của lãnh đạo Trung Quốc để thực hiện “Giấc mộng Trung Quốc”, nhưng các nước lại không đồng tình. Ba la, chiến lược này thách thức rất lớn đối với Mỹ và các nước Phương Tây. Bởi vậy, còn rất nhiều vấn đề phải cùng với các nước có liên quan nghiên cứu và luận chứng thêm. Vừa qua Trung Quốc cho thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) nhưng cũng chỉ là thử nghiệm.

Trương Tiểu Kình cho rằng hiện nay tình hình chính trị và địa chiến lược ở Châu Âu, Châu Á, nhất là Trung Đông, Trung Á và các nơi khác trên thế giới diến biến rất phức tạp, nhất là các nước Âu, Á ở dọc theo Chiến lược này.

Đại sứ Trung Quốc ở Cadacxtan Diêu Bồi Sinh vừa qua nói tình hình chính trị các nước Trung Á hiện diễn biến rất phức tạp, nhất là các cuộc “Cách mạng màu” đang tác động mạnh mẽ tới các nước Trung Á, nên “Chiến lược Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc đang bị thách thức lớn.

Trong chuyến thăm Serbi tháng 6/2016 vừa qua của ông Tập Cận Bình, hai nước đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác theo chương trình của “Chiến lược Một vành đai, Một con đường”, tuy nhiên Giáo sư Vương Bằng thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng Serbi hiện nay tồn tại rất nhiều vấn đề chính trị phức tạp, tình hình xã hội không ổn định, đây là những nhân tố đe dọa đối với các hạng mục đầu tư của Trung Quốc theo chương trình của “Chiến lược Một vành đai, Một con đường”. Tình hình Serbi chưa thuận lợi cho Chiến lược này.

Tờ “Guardien” của Anh ngày 11/8/2016 cho biết sau khi bà Theresa Mary May lên nắm quyền, nước Anh đã bãi bỏ hạng mục đầu tư trị giá 24 tỉ USD của Trung Quốc vào Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C, bà cho rằng nó không phù hợp với nước Anh sau khi rút khỏi EU. Nhà máy điện hạt nhân này được lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng, coi đó là đầu nguồn của  “Chiến lược một vành đai, Một con đường”.

Chẳng những nước Anh mà nhiều nước khác hiện đang bài bỏ các hạng mục đầu tư nằm trong quy hoạch của “Chiến lược một vành đai, Một con đường”, như Bêlarus… Tại Srilanca, sau khi ông Maithripala Sirisena lên làm Tổng thống thay ông Mahinda Rajapaksa – Rajapaksa một người được coi là “Phái thân Trung Quốc” –  đã hủy bỏ rất nhiều hạng mục đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Ông Sirisena cho rằng sau khi các hạng mục đầu tư của Trung Quốc hoàn thành thì một dấu hỏi rất lớn sẽ đưa ra trước dân chúng Srilanca về thực chất ý đồ của Trung Quốc tại đây.

Báo chí Trung Quốc vừa qua cho biết tình hình Châu Á, nhất là các nước ASEAN thời gian qua như Thái Lan, Indonexia, Singapo cũng rất bất lợi cho chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21” – một phần quan trọng của “Chiến lược Một vành đai, Một con đường”. Tiếp đó, tình trạng tẩy chay đầu tư Trung Quốc vào Kênh đào Suy-ê ở Ai Cập, tiếp đó ở Etiopia và ở nhiều nước khác tại Châu Phi… Các học giả Trung Quốc cho rằng những nhân tố bất lợi này đang đe dọa lớn đối với “Chiến lược Một vành đai, Một con đường”, trên thực tế chiến lược này đang bị chững lại, vì vậy Trung Quốc cần phải cân nhắc kỹ tới việc đầu tư vào chiến lược này thời gian tới./.

 

Kiều Tỉnh

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook