Ngày nào bố cũng để một cuốn sách trong phòng tôi, không ép đọc, và kiên nhẫn làm vậy hết tháng này qua tháng khác.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Chris Reiss, một lập trình viên phần mềm đang sống tại Oregon, Mỹ, về cách người cha giúp anh trở nên ham mê đọc sách từ nhỏ, đăng trên Quora:
Hồi 8 tuổi, tôi ghét đọc sách. Bố tôi là một giáo viên xuất sắc (của những sinh viên đại học vào ban ngày và của một cậu bé 8 tuổi – là tôi – vào buổi tối). Ông đã giải quyết vấn đề này bằng một cách đặc biệt. Ngày đó, tôi thậm chí còn không ý thức được là bố đang cố gắng để giúp tôi thích đọc. Nhưng qua thời gian, khi nhìn lại, tôi đã nhận ra điều đó.
Ảnh minh họa: Williamedward. |
Cứ mỗi tuần một lần, một cuốn sách từ thư viện lại xuất hiện trong phòng tôi. Chúng thuộc đủ các thể loại, một số viết cho trẻ con, một số thì không. Tôi không thể kể với bạn nhiều hơn bởi vì tôi chẳng đọc cuốn nào trong số đó. Tôi cảm thấy mình không hề bị áp lực phải đọc. Tôi chỉ dần quen với việc chúng có mặt trong phòng của mình.
Bố tôi vẫn duy trì việc này, từ tuần này sang tuần khác, từ tháng nọ qua tháng kia. Ông chỉ nói: “Con cứ ngó qua”.
Cho tới cuối cùng, ông đã đánh trúng đích, khi đặt trong phòng tôi cuốn The Lion, The Witch, and The Wardrobe (Sư tử, phù thủy và cái tủ áo) của C.S. Lewis. Đọc được một phần, tôi bước xuống lầu với sự hào hứng và lảm nhảm nói một mình về một chiếc tủ đồ dẫn tới một vương quốc phủ đầy tuyết.
Bố chẳng hề tán dương tôi. Ông tiếp nhận tin mới này với sự vờ lơ đễnh. Ông đứng dậy và vừa đi vừa nói: “Khi con đọc về chú sư tử Aslan, hãy nhớ là C.S. Lewis là một người sùng đạo Thiên chúa”.
Và thế là, tôi càng muốn đọc hết cuốn sách. Sau đó, cuốn sách biến mất và không có quyển mới nào xuất hiện. Tôi hỏi bố: “Sao tuần này không có sách ạ?”. “Xem trong tủ đồ của con đi. Đó là cánh cửa đến vương quốc thần kỳ mà”.
Toàn bộ cả bộ truyện thần thoại “Xứ sở Narnia” (trong đó có cuốn Sư tử, phù thủy và tủ áo) được đặt trong một chiếc hộp. Không có tem thư viện trên đó, bố đã mua cả bộ sách này. Tôi đọc toàn bộ 7 cuốn sách chỉ trong hai tuần.
Cuốn sách xuất hiện tiếp theo ở phòng tôi là A Wrinkle In Time (Nếp gấp thời gian). Bố tôi đã hiểu rằng tôi thích thể loại thần thoại cổ điển. Ông cũng dần hướng tôi tới các thể loại khác như truyện khoa học viễn tưởng và để ý rằng tôi thích các tác giả người Anh.
Ông không hề lo lắng về những chủ đề có thể là nhạy cảm với cậu con trai 8 tuổi. Tôi đã đọc những cuốn sách về ngày tận thế như Lucifer’s Hammer và điêu tàn như Brave New World.
Tôi đọc thường xuyên khi 9 tuổi. Lên 10 tuổi, tôi chỉ cảm thấy thoải mái khi ở trong hiệu sách hay thư viện và tôi lúc nào cũng có sách trên tay.
Vương Linh
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.