Chủ Nhật, 13/09/2015 | 08:02

Ảnh: MH (nguồn Internet)Ảnh: MH (nguồn Internet)

Trò chuyện với trẻ thật nhiều, mang theo đồ ăn và nước uống khi đưa con ra ngoài, cho bé cầm theo đồ chơi yêu thích… là những cách ngăn cơn giận dữ của trẻ trước khi nó bùng nổ.

Giận dỗi ăn vạ và trẻ nhỏ dường như luôn gắn liền với nhau. Có cách nào để tránh cơn giận dữ trước khi chúng xảy ra? Dưới đây là 7 mẹo hay bạn có thể tham khảo.

Khi ra ngoài với con, cần tương tác với bé liên tục

Đôi khi chỉ cần một chuyến đi đơn giản như đến tiệm tạp hóa có thể trở thành tình huống kích thích cơn giận cho trẻ. Không phải lúc nào vì trẻ nhìn thấy nhiều hàng hóa trẻ thích thú ở đó và muốn có, mà vì đứng lâu một chỗ có thể là thách thức lớn với một bé nhỏ.

Để tránh điều này, hãy liên tục nói chuyện với con. Thảo luận về những thứ bạn cho vào giỏ hàng của mình, để bé được tham gia vào việc này.

Chẳng hạn, khi bạn đưa con gái 5 tuổi đi siêu thị, bé có thể giúp mẹ cân các loại rau, trái cây và đặt vào giỏ. Bé sẽ thấy việc này rất thú vị và mẹ coi đó là một cơ hội để dạy con về tên các loại rau, quả.

Không cần thiết phải phạt khi trẻ giận dỗi vì buồn chán

Khi mệt mỏi và cáu kỉnh, bé hay gây sự. Đó là đặc điểm tự nhiên của trẻ. Nếu con bạn kêu là bé chán, thay vì nói bé phải ngoan và không được chán nữa, hãy thử một hoạt động làm bé hăng hái lên.

Chẳng hạn chơi trò chơi trốn tìm với bé 5 tuổi, hay cho bé một tuổi rưỡi xếp các đồ không dễ vỡ vào giỏ. Khi bé đã chán trò này, có thể vừa cho con đi mua hàng, vừa hát những bài ngộ nghĩnh. Mọi người xung quanh có thể nhìn bạn bằng ánh mắt lạ, nhưng cách này thực sự hiệu quả.

Mang theo đồ giải trí

Nếu bạn phải đưa con đi cùng khi đến gặp bác sĩ hay đến salon làm đẹp, nơi bé phải ngồi một chỗ đợi, đừng rời nhà mà không mang theo vài đồ giải trí cho con.

Nếu bạn phải đưa con theo khi đi làm, hãy mang theo vài đồ chơi yêu thích của bé. Nếu nơi bạn đến cần yên tĩnh, nhớ mang những đồ chơi ít tạo ra tiếng động.

Nếu con bạn đã lớn hơn một chút, có thể mang theo một cuốn sách hay một trò chơi bé thích.

Mang theo đồ ăn nhẹ hay nước

Nhiều bà mẹ cảm thấy hễ đi chơi là trẻ nhanh đói. Sau khi trẻ bắt đầu mè nheo đòi đồ ăn, rất nhanh chóng, điều này sẽ leo thang thành một cơn ăn vạ.

Nếu bạn ra ngoài và bé bắt đầu mè nheo, có thể trẻ đói. Đầu tiên, hỏi trẻ xem vì sao con kêu ca. Nếu bé quá nhỏ, chưa thể diễn đạt được và việc đưa đồ chơi cho bé giải khuây không ích gì, hãy đưa cho con đồ ăn nhẹ hay nước uống.

Nuôi dưỡng trí tò mò tự nhiên của trẻ

Bạn có thể vội vàng khi có việc ra ngoài hoặc mải trò chuyện với một người bạn, nhưng cố gắng đừng phớt lờ vô số câu hỏi của đứa con nhỏ. Nếu bạn không để ý gì bé sẽ cố gắng lôi kéo sự chú ý của bạn bằng cách tạo ra rắc rối.

Trẻ vốn tò mò. Việc của trẻ là học hỏi, khám phá về thế giới và cách hoạt động của những thứ xung quanh. Điều này bắt đầu ngay từ khoảnh khắc bé được sinh ra. Việc của bố mẹ là giúp con. Nếu bạn tạo cho con những kênh tìm hiểu lành mạnh, nó sẽ phát triển tốt và ít khi con tìm cách gào thét, ăn vạ.

Ở nhà hay ra ngoài, hãy luôn giao tiếp với con mọi lúc

Tránh ăn vạ không chỉ có nghĩa là tương tác với con khi bé ra ngoài. Hãy tập thói quen liên tục trò chuyện với con và giải thích mọi điều. Nếu trẻ mắc lỗi gì đó và cần bị phạt, bạn có thể làm thế nhưng hãy giải thích cho con biết lý do.

Kết quả là, trẻ sẽ quay lại giao tiếp với bạn khi chúng cảm thấy buồn chán, mệt hay đói mà không cần phải la hét, khóc lóc.

Sau tất cả, điều này có nghĩa là bạn sẽ ngày càng ít phải phạt con và khi bé lớn lên sẽ cởi mở với bố mẹ hơn về mọi thứ trong cuộc sống của chúng. Bạn sẽ đánh giá sự giao tiếp cởi mở này đáng giá nhất khi con cái bước vào tuổi teen.

Không bao giờ quá muộn để bắt đầu

Nếu bạn phải đối mặt với đứa con thường xuyên ăn vạ, và cảm thấy mình đã cố gắng mọi cách nhưng không tác dụng, đừng lo lắng và tại sao không thử áp dụng vài ý tưởng trên. Hãy nhớ là, trẻ nổi cơn giận dữ vì nhiều lý do và phổ biến nhất là khi bé buồn chán, đói, mệt.

Mỗi đứa trẻ phản ứng với các tình huống khác nhau, tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy con cố tình không vâng lời, thì có thể bạn đang phải đương đầu với tình huống hoàn toàn khác.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook