Chưa chạm mốc 30 tuổi, gia tài lớn của mẹ Vịt là 3 cô con gái và hàng nghìn câu chuyện cười ra nước mắt nhưng đầy ắp những thông điệp thấm thía mà việc nuôi dạy 3 nàng vịt con mang đến.
Chị Tô Hồng Vân là mẹ của “3 bạn Vịt” Bánh Mì 8 tuổi, Bơ 6 tuổi và Hành Tây 2 tuổi rưỡi. Ba cô con gái ở độ tuổi sàn sàn nhau không chỉ khiến cuộc sống của bà mẹ chưa chạm mốc 30 tuổi trở nên bận rộn chuyện sữa bỉm, nuôi dạy mà còn mang đến đầy ắp những niềm vui và niềm hạnh phúc bất ngờ.
Tự nhận mình là Vịt Mẹ, bí quyết làm mẹ, tận hưởng hạnh phúc làm mẹ của chị vô cùng đơn giản, vui vẻ và nhẹ nhàng như tất cả những mẩu chuyện bé xinh chị ghi lại và chia sẻ hàng ngày trên facebook cá nhân của mình. Nhưng, chỉ cần bạn tinh ý một chút thì sẽ thấy đằng sau những “sự cố” ngượng muốn chết, những câu chuyện cười không ngậm được miệng hay những tuyên ngôn ngốc xít bất hủ của các Vịt con… là những bài học nhỏ, nhưng thấm thía mà Vịt Mẹ đã học được từ các con, để ngày càng trưởng thành hơn trong hành trình làm mẹ của mình.
Mới đây, cuốn sách “Không được thì… thôi” là nhật ký nuôi con bao gồm những câu chuyện lí lắc, hài hước của Vịt Mẹ đã mang lại rất nhiều tiếng cười và những chia sẻ thấm thía cho các bố mẹ khác trong hành trình nuôi dạy con.
Vịt Mẹ chia sẻ với Mẹ&Bé những quan điểm nuôi dạy 3 bạn Vịt con thú vị của mình.
“Không được thì… thôi”, đó có phải là “tuyên ngôn” nuôi dạy con của mẹ Vịt không?
– Không (cười). Đó là lời khẳng định “Trứng khôn hơn vịt” thì có lẽ chuẩn xác hơn. Quan sát con giúp Vịt Mẹ nhận ra được nhiều triết lí sống mà vốn dĩ mình tưởng là rất nặng nề và “khó nhằn” – con trẻ lại thể hiện/hành động theo những triết lí này một cách rất tự nhiên.
Có lẽ là “nhân chi sơ, tính bổn thiện” chăng? Quan sát con, học được từ con, tiếp tục có hứng thú để quan sát con chắc không phải là “tuyên ngôn” nuôi dạy con mà là kim chỉ nam mà Vịt Mẹ vô tình nhặt được và cảm thấy phù hợp với gia đình mình.
Chị Tô Hồng Vân và 3 cô con gái Bánh Mì, Bơ và Hành Tây.
Đã có lúc nào chị tụt hơi với bầy Vịt và ước mình có thêm nhiều “tay chân” để hỗ trợ việc chăm con chưa?
– Có! À, không chính xác lắm, “ước có thêm nhiều tay chân”/có thêm sự hỗ trợ hoặc ai làm dùm luôn những phần việc khác để Vịt Mẹ được tiếp tục chơi với con thì đúng hơn. Đối với Vịt Mẹ, được chơi với con có lẽ là công việc yêu thích nhất, đam mê nhất và là sự nghiệp quan trọng nhất. Tất nhiên, ngoài con ra thì mình cũng cần thực hiện những trách nhiệm khác với xã hội nữa, nhưng nếu được chọn lựa hay cần chọn lựa, Vịt Mẹ sẽ luôn ưu tiên vịt con.
Vai trò của “Vịt Bố” trong gia đình nhà Vịt như thế nào?
– Vịt Bố, tất nhiên, là trụ cột trong nhà. Nhưng quan trọng hơn hết, Vịt Bố là hình tượng về tình yêu và ước mơ trong nhà Vịt. Mẹ là hình tượng của cuộc sống thực tế hàng ngày: có đủ cung bậc cảm xúc từ vui vẻ khi chơi đến… nhăn nhó khi bực bội.
Vịt Bố là bậc nâng cao, lí tưởng hoá thực tế: chơi cũng sẽ chơi những trò mẹ không thường chơi, nấu ăn cũng cầu kì hơn bữa cơm ngày thường mẹ chuẩn bị, nghiêm cũng có thần thái hơn cái sự càu nhàu của mẹ và yêu thương, bao bọc mấy mẹ con cũng trìu mến và vững chãi hơn cách cưng nựng của mẹ.
Vịt Bố là hình tượng về tình yêu và ước mơ trong nhà Vịt.
Vì sao chị nghĩ là chỉ cần có mẹ truyền cảm hứng thì mọi việc các con có thể… tự lo? Như vậy có hơi quá mạo hiểm không?
– Vịt Mẹ tin rằng những bài học tự rút ra từ kinh nghiệm bản thân thường sẽ được ghi nhớ lâu hơn. Vịt Mẹ lúc nhỏ vốn là một cô bé được nuôi dạy khá văn minh và được trang bị đủ hành trang để tự tin bước vào đời, nhưng bao nhiêu năm làm người lớn là bấy nhiêu năm Vịt Mẹ liên tục “ngã đau” và tiếp tục lớn lên.
Cho con cảm hứng giống như đưa cho con tấm bản đồ và liều thuốc bổ về sự động viên, ủng hộ. Có thể sẽ có lúc con không “tự lo” được, nhưng nhờ vai trò “truyền cảm hứng” của mẹ, con có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chạy về nhờ mẹ chăm sóc vết thương. Suy cho cùng, nuôi dạy con thì sẽ chỉ được đến khi “con cảm thấy mình đủ lớn”, còn làm bạn với con thì còn có chút hi vọng (dù mong manh) là sẽ được đồng hành với con suốt cuộc đời.
Hiện nay, phần lớn cha mẹ Việt bị “khủng hoảng” kiến thức nuôi dạy con do có quá nhiều nguồn thông tin tài liệu, mẹ Vịt ưu tiên điều gì khi nuôi dạy con và có tin dùng “kim chỉ nam” nào nổi tiếng không?
– Có khoảng gần 10 năm làm việc trong các môi trường liên quan đến trẻ em, Vịt Mẹ may mắn được cập nhật tương đối thông tin về các phương pháp nuôi dạy trẻ. Vịt Mẹ không thật sự áp dụng phương pháp nào với Vịt Con vì cảm thấy mình chưa có đủ hiểu biết chuyên môn “tới nơi” về bất cứ phương pháp nào – áp dụng không chính xác hoặc không đúng phương pháp thì cảm thấy không yên tâm.
Vịt Mẹ thường sẽ tham khảo những phương pháp nuôi dạy con theo hướng “ngẫm về thực tế”: Tính cách của con mình liệu có tương đương với trường hợp “chung chung” được nêu hay không? Tính cách của mẹ (trong thời điểm đó) có theo nổi những “giáo huấn” của phương pháp đó hay không? Điều kiện về sức khoẻ, thời gian, tiền bạc… có phù hợp không? – là những câu hỏi sẽ được đặt ra và phân tích kỹ lưỡng trước khi vận dụng bất kì lời khuyên chuyên môn nào.
“Kim chỉ nam” nổi tiếng mà hiện tại khá phù hợp với nhà vịt là từ cuốn sách “Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói”. Thật, các con chắc chắn luôn có chính kiến của riêng mình, và ba mẹ thì không phải lúc nào cũng đúng, nên giao tiếp thường xuyên giữa ba mẹ và con cái thật sự rất cần thiết. Nhưng giao tiếp thế nào để không phải là ba mẹ “độc thoại” thì đúng là không dễ chút nào.
Ba nàng Vịt con mang lại rất nhiều năng lượng và tiếng cười cho bố mẹ.
Những cảm xúc làm mẹ của Vịt mẹ đã thay đổi như thế nào từ lúc có Vịt chị cả cho đến khi Vịt em út chào đời?
– Cảm xúc làm mẹ thay đổi rất nhiều, từ trạng thái bỡ ngỡ và cảm giác lo sợ, có chút bất lực đến tinh thần thoải mái hơn, ít lo sợ hơn. Tình cảm cũng có biến chuyển, càng nhìn bé Út càng thêm thương chị cả vì chị ấy đã không hưởng được trọn vẹn cảm xúc hạnh phúc khi có con của mẹ, những lóng ngóng, lo sợ do chưa có kinh nghiệm khiến mẹ không yêu thương và cưng nựng được chị ý 100%, không 1000% như lẽ ra mẹ phải làm.
“Sự cố nhớ đời” nhất của mẹ Vịt trong hành trình làm mẹ là gì?
– Ôi, không biết có nên kể không, và kể sao cho lịch sự! Em út Hành Tây đâu đó 6 tháng tuổi đã có lần ị ra và (có thể) đã tự ăn sản phẩm. Cả nhà vịt có thói quen ăn tối xong sẽ vừa cà kê 8 chuyện vừa dọn bàn. Em chưa dọn được thì em hay được “thả” cho chơi tự do. Hôm đó, khi cả nhà dọn gần xong thì mới để ý là em quá yên ắng, rất khả nghi, ngó ra thấy em hiền lành ngồi một chỗ, chóp chép miệng… mẹ nghi quá, tới gần xem thì thấy mùi thum thủm, tay em thì đích thị là có “vật thể lạ” huhuhuhu mẹ la làng xong không dám nhìn, không dám kiểm tra chính xác hậu quả nữa, cứ thế “giao” cả người cả tã cho ba xử lý thôi.
Nhìn nụ cười rạng rỡ và vẻ trẻ trung của chị, chẳng ai nghĩ là chị đã có một bầy Vịt con đáng yêu và đầy năng lượng? Chị có bí quyết gì đặc biệt không?
– Vịt Mẹ vẫn hay đùa là tại… mỏ hô, toe toét cười dễ hơn phải ngậm kín miệng. Không dám gọi là bí quyết, và thật ra cũng không biết chính xác đó có phải là bí quyết không, nhưng Vịt Mẹ nghĩ gần gũi với bầy vịt con + môi trường làm việc toàn phải nghĩ đến trẻ con chắc là yếu tố quan trọng nhất giúp Vịt Mẹ luôn có năng lượng và luôn… nhí nhảnh.
Giấc ngủ cũng có thể là một yếu tố khác. Ngoài một số giai đoạn cao điểm “ngoại lệ” là dỗ con ngủ xong Vịt Mẹ phải thức đêm làm việc, hầu hết các khoảng thời gian còn lại Vịt Mẹ sinh hoạt theo chế độ của vịt con: đúng 20h là lên giường đọc truyện hoặc chơi đùa nhẹ để trễ nhất là 8 rưỡi tắt đèn đi ngủ. Nhà Vịt giống như chuồng gà, 9h tối là đã say giấc hết cả bầy rồi.
Chị Tô Hồng Vân chia sẻ, nuôi dạy con thì sẽ chỉ được đến khi “con cảm thấy mình đủ lớn”, còn làm bạn với con thì còn có chút hi vọng (dù mong manh) là sẽ được đồng hành với con suốt cuộc đời.
Có một câu nói có vẻ đúng với quan điểm của mẹ Vịt, đó là “Dạy con, cha mẹ lớn lên”, chính con là người dạy cho cha mẹ rất nhiều bài học về cuộc sống. Mẹ Vịt đã lớn lên như thế nào cùng các con mình?
– Vịt Mẹ gần như khác hoàn toàn so với trước khi có con: tính bộp chộp và hay nóng giận phải giảm đến 70-80% trong khi sự lạc quan, yêu đời phải tăng lên gấp hàng chục chục chục lần. Vịt Mẹ rút ra là tình yêu thương con chính là động lực giúp mình cố gắng thay đổi nhiều nhất, chỉ cần biết sự thay đổi của bản thân sẽ cho con một môi trường sống lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn thì tính xấu nào Vịt mẹ cũng có thể sửa!
Nếu được dùng 1 câu không quá 5 từ để miêu tả về từng bạn Vịt con của mình, thì đó sẽ là:
– Bánh Mì: Nghiêm nghị, đầy trách nhiệm.
Bơ: Sáng tạo không giới hạn.
Tây: Đanh đá mà lừa tình.
Còn 1 câu để miêu tả về chính mẹ Vịt thì sao?
– Vui vẻ, yêu trẻ con.
Cảm ơn mẹ Vịt nhiều vì những chia sẻ cởi mở và thú vị.
Cùng ngắm bộ ảnh đáng yêu của các nàng Vịt con nhà mẹ Tô Hồng Vân trong một bộ ảnh độc đáo và thú vị dưới đây:
Chưa có bình luận.