Thứ Sáu, 18/03/2016 | 07:12

Mẹ là người có vai trò lớn nhất, quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con. Trong việc giáo dục, chăm sóc con, sự hỗ trợ của người xung quanh cũng quan trọng, nhưng không thể thay thế người mẹ được, do đó, người mẹ phải biết tự khẳng định chính mình.

Xung quanh người mẹ có rất nhiều người. Nếu những người đó nói những lời cảm thông, thấu hiểu thì người mẹ sẽ cảm thấy yên tâm. Còn ngược lại, người mẹ sẽ rất dễ bị dao động, rơi vào tình trạng bất an, lo lắng. Do vậy, dẫu người ngoài có nói điều gì, người mẹ cũng cần phải giữ vững lập trường: Không ai hiểu rõ mình bằng chính bản thân mình được, không ai hiểu con bằng mẹ được, ý kiến người khác chưa hẳn đã là đúng. Nếu ai đó có ý kiến góp ý, mình chỉ nên tham khảo rồi sẽ suy xét và tự quyết định, chẳng có lý do nào để mình nhất nhất phải nghe theo người khác cả.

Để làm được việc đó, người mẹ cần kẻ một đường ranh giới giữa mình với những người khác. Việc vượt qua ranh giới đấy có thể gọi là “xâm phạm lãnh địa”. Ranh giới này không chỉ giúp người mẹ bảo vệ mình, mà ngược lại, cũng nhắc nhở người mẹ chỉ nên đưa ra lời góp ý, khuyên bảo người khác ở chừng mực nhất định.

Việc vạch ranh giới và bảo vệ ranh giới chính là ta biết quý trọng bản thân mình, cũng như tôn trọng người khác. Đường ranh giới ở đây không giống một bức tường ta có thể nhìn thấy bằng mắt và sờ được bằng tay mà nó vô hình. Khi người mẹ đã giữ vững được lập trường của mình trong cuộc sống, đó chính là đường ranh giới vững chắc nhất trong mọi hoàn cảnh.

Khi không có ranh giới với người khác, sẽ làm cả hai đều khó xử. Trường hợp này thường hay xảy ra với những người mẹ chưa có lập trường trong cuộc sống, hay bị dao động bởi những lời nói của người khác. Không những thế, việc tạo ra gianh giới, lập trường vững vàng cũng giúp ta định hình tính cách trong lòng mọi người, từ đó sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.

Hiếu Trương

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook