Tôi làm công việc quản lý cho một doanh nghiệp nước ngoài. Công việc thường xuyên bận rộn nhưng mỗi tối, tôi đều dành thời gian cho con. Thời gian gần đây, tôi được thăng chức và phải đi đào tạo ở nước ngoài 1 năm.
Tuy rất khó nghĩ nhưng đây là cơ hội rất tốt. Chồng tôi là người cũng bận rộn, bởi vậy tôi đã bàn với chồng, gửi con sang nhà ngoại 1 năm, nhờ bà trông cháu giúp. Trước khi đi tôi dặn dò mẹ, cho cháu ngủ riêng, không nên quá cưng chiều cháu. Trong thời gian đi công tác tôi cũng thường xuyên gọi điện về, mẹ nói với tôi mọi chuyện đều rất tốt, tôi thấy cũng có phần yên lòng.
Ngày trở về nước, tôi nóng lòng đưa con đi siêu thị, đi dạo phố để bù đắp những tháng ngày xa con, cũng là để cho con trai được tận hưởng vui vẻ.
Đến siêu thị, thằng bé nhìn thấy mấy con rô bốt liền tỏ ra rất thích thú. Nó chọn lấy 1 con robot rất đắt tiền, tôi vì muốn dạy con giá trị của đồng tiền nên nói với con rằng con robot ấy rất đắt, con nên chọn thứ gì vừa tiền hơn.
Nào ngờ mới đó mà thằng bé lăn ra khóc lóc. Dỗ thế nào cũng không được, cứ nhất quyết chọn con robot đắt tiền. Tôi biết kiểu này chắc lâu nay nó được chiều quen rồi, nên để nó khóc chán rồi hỏi con: “Con đã hết khóc chưa? Con nghĩ muốn gì thì gào lên là có thể được sao? Mẹ nói rằng con robot rất đắt, con phải biết không phải thứ gì mẹ cũng có thể mua cho con“. Thằng bé mới dịu lại.
Hôm sau, con trai vô tình vấp phải chiếc bàn. Tôi đang chuẩn bị ra xem con thế nào thì thằng bé gào lên: “Mẹ ơi đau quá, mẹ đánh cái bàn này cho con. Hức hức...” Tôi nói: “Con va vào cái bàn thì tại con không để ý chứ sao lại đánh cái bàn?” Thằng bé hậm hực: “Con không biết đâu, mọi lần bà đều đánh chừa như thế mà, con đau lắm, con ghét cái bàn này“. Nói rồi con trai chạy tới vỗ 1 cái mạnh lên mặt bàn.
Lại một chuyện nữa, con trai sang nhà bé Tuấn bên cạnh chơi đồ chơi. Chơi được một lúc, tôi bỗng nghe thấy Tuấn khóc lóc ở bên cạnh. Chạy sang thì thấy, con trai đang ôm cả đống đồ chơi rồi quyết không chia cho bạn. Rồi còn nói: “Anh mà động vào là em đánh cho 1 trận đấy!“. Một lần khác, khi tôi cùng con trai đi trên đường, bỗng có người đàn ông đi tạt qua đầu, thằng bé buột ngay một câu: “Đi đứng thế có ngày bị xe tông đấy!“
Tôi nhìn khuôn mặt non nớt của cậu con trai mới 7 tuổi mà cảm thấy thắt lòng, có chút tuyệt vọng, đây có còn là một đứa trẻ không? Nó đã học những ngôn ngữ mang đầy tính tranh đấu, thái độ cáu giận vô cớ như vậy ở đâu?
Trước đây thằng bé rất ngoan, biết ôm mẹ và nói yêu mẹ, mẹ mệt còn chủ động xoa bóp cho mẹ… giờ nó lạnh lùng, hay cáu giận vô cớ, thích đổ lỗi cho người khác. Tôi nghĩ rằng ông bà đã quá nuông chiều con, thấy cháu khóc liền thương quá nên làm mọi cách để dỗ, thêm nữa, hàng ngày ông bà cũng không chú ý đến lời nói của bản thân và những ngôn từ con trai tiếp xúc hàng ngày nên con trai mới bị “nhiễm” những ngôn từ không tốt.
Tôi cũng cảm thấy hối hận vì trước đây chỉ toàn dành thời gian cho công việc, không quan tâm, dạy dỗ con tốt hơn. Tôi quyết định xin làm bán thời gian 1 thời gian, dành thời gian nhiều để chăm sóc con cái, dạy con biết suy nghĩ cho người khác, biết cách làm một người lương thiện ra sao, biết hành động đúng đắn trong cuộc sống như thế nào.
Sau khi nhận được một số lời khuyên, tôi đã áp dụng phương pháp:
1. Để con tự nhận ra lỗi sai của mình
Tôi nhẹ nhàng hỏi con trai đau ở đâu, rồi thổi phù phù vào vết bầm đỏ của con. Sau đó tôi hỏi: “Con yêu, vậy vừa nãy con sai hay bạn bàn sai?” Con trai nức nở: “Bạn bàn làm con đau, nên bạn ấy sai ạ!“. Tôi lại nói: “Để mẹ xem lại nhé, bạn bàn từ sáng đến giờ đều nằm một chỗ, con đi qua lại không chú ý va phải bạn. Vậy con nói xem, ai sai nhỉ?” Con trai lí nhí với vẻ miễn cưỡng: “Là con ạ“. Tôi giải thích thêm: “Bạn ấy nằm ở đây từ sáng tới giờ, đang ngủ ngon, bỗng con va phải bạn ấy, chắc là bạn ấy đau lắm, mẹ nghĩ con nên xin lỗi bạn mới phải“.
Con trai dịu lại và quyết định xin lỗi chiếc bàn, thằng bé cũng học được cách tự mình nhận lỗi thay vì đổ thừa.
2. Thay đổi thói quen ăn nói độc địa của con
Có lần thằng bé nói: “Mẹ trang điểm kinh quá!“, tôi liền nói: “Con trai, con nói như vậy mẹ rất buồn, con có thể nói rằng nếu mẹ kẻ lông mày nhạt đi một chút thì sẽ xinh hơn“. Khi con lăng mạ những người lái xe ẩu, tôi nói: “Nếu trong xe là bố mẹ con thì con có nói hỗn như vậy không? Mỗi người lái xe, họ đều có thể là con của người khác và cũng có thể là bố mẹ của người khác“.
Con trai im lặng, không nói gì cả nhưng dường như đã hiểu ra lời mẹ nói.
3. Để con giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn
Tôi đưa con đi làm tình nguyện, giúp đỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mua đồ dùng học tập, mua gạo giúp các ông bà có đôi chân không khỏe… Chẳng bao lâu sau, con trai tự nhiên bỏ được cái tính lạnh lùng ích kỷ.
Có lần đang ngồi trong quán KFC, thấy con trai cứ ngó ra cửa sổ, tôi hỏi bé muốn gì. Hóa ra bé nhìn thấy một cậu nhóc trạc tuổi, ngồi bên vỉa hè cùng với 1 ông lão bơm xe. Bé nói muốn tặng bạn một suất hamburger nhưng sợ mẹ không đồng ý. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, con trai bé nhỏ của chúng tôi đã biết suy nghĩ cho người khác. Tôi rất vui mừng, mua 2 suất ăn chia cho ông lão và cậu bé bên đường.
Trẻ con giống như trang giấy trắng tinh sạch sẽ. Sống trong xã hội bình thường nó sẽ bị nhuộm màu dần bởi những thứ xung quanh. Bạn muốn tờ giấy ấy không bị bẩn, chỉ còn cách cho trẻ tiếp xúc với những thứ trong sạch. Hành động của người lớn trước mặt con trẻ là hết sức quan trọng, cơ bản góp phần giữ gìn sự trắng trong của tờ giấy đó.
Hơn nữa, người lớn cũng cần phải gieo những mầm giống về những điều tươi đẹp của cuộc đời, về những bản ngã đúng đắn, về những tinh hoa văn hóa tốt đẹp cho con trẻ mang theo những tháng năm cuộc đời.
Video: Bé rơi xuống bể, nhưng người mẹ chỉ ngồi nhìn, hóa ra…
Bích Phượng
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.