Thứ Năm, 12/04/2018 | 11:00

Mất ngủ khiến cho tinh thần suy nhược, sức khỏe sa sút…đặc biệt mất ngủ triền miên là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh như tiểu đường, tim mạch…Để điều trị mất ngủ, ngoài sử dụng tâm sen người dân còn dùng lá vông trị chứng mất ngủ rất hiệu quả.

Đặc điểm của cây lá vông & công dụng chữa bệnh

Ngược dòng thời gian về những thế kỷ trước, cha ông chúng ta đã sử dụng lá vông chữa mất ngủ, khó ngủ. Tại Việt Nam, cây lá vông có thể mọc hoang hoặc được trồng ở rất nhiều nơi trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Cây lá vông còn được gọi là cây Hải đồng bì hay Thích đồng bì. Tên khoa học là Erythrina oricntalis, là cây thuộc họ cánh bướm papilionaceae.Cây thuộc loại thân gỗ có chiều cao từ 10 đến 20m, thân có gai ngắn, lá mọc so le xung quanh thân. Lá thuộc loại lá kép có 3 lá chét hình trứng. Hoa của cây vông nem mọc thành chum, có mầu đỏ thẫm.

Trên cây vông nem hai bộ phận chính có thể dùng làm thuốc đó chính là: lá và vỏ cây. Lá và vỏ cây thường thu hái vào tháng tư hoặc tháng 5 (thời tiết khô ráo). Người dân thường hái lấy lá bánh tẻ, bỏ cuống đem phơi nắng trong thời gian ngắn rồi phơi khô trong bóng râm. Với vỏ cây cần bóc tách cả vỏ có gai rồi cắt thành từng mảnh phơi khô để dùng dần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thành phần chủ yếu trong lá và vỏ cây vông nem là alkaloid và saponin có tác dụng:

– An thần, giúp dễ ngủ dùng để chữa các bệnh mất ngủ, khó ngủ, mất ngủ lâu ngày.

– Người bị chứng phiền muộn, nhức đầu, chóng mặt.

– Người đại tiện ra máu, chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu, lòi dom, sa dạ con.

– Vỏ cây vông nem còn có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc, sát khuẩn cao.

Các bài thuốc chữa mất ngủ từ lá vông

Rượu ngâm lá vông

Nguyên liệu: Lá vông bánh tẻ, rượu trắng, hũ thủy tinh

Phương pháp: Lá vông rửa sạch, phơi khô trong bóng râm, thái nhỏ. Liều lượng kết hợp 100 gam lá vông khô ngâm với 1 lít rượu trắng từ 30-40 độ. Ngâm càng lâu càng tốt, sau 15-20 ngày có thể dùng được.

Rượu ngâm lá vông chữa chứng mất ngủ

Cách dùng: Uống rượu ngâm lá vông (từ 10-20ml) mỗi ngày để có giấc ngủ ngon.

Sắc nước lá vông chữa mất ngủ

Nguyên liệu: lá vông đã phơi khô, nước, ấm đất

Phương pháp: Lấy từ 8-16 gam lá vông đã phơi khô rửa sạch cho vào nồi đất đổ thêm 200ml nước. Sắc nhỏ lửa đến khi còn 50ml thì uống một lần trong ngày vào buổi tối.

Nước hãm từ lá vông chữa mất ngủ

Nguyên liệu: lá vông, táo nhân, tâm sen, nước, bình sứ giữ nhiệt.

Phương pháp: cho 16 gam lá vông phơi khô cùng 10 gam táo nhân (nhân bên trong hạt táo đem sao đen lên) cùng 5 gam tim sen (sao thơm không được sao đen). Cho tất cả vào bình sứ giữ nhiệt hãm với 1 lít nước đun sôi, nóng già. Khi nước nguội có thể cho thêm 1 đến 2 bông hoa nhài tươi.

Cách dùng: Chia uống làm nhiều lần trong ngày.

Ngoài các phương pháp trên, người ta có thể sử dụng lá vông nấu canh để chữa mất ngủ hoặc luộc với lá dâu tằm như một món ăn hàng ngày.

Những lưu ý khi dùng lá vông

– Người viêm khớp có sưng, nóng, đỏ, đau không dùng.

– Người huyết áp cao và trẻ em hay đổ mồ hôi trộm không nên dùng.

 

Người huyết áp cao, trẻ em hay đổ mồ hôi trộm không nên dùng lá vông

– Lá vông nem giúp dễ ngủ vì có thành phần gây ức chế thần kinh trung ương, do đó nếu dùng lá vông chữa mất ngủ trong thời gian dài dễ bị nhờn thuốc.

– Khi phơi khô lá vông nem cần chú ý phơi nắng cho lá héo trong thời gian ngắn, sau đó phải phơi khô trong bóng râm nếu không sẽ làm mất hoạt chất của thuốc.

Sưu tầm

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook