Thứ Năm, 31/03/2016 | 13:27

Thấy con gái 5 tuổi chạy tới nhà chàng sinh viên hàng xóm, chị Hòa vội sang lôi về dặn dò “mẹ đã bảo không được ở một mình với người lạ”, nhưng cô bé giậm chân giận dỗi “chú ấy là người quen mà, chú ấy rất yêu con, lại hát hay”.

Nghe nhiều vụ bé gái bị xâm hại tình dục, chị Hòa (Long Biên, Hà Nội) rất lo lắng và tìm mọi cách để chuyện đau lòng không xảy đến với con gái. Mỗi lần tắm cho con, chị lại nhắc bé không bao giờ để cho người khác, trừ bà và mẹ được chạm vào vùng kín của mình. Chị cũng dặn con không được đi, nói chuyện, ở một mình với đàn ông lạ.

Gần đây, bên phòng trọ cạnh nhà có nam sinh viên mới chuyển đến, có vẻ yêu trẻ con, hay đàn, hát nên mấy bé trong khu rất thích sang chơi. Chị Hòa thấy chàng trai cũng dễ mến nhưng trong lòng vẫn không khỏi bất an khi con sang đó. Chị thường đi cùng con hoặc đứng ở cổng để có thể nghe và nhìn thấy con đang nói gì, làm gì bên nhà hàng xóm.

“Mình không thể cấm bé tới đó chơi vì không biết giải thích lý do với con thế nào. Mình cũng không chắc lúc nào cũng có thể theo sát để biết mọi động tĩnh của con nên rất lo lắng. Nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, chị Hòa thổ lộ.

Lúng túng dạy con tránh 'yêu râu xanh'
Ảnh minh họa: Motherhoodthetruth.com.

Ám ảnh vì tuổi thơ từng bị cậu họ quấy rồi, chị Bích (Kim Liên, Hà Nội) luôn cảnh giác trước tất cả nam giới xung quanh con gái mình. Cũng vì điều này, không ít lần chị và chồng tranh cãi khi anh thấy vợ quá đa nghi, ngay cả với những người thân nhất. “Lúc con còn nhỏ, có đứa cháu chồng vừa vào cấp 3 ở cùng gia đình. Thằng bé khá ngoan và yêu trẻ, nhưng mình không đồng ý để nó bế con gái đi chơi đâu xa hoặc ở nhà một mình với bé. Dù ông xã kêu mình ‘bệnh’ và rất bực bội, mình nhất định không thay đổi”, chị Bích kể.

Tuy vậy, chị Bích vẫn không yên tâm vì không phải lúc nào cũng ở nhà, trong khi không tìm được sự đồng tình của chồng về cách bảo vệ con gái trước nguy cơ bị xâm hại. Con gái chị rất quý và thích chơi với người anh họ 16 tuổi, chị không thể bảo con phải tránh xa hay bắt anh nó không được đụng tới em. “Hồi nhỏ, mình đã vô cùng sợ hãi khi bị người họ giở trò. Việc đó đánh cắp sự hồn nhiên của tuổi thơ và khiến mình luôn mặc cảm ngay cả khi đã trưởng thành. Nhưng giờ, muốn bảo vệ và dạy con cách tự bảo vệ sao khó quá”, chị Bích chia sẻ.

Hiện nay trên thế giới, cứ 4 em gái có một em bị xâm hại tình dục, tỷ lệ này ở các bé trai là 1/7. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố năm 2012, mỗi năm trung bình cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục. Trong đó, trẻ em bị hiếp dâm chiếm 65%. Và phần lớn trường hợp, nạn nhân quen biết kẻ xâm hại mình. Tình trạng này hiện nay có xu hướng gia tăng, cả về tính chất và mức độ nghiêm trọng.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động cho biết, bà gặp rất nhiều trẻ bị viêm nhiễm, sang chấn tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục, và cả những cô gái đã trưởng thành không dám kết hôn hay luôn tự ti về bản thân vì dấu ấn bị hiếp dâm thời thơ ấu.

Để tránh việc trẻ bị xâm hại, theo bác sĩ Dung, cha mẹ nên rất thận trọng mỗi khi gửi con, thậm chí gửi cho người quen. Vì có thể, chính những anh họ, bác họ lại là “yêu râu xanh” mà họ không ngờ tới. Do vậy, cha mẹ không nên để con đi một mình ở chỗ xa lạ, vắng người. Ngoài ra, ngay từ khi con 3 tuổi, mẹ đã có thể dạy trẻ không cho người khác ngoài mẹ cởi áo, quần, sờ vào những điểm nhạy cảm của cơ thể. “Hãy gọi đúng tên các bộ phận cơ thể con, giải thích để con hiểu, đừng cố nói tránh hay lơ đi”, bác sĩ bày tỏ.

Theo bà, trong gia đình, bố mẹ cần học để biết cách giáo dục giới tính cho con, sao cho gần gũi, dễ hiểu nhất. Trẻ cần được biết thông tin này một cách chính xác và từ những người chúng tin cậy, chứ không phải mày mò và tiếp nhận điều lệch lạc. Ngoài ra, bố mẹ cần dạy trẻ tránh tiếp xúc với người lạ, dạy trẻ tỏ thái độ kiên quyết nếu gặp hành động xâm hại, rời khỏi ngay lập tức môi trường, địa điểm không an toàn.

Bà Phạm Quế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng, cho biết xâm hại tình dục trẻ em là chủ đề khó nói nhưng nếu bạn càng hiểu biết nhiều về nó thì càng có khả năng bảo vệ con em mình tốt hơn.

Trong đa số trường hợp, hành vi xâm hại tình dục trẻ em không hẳn là hành động bột phát tức thời mà thường là kết quả của một quá trình có sự chuẩn bị và vì thế, bạn cần hiểu rõ quá trình đó, để biết cách bảo vệ con và dạy con cách bảo vệ mình.

Thông thường, “yêu râu xanh” phải trở thành người quen của trẻ. Tiếp đó, kẻ này sẽ kết thân, tạo lòng tin bằng các hành vi ưu ái, chăm sóc, và tặng quà cho trẻ. Sau khi có được sự tin tưởng, hắn sẽ tìm cách đụng chạm vào cơ thể trẻ với mục đích làm cho trẻ thấy việc đụng chạm này là bình thường, đồng thời dỗ dành hoặc dọa dẫm để trẻ không kể lại chuyện này với ai.

Theo bà, xâm hại tình dục có thể phòng tránh được khi các em nhận biết được những đụng chạm được phép và không được phép, đâu là bộ phận riêng tư trên cơ thể của trẻ và ai được nhìn, đụng chạm vào đó. Một điều quan trọng là cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc của trẻ, ủng hộ việc trẻ sử dụng cảm giác và những biểu hiện của cơ thể để nhận biết tình huống là an toàn hay không.

“Hãy nhạy cảm với những biểu hiện bất thường của con. Khi thấy trẻ tỏ thái độ khó chịu với người quen biết nào đó, nếu trẻ nói rằng chúng cảm thấy không thoải mái khi ở một mình với người đó, thay vì trách mắng, phê phán con là hư, hỗn… bạn hãy để ý kỹ xem cách cư xử của người đó với con mình thế nào, hỏi con lý do và tỏ ý sẵn sàng trợ giúp nếu con gặp vướng mắc”, bà Quế Anh chia sẻ.

Bạn có thể dạy trẻ quy tắc an toàn cá nhân, đó là Nói không – Bỏ đi – Kể lại. Nếu ai đó có những hành vi mà trẻ không thấy thoải mái, trẻ có thể từ chối hay phản đối một cách kiên quyết. Trong tình huống khẩn cấp, trẻ có thể làm bất cứ điều gì để được an toàn như gào to, kêu khóc, cắn… Sau đó trẻ nên bỏ đi ngay và kể lại vụ việc với cha mẹ hay người nào đó mà trẻ tin cậy càng sớm càng tốt, ghi nhớ thời gian và địa điểm. Bạn hãy khuyến khích con kể với bố mẹ về các hành vi bất thường trẻ nhìn thấy hay trải qua, hay bất kỳ rắc rối nào chúng gặp.

Bố mẹ nên biết con đang ở đâu, chơi với ai và đang làm gì. Hãy luôn quan tâm, dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe con. Đừng lảng tránh các câu hỏi liên quan đến bộ phận sinh dục hay tình dục. Hãy tìm từ ngữ thích hợp với lứa tuổi để giải thích cho con hiểu. “Muốn làm được điều này, bản thân bố mẹ rất cần có cả kiến thức và kỹ năng về xâm hại tình dục. Thay vì chỉ lo lắng, hãy chủ động tìm hiểu thật thấu đáo vấn đề, cách phòng tránh để bảo vệ con và dạy con tự bảo vệ mình”, bà Quế Anh nói.

Vương Linh

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook