Chủ Nhật, 26/11/2017 | 09:22

Sau đây là những lợi ích bất ngờ của mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng mà bạn nên biết.

Mộc nhĩ đen

Mộc nhĩ đen là một loại nấm ăn được có giá trị bổ dưỡng rất cao, có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm chậm sự lão hóa.

Đặc biệt, với tính năng lương huyết và hoạt huyết, mộc nhĩ đen là một loại thực phẩm làm thuốc rất quý có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện tuần hoàn huyết.
Mộc nhĩ đen còn gọi là nấm mèo đen hoặc là nấm tai mèo vì lúc còn tươi nấm có hình dạng trông giống tai mèo. Mặt ngoài tai nấm màu nâu nhạt, có lông mịn, mạch trong nhẵn màu nâu sẩm. Mộc nhĩ nguyên là một loại nấm mọc hoang trên những thân gỗ mục. Gần đây, mộc nhĩ được bán trên thị trường chủ yếu được trồng và chế biến theo phương pháp công nghiệp.

Thành phần: Mộc nhĩ đen chứa nhiều chất bổ dưỡng, nhất là sinh tố và khoáng chất. Trung bình trong 100g mộc nhĩ có chứa 10,6 g protid; 0,2g lipid; 65,5g glucid; 201g calci; 185mg phospho; 185mg sắt; 10,03mg caroten; 0,15mgvit B1; 0,55mgvit B2; 2,7mgvit PP.

Dược tính và công dụng của mộc nhĩ đen.

Theo y học cổ truyền , mộc nhĩ đen có vị ngọt, tính bình, không có độc, có tác dụng lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết nhuận táo, giải độc, ích khí dưỡng âm.

Căn cứ vào các y thư cổ, Đông y đã có truyền thống dùng mộc nhĩ dưới hình thức sao khô hoặc sao đen tán bột để chữa nhiều chứng xuất huyết như băng huyết, rong kinh, trĩ lở ra máu, tiểu ra máu, lỵ ra máu, ho ra máu.

Gần đây, các nhà khoa học đã đặc biệt lưu ý đến giá trị rất quý của mộc nhĩ đen qua tác dụng cải thiện thành mạch, làm giảm độ mỡ trong máu, ngăn chặn việc hình thành những mảng xơ vữa và quá trình ngưng kết tiểu cầu trong các bệnh về tim mạch.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu về mộc nhĩ đen cũng quan tâm đến khả năng giải độc, khả năng kết dính những chất độc hại để thải ra ngoài theo đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu và cả tác dụng làm tiêu dị vật hoặc bào mòn các loại sỏi kết tụ trong cơ thể.

Mộc nhĩ đen không những chỉ có tác dụng nâng cao sức miễn dịch, có nhiều chất xơ và chất keo thực vật để thu hút chất độc hại mà có thể có cả một số hoạt chất chưa xác định có thể tạo ra những phản ứng hoá học làm bào mòn những dị vật hoặc những viên sỏi kết tụ trong cơ thể.

Vì những khả năng này, người ta khuyên những người mắc bệnh sỏi thận, sỏi mật hoặc sỏi bàng quang nên dùng nhiều mộc nhĩ đen. Cũng vậy, các bác sĩ chuyên về vệ sinh môi trường cũng khuyên những công nhân làm việc trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi như công trường xây dựng, mỏ than, nhà máy xi măng… nên có mộc nhĩ đen trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Sau đây là gợi ý về việc sử dụng mộc nhĩ đen cho một số trường hợp bệnh lý.

Canh mộc nhĩ đen bồi dưỡng cơ thể, giảm mỡ máu, cải thiện chức năng tuần hoàn huyết:

Mộc nhĩ đen 1osb; Thịt nạc 100g; Đại táo 5 quả; Gừng sống 3 lát; Đổ vào 6 chén nước, nấu còn 2 chén; thêm gia vị vừa đủ dùng.

Cháo mộc nhĩ đen, bổ âm, nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng vị:

Mộc nhĩ đen 10g; Gạo tẻ 100g (sao vàng); Thịt nạc 50g; Đổ vào 6 chén nước, nấu cháo, thêm gia vị vừa đủ dùng.

Canh mộc nhĩ, khổ qua phòng và trị cao huyết áp, tiểu đường:

Mộc nhĩ 10g; Khổ qua (mướp đắng) 50g; Đậu phụ 200g; Thêm gia vị vừa đủ, nấu canh ăn hàng ngày.

Chữa bệnh lỵ mãn tính:

Mộc nhĩ đen 30g (sao khô); Lộc giác sương 8g; Tán bột, trộn đều, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5g với nước ấm.

Chữa phụ nữ bị rong kinh, băng huyết:

Mộc nhĩ đen sao đen, tán bột. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g với rượu ấm.

Chữa bệnh trĩ lở loét, chảy máu:

Mộc nhĩ đen sao khô, tán bột. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g với nước ấm.

Chú ý: Những người thể tạng hư hàn, hay đầy bụng hoặc hay đi tiêu lỏng khi dùng mộc nhĩ đen nên dùng kèm 1 hoặc vài lát gừng tươi nướng sơ qua trên lửa.

Mộc nhĩ trắng

Mộc nhĩ trắng hay gọi là (nấm tuyết nhĩ), còn có tên khác là Ngân nhĩ hay Nấm tuyết (danh pháp khoa học: Tremella fuciformis), là một loài nấm được sử dụng trong ẩm thực của một số nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam. Tại Trung Quốc, nó được gọi là ngân nhĩ hay bạch mộc nhĩ, và trong tiếng Nhật là shiro kikurage.

Tác dụng của mộc nhĩ trắng đối với sức khỏe

Theo Đông y, mộc nhĩ trắng vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm, nhuận phế, dưỡng vị, sinh tân, rất thích hợp cho những người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, bị các bệnh lý đường hô hấp, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não… Mộc nhĩ trắng cũng rất tốt cho người có hội chứng âm hư nội nhiệt, biểu hiện bằng các dấu hiệu như người gầy, miệng khô họng khát, đầu choáng, mắt hoa, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, hay ra mồ hôi trộm, ngủ kém, dễ mộng mị, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ…

Theo y học hiện đại, mộc nhĩ trắng có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể (đặc biệt là hệ thống miễn dịch tế bào), nâng cao năng lực tạo máu của tủy xương. Nó cũng giúp cải thiện chức năng của gan và thận; thúc đẩy quá trình tổng hợp protid trong gan, làm giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, mộc nhĩ trắng còn có tác dụng chống phù và chống phóng xạ ở một mức độ nhất định.

Sau đây là một số bài thuốc từ mộc nhĩ trắng:

Bài 1: Mộc nhĩ trắng 25 g, đường phèn 250 g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, cắt bỏ chân, cho vào bát cùng đường phèn và nước, chưng cách thủy trong 30 phút, chia ăn vài lần.

Công dụng: Bồi bổ cơ thể, trị các bệnh phổi thể âm hư có ho khan, ho ra máu.

Bài 2: Mộc nhĩ trắng 10 g, đại táo 20 quả, gạo tẻ 100 g, đường phèn 50 g. Mộc nhĩ làm sạch, đại táo bỏ hạt rồi cùng cho vào nồi ninh với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Tư âm, nhuận phế, kiện tỳ, ích vị, dùng cho người bị bệnh phổi và bệnh đường tiêu hóa có sốt, ho khan, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, đại tiện táo.

Bài 3: Mộc nhĩ trắng 10 g, mộc nhĩ đen 10 g. Hai thứ ngâm nước ấm cho nở hết rồi làm sạch, đem chưng cách thủy với nước và đường phèn, chia ăn 2 lần.

Công dụng: Dùng cho người bệnh tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu…

Bài 4: Mộc nhĩ trắng 10 g, hạt sen tươi 30 g, nước luộc gà và gia vị vừa đủ. Mộc nhĩ làm sạch rồi luộc cho đến khi thật trong thì vớt ra. Hạt sen bóc bỏ vỏ ngoài và tâm rồi đem hầm với nước luộc gà, khi chín thì đổ mộc nhĩ trắng vào, chế thêm gia vị rồi dùng làm canh ăn.

Công dụng: Trị chứng mất ngủ, buồn phiền, rạo rực, miệng khô, họng khát.

Bài 5: Mộc nhĩ trắng 20 g, thịt lợn nạc 200 g, gia vị vừa đủ. Mộc nhĩ làm sạch, thịt lợn thái chỉ; đem xào chín hai thứ với dầu thực vật. Tiếp đó, cho nước bột gạo pha loãng vào đun sôi một lát, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.

Công dụng: Bồi bổ cơ thể, chữa các chứng đầu váng, tai ù, kém ăn, ăn chậm tiêu, nhịp tim chậm.

Bài 6: Mộc nhĩ trắng 10 g, đỗ trọng (tẩm mật nướng) 10 g, đường phèn 50 g. Sắc đỗ trọng lấy nước, bỏ bã rồi cho mộc nhĩ (đã làm sạch) vào hầm kỹ. Khi chín, chế thêm đường phèn, ăn trong ngày.

Công dụng: Tư bổ can thận, kiện não, tỉnh thần, dùng chữa các chứng thận hư, lưng đau, xương cốt rã rời, đầu váng, tai ù, mất ngủ, mỏi mệt.

Chú ý: Không được dùng mộc nhĩ trắng đã biến chất, biểu hiện bằng các dấu hiệu: màu ngả vàng, kém tươi, không đàn hồi, có vết mốc hoặc dính lại với nhau. Việc dùng loại mộc nhĩ này có thể dẫn tới ngộ độc, gây tổn thương các cơ quan như ruột, gan, thận và trung khu thần kinh, thậm chí có thể dẫn đến suy thận cấp tính và tử vong.

Nguồn: Phunutoday

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook