Bé Phương Linh 2 tuổi rưỡi, thấy mẹ bật điện liền hỏi:
– Bật điện làm gì thế?
Mẹ nghe bé hỏi, tỏ ra không vui nói lại:
– Mẹ đã nói với con rồi, khi nói chuyện với người lớn con phải nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ nhé. Con hỏi lại đầy đủ đi.
Phương Linh suy nghĩ một lát rồi hỏi lại mẹ rất to và rõ ràng:
– Mẹ ơi, mẹ bật điện làm gì thế?
– Mẹ bật điện cho sáng để mẹ tìm quyển sách con ạ. – Mẹ trả lời.
– Tìm sách làm gì? – Ngay lập tức Phương Linh hỏi mẹ.
Mẹ nghe thấy thế, tỏ ra buồn bực nói:
– Con hỏi lại đi.
– Mẹ tìm sách làm gì ạ? – Phương Linh hỏi lại mẹ một cách đầy đủ.
– Mẹ tìm sách để đọc con ạ. Lần sau con đừng để mẹ nhắc lại nữa nhé, nhớ là khi nói chuyện với người lớn thì phải xưng hô rõ ràng.
Mẹ vừa ngắt lời, Phương Linh lại hỏi:
– Cái gì?
Bố Phương Linh nãy giờ nghe hai mẹ con nói chuyện, buồn cười mà không dám cười to.
Việc mẹ nhắc bé nói chuyện với người lớn phải xưng hô đầy đủ là đúng. Tuy nhiên, do bé đang còn nhỏ nên không thể ngay một lúc có thói quen nói chuyện như vậy được, mà bố mẹ cần từ từ chỉ bảo cho con. Khi nhắc nhở bé, bố mẹ chỉ cần nói: “Con nói lại đi, mẹ ơi mẹ làm gì đấy ạ” hay “Con nói lại đi, mẹ ơi, mẹ bật điện làm gì ạ?” Không cần phải nói những câu như: “Mẹ đã nói rồi” “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi” “Lần sau con phải…” Nếu nói dài dòng, bé sẽ thấy nhàm chán, rồi đến lúc sẽ không để ý đến những câu đấy nữa, việc tập thành thói quen cho bé sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Việc bé hỏi cộc lốc như thế không phải là bé vô lễ với bố mẹ, mà chỉ là bé nói lên chính xác những suy nghĩ của mình. Những lúc đấy, thay vì bắt con hỏi lại cho đúng chủ ngữ, vị ngữ, mẹ nên tập trung trả lời câu hỏi, giải đáp những thắc mắc của con. Bằng cách đấy, có thể khuyến khích trẻ đặt ra một sê-ri các câu hỏi liên quan tới sự việc trẻ quan tâm, bổ sung kiến thức đáng kể cho con. Trong khi đấy, việc khăng khăng yêu cầu con nói những câu đầy đủ sẽ làm ngắt quãng dòng suy tư của con, mất đi cơ hội giáo dục kiến thức cho con.
Muốn bé nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, xưng hô đúng ngôi thứ thì bố mẹ cũng phải làm gương cho con khi nói chuyện với những bậc cha chú, anh chị của mình, rồi tự khắc bé sẽ noi theo.
Ngoài ra, tâm trạng, thái độ của bố mẹ khi nói với con cũng rất quan trọng. Bố mẹ phải xác định trước là trẻ cần một thời gian dài để có thói quen nói đầy đủ như mình mong muốn. Do vậy, khi con nói cộc lốc như thế, nếu thấy cần thiết, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói lại cho con cả câu mà con nên nói để bé nhắc lại, không nên tỏ thái độ buồn bực với con.
Cứ kiên trì khi dạy bảo con như thế dần dần trẻ sẽ thay đổi cách nói, cách xưng hô của mình. Điều này không chỉ giúp trẻ nói ra lời hay, ý đẹp mà thông qua đó, còn giúp trẻ hiểu được các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội; tôn trọng những người lớn tuổi như ông bà, bố mẹ, anh chị của mình.
Hải Minh <Nguồn: congioilam>
Chưa có bình luận.