Đưa con đi học, khi con nhất định không chịu vào lớp, người mẹ lập tức gào lên: “Con không yêu mẹ nữa phải không?”.
Dưới đây là góc nhìn của nhà văn Hoàng Anh Tú, một ông bố ba con ở Hà Nội, về một hình thức áp đặt con nhân danh tình yêu mà nhiều người mẹ vô tình vướng phải:
Sáng nay đưa Nguyên Ít đi học, gặp đôi mẹ con nhà kia đang đánh vật nhau trước cổng trường. Đúng nghĩa đánh vật vì cả hai mẹ con đều nằm lăn dưới đất. Mẹ thì gào lên: “Con không đi học là con không yêu mẹ nữa phải không?”. Con thì giãy đành đạch lăn lộn vài vòng gào lên không kém: “Mẹ hết thương con rồi! Con muốn về nhà cơ!”.
“Con không yêu mẹ nữa phải không?” là câu hỏi tôi ghét nghe nhất từ các mẹ dành cho con mình. Không phải bởi sự nghi ngờ mà là bởi tiếp sau đó luôn kèm theo một điều kiện mang tính áp đặt. Nhân danh yêu thương để áp đặt nhau là thứ yêu thương khủng bố. Bao nhiêu đứa trẻ phải “ngoan” theo cách của bố mẹ bằng câu hỏi này? Bao nhiêu đứa trẻ bị nhốt trong cái cũi yêu thương này?
Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng nhưng có đôi lúc, sự quát mắng còn có giá trị lớn hơn những yêu thương kiểu “trao đổi” này. Con yêu mẹ thì con phải thế này, con phải thế kia. Dù mẹ nào cũng chỉ muốn điều tốt cho con mình nhưng hiềm nỗi tốt cho con là mẹ nghĩ vậy chứ thực con không thấy vậy và không muốn vậy. Đứa trẻ bị gọt giũa cho vừa vặn ý mẹ nhiều hơn là cho sự phát triển của chính nó. Chúng ta muốn con trở nên tự tin nhưng lại áp đặt con phải sống thế này làm thế nọ thì sao mong có được sự tự tin?
Ảnh minh họa: Wisegeekhealth. |
Tôi gọi đó là tra tấn và bạo hành với những điều kiện yêu thương kiểu vậy. Đứa trẻ phải gánh vác trách nhiệm yêu thương mẹ bằng cách mẹ nó muốn. Tôi vẫn dạy “hư” con mình rằng: Dù sau này con xấu điên xấu đảo, học hành dốt nát hay đầu gấu đầu mèo thì bố mẹ cũng vẫn yêu thương con. Đừng bao giờ nghi ngờ điều đó. Đừng bao giờ băn khoăn về điều đó. Tôi nói vậy đâu phải bởi tôi không mong con mình sẽ làm nở mày nở mặt bố mẹ mai này. Chỉ là tôi không muốn con mình nỗ lực chỉ bởi đổi lại tình yêu của bố mẹ. Không, con cứ nỗ lực nhưng là vì chính con thôi, còn bố mẹ yêu con thì nhất nhất vẫn thế.
Tôi hiểu chứ, nỗi lo sợ lớn nhất của một người mẹ vốn chẳng phải chồng có bồ bên ngoài hay mẹ chồng nanh nọc mà là con không còn yêu mình nữa. Nhất là với một đứa trẻ, đôi khi tình yêu thực sự trong lòng nó thế nào nó cũng không biết, không nói ra được. Đôi lần vô tình, trẻ còn nói không yêu mẹ, nói mà chả nghĩ đến sự đau lòng trong trái tim mẹ. Nhưng người lớn nhiều khi còn vậy huống chi trẻ con? Đôi khi ta còn rất mực yêu ai đó nhưng giận lên ta vẫn nói ta hết yêu họ mà?
Không gì tự nhiên bằng tình yêu của bố mẹ dành cho con và ngược lại. Nó luôn có sẵn từ lúc ta chào đời. Nó lớn lên hay hao hụt đi theo thời gian nhưng tôi tin rằng nó không mất đi bao giờ. Mà ngay cả lớn lên hay hao hụt đi thì nó cũng chỉ là lời nói, hình thức thể hiện ra chứ chẳng phải “kích cỡ” của nó thay đổi. Tin tôi đi, ngay cả khi tệ nhất, mẹ không yêu con, con thù hận mẹ thì sợi dây mẫu tử đó chẳng đứt bao giờ. Vốn lẽ đời là vậy.
Thế nên thôi đừng bắt con phải thể hiện tình yêu nữa. Đừng ra điều kiện để được thoả mắt, thoả tai với tình yêu của con nữa. Hãy để tình yêu đó như không khí bao bọc quanh mẹ con mình. Nó không phải là chiếc cũi giam hãm con. Nó là không khí, nó nâng đôi cánh để con bay lên và bay cao, vậy thôi!
Khi đưa Nguyên vào học rồi tôi quay ra, hai mẹ con nhà nọ đã cùng lên xe về. Hôm nay cô bé sẽ nghỉ học vì mẹ cô đã thua trong cuộc chiến yêu thương. Lòng mẹ đã khiến mẹ cô không đành lòng cho con vào lớp. Nhưng tôi biết, trên đoạn đường về, cô bé sẽ lại còn đau nhiều hơn nữa bởi mẹ cô hẳn sẽ vẫn nhất nhất cho rằng cô không còn thương mẹ nữa nên mới như thế.
Và một đứa trẻ nữa hôm nay lại tổn thương vì mẹ bảo nó không còn yêu mẹ nó nữa, dù lòng nó vẫn rất mực yêu mẹ, thương mẹ, chỉ là nó không muốn đi học thôi mà.
Hoàng Anh Tú
Cùng tác giả:
Hôn nhân là con đường rất nhiều ổ gà, cạm bẫy
Cách dạy phụ nữ ‘ngoại tình’ của ông chồng hạnh phúc
Cách dạy con dùng tiền của ông chủ 2 nhà hàng ở Hà Nội
Thư bố viết cho ba con nhân ngày khai giảng
‘Bố mẹ hay quát mắng, đừng mong con sẽ tự tin’
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.