“Sao con hay quấy khóc thế nhỉ? Con người ta thì… Sao con lười ăn thế? Con người ta thì… Sao con làm bài được điểm thấp vậy? Con người ta thì… Sao không chịu giúp mẹ làm việc nhà vậy? Con người ta thì…”
Chắc không ít lần bạn nghe bạn bè, người thân, có khi cả chính bản thân bạn phải thốt lên những câu nói trên. “Con người ta thì…” phải chăng là câu nói cửa miệng hay là một “hiện tượng” của những ông bố bà mẹ khi đem con mình ra so sánh với con người khác.
Chúng ta không nên so sánh con mình với con người khác, vì như thế là bạn không tin tưởng vào khả năng của con mình. Mỗi một trẻ đều có những điểm mạnh và điểm yếu trong tính cách cũng như khả năng tư duy và học tập, làm việc. Chính vì vậy, không nên so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ kia trong bất kỳ trường hợp nào.
Bé Minh Hằng và Minh Thư là đôi bạn thân. Minh Hằng tính tình nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thích học toán và tiếng anh, vì vậy kết quả học toán và tiếng anh rất tốt. Còn Minh Thư lại thư thái, nhẹ nhàng và đam mê học văn, học đàn, học hát, học vẽ. Trong học tập hai bé luôn hỗ trợ nhau bằng những điểm mạnh của mình để đạt kết quả tốt. Mẹ của hai bé cũng là bạn đồng nghiệp với nhau, nhưng hai chị không bao giờ đem con mình ra so sánh với con bạn, bởi hai chị bảo mỗi cháu có một tính cách và khả năng riêng. Hãy hiểu, tôn trọng con mình.
Chúng ta không nên đem con mình so sánh với con nhà người khác vì khi đem con mình so sánh với con nhà người khác sẽ làm bản thân trẻ lúc đó bị tủi thân, và có thể là nguyên nhân dẫn đến một số hành động thiếu tích cực: như đố kỵ với bạn, cãi lời bố mẹ, giận hờn bố mẹ.
Bé Na và cu Mít đã 3 tuổi và đều thể hiện rõ là những cô bé, cậu bé nhanh nhẹn, thông minh. Hôm đó, cu Mít và bé Na cùng chơi xếp hình với nhau. Cu Mít rất thích phá hỏng các khối hình mà bé Na cặm cui xếp thành, những lúc ấy cu Mít cười rất khoái chí còn bé Na thì lại khóc mếu. Đúng lúc đó, bà nội bé Na đi từ ngoài vườn rau vào thấy thế liền ngồi xuống dỗ bé Na. Bé Na càng khóc hơn. Bà liền nói: “Bà thích Mít lắm, Mít là con trai, Mít lúc nào cũng tươi cười. Còn Na là con gái, hay khóc lắm”. Bé Na nghe thấy vậy, liền nín ngay và không chơi cùng bà và cu Mít nữa. Bà thấy vậy liền hỏi cháu gái:
– Sao cháu không chơi cùng bạn và bà nữa?”
– Bà bảo chỉ thích Mít thôi, vì Mít là con trai và hay cười. Bà không thích cháu, cháu không chơi với bà nữa. – Bé Na mặt buồn thiu, trả lời bà, rồi giận dỗi bỏ ra chỗ khác chơi.
Trong trường hợp này, bà nội bé Na không nên so sánh bé Na và cu Mít như vậy. Sự so sánh vô tình của bà đã làm tâm hồn trẻ thơ của bé Na bị tổn thương, làm bé Na nghĩ rằng bà nội không thích mình rồi giận bà và không chơi với bạn nữa.
Khi dạy dỗ, giáo dục con, hãy bỏ thời gian suy nghĩ tìm ra các nguyên nhân và giải pháp cho những vấn đề của con như quấy khóc, lười ăn, bị điểm kém, chưa biết giúp đỡ người khác, chưa biết làm việc nhà v.v… Hãy là một người bạn của con để có thể chia sẻ cùng con. Bằng cách đấy, trẻ sẽ có những tiến bộ tích cực. Không nên so sánh con với bạn, vì điều này không giúp con tiến bộ hơn mà còn có thể tạo cho con tâm lý không thoải mái, tự ti về bản thân mình.
QuỳnhTống
Chưa có bình luận.