Chủ Nhật, 13/09/2015 | 08:51

Không dễ với khen - chê

Vợ chồng tôi có hai đứa con tuổi lên năm, lên tám. Nếu như thằng em thuộc diện “mồm miệng đỡ tay chân”, biết “nịnh nọt lấy lòng” từ thuở lên ba, thì cô con gái lớn lại hay chê bai, phụng phịu.

Đi làm về, mẹ lục đục nấu bữa tối. Con trai luôn miệng xuýt xoa trước món canh cà chua trứng, rằng “trời ơi món gì mà ngon quá vậy nè”, “canh vầy mới là canh chứ”.

Thú thật là tôi thấy nở từng khúc ruột, hứng thú nghĩ món cho tối mai. Rồi thì chàng vội vàng chan chan húp húp. Cô chị thường cũng mê món này, nhưng vẫn trề môi phản ứng, rằng “chị không thấy ngon gì hết, sao mà em… ham ăn quá”.

Ba tụi nhóc bực mình hỏi xẵng, vậy chứ con muốn ăn gì thì mới hài lòng? Sao con khó chịu vậy? Tôi hầu như ít khi thấy con gái mình biết khen cái gì. Con ỏng eo từ món đồ chơi tới cái quạt nhỏ quay không đủ mát. Đụng chuyện gì cũng không vừa lòng. Phải làm sao để dạy con biết ý nghĩa và cách sử dụng lời khen nhiều hơn?

Suy từ mình, rằng người lớn cũng thích… được khen, tôi mới thấy, việc cha mẹ khen – chê con cũng không phải đơn giản. Chồng tôi bảo, không nói nổi lời khen ngợi, có nghĩa là chẳng biết ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của người khác. Tôi không mấy đồng ý với quan điểm này của anh.

Bằng chứng là, tôi không thể nào khen ngợi mấy trang tập viết của cu con, bởi nó nhập nhèm cẩu thả, nhưng anh vẫn động viên con trai không tiếc lời.

Hiệu quả thấy rõ, thằng nhóc khoái chí, chịu khó tập viết thêm để nhận lời khen. Nhưng việc khen đó cũng mang lại hậu quả là, cu cậu tiếp tục viết chữ như giun, khi mẹ sửa và hướng dẫn thì chàng còn biết đôi co là, “ba khen con mà, sao mẹ lại hổng ưng?”.

Còn nếu tôi chê con viết xấu, tùy tiện, thằng nhóc xụ mặt xuống và phản kháng bằng cách không muốn tập viết nữa. Tôi không dễ dãi, tùy tiện lời khen. Cái gì cũng cần sự chân thật, vừa phải. Cứ bơm vào đầu con ý nghĩ rằng chúng giỏi giang, xinh xắn, đẹp trai… chưa chắc là phương pháp tốt.

Chưa kể, bọn trẻ con bây giờ thường ảo tưởng về bản thân khá nhiều, chắc cũng một phần do tâm lý thích khen con của các bậc cha mẹ.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến khen chê trẻ không đúng cách cũng là một yếu tố khiến con hư. Ngay cả việc khen chê chưa hợp lúc, không đúng mức độ có khi sẽ làm cho hai chị em tỵ nạnh lẫn nhau. Những lời khen tùy tiện, dễ dãi, thường xuyên sẽ trở nên mất đi ý nghĩa, làm cho trẻ không còn cảm nhận được sự ghi nhận của người lớn.

Một đứa trẻ lúc nào cũng được khen “ngoan quá” sẽ không biết như thế nào mới là ngoan “đích thực”, và những gì thuộc bổn phận đương nhiên của trẻ.

Trẻ con như thế rất dễ buồn bực nếu bỗng dưng bị cho là “hư”. Có lần tôi phàn nàn là “con gái sao lúc nào cũng xấu xí, bốc mùi”, để một hôm xót xa nghe con nói chuyện với bạn, rằng “chắc mình xấu nhất lớp rồi, mẹ mình bảo thế, mình lại còn hôi hám nữa”. Lựa lời mà chê sao để con không tự ái, chán nản cũng là một nghệ thuật. Tôi cũng không tránh được sai lầm phổ biến là hay chê con thái quá. Khi tôi bảo con thật lỳ lợm, thằng nhóc dường như ngày càng ương bướng hơn.

Tới lúc giận dữ, tôi quát to lên rằng: “Con cái nhà ai mà lạ vậy, hình như không phải con tôi. Sao thấy con người ta mà ham. Con nhà gì mà tệ hại dữ vậy không biết nữa”.

Và, một lần, khi tôi vừa động viên con gái lớn, nó ngay lập tức “trả treo” rằng, sao hôm trước mẹ nói con “vô tích sự, chẳng biết giúp đỡ gì”.

Tôi giật mình nhận ra, đừng nghĩ một đứa trẻ thì không thể bị tổn thương bởi cách chê bai của cha mẹ, như nhiều người đã chủ quan nghĩ vậy.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook