Để trẻ con kiếm tiền, không phải do áp lực cuộc sống, là một điều nên làm, chủ yếu để các con quý trọng sức lao động và đồng tiền cũng như tính tự lập.
Chiều chở con đi học về, nghe con kể chuyện mà tôi cứ băn khoăn:
– Mẹ, con cho bạn L. thuê bộ đồ chơi Spider Ball của con trong vòng năm tháng. Ngày nào con cũng mang lên trường cho bạn chơi rồi con mang về. Đến tháng 3 là hết hạn thuê. Bạn L. trả con 20.000 đồng.
– Hả, rồi con lấy tiền của bạn chưa?
– Dạ rồi. Bạn đưa cho con 20.000 đồng. Con đói bụng quá, vô căngtin mua ly mì 10.000 đồng. Ngon dễ sợ.
– Còn 10.000 đồng con để đâu rồi?
– Bạn Q. nói thèm ăn xúc xích, con mua cho bạn luôn rồi. Ban đầu con mang lên, mấy bạn chơi với con. Nhưng mấy ngày sau mấy bạn nói con cho thuê đi. Con nói OK, mỗi ngày 3.000 đồng. Mấy bạn OK.
Nhưng mà con tính một ngày 3.000 đồng, nếu một tháng mà 30 ngày là tới 90.000 đồng. Mắc quá nên con quyết định giảm. Mấy bạn nói năm tháng 20.000 đồng, tính ra mỗi tháng 4.000 đồng, con chịu luôn.
Tôi im lặng lắng nghe, chưa nói gì, con chuyển qua câu chuyện khác:
– Bữa giờ mấy bạn thuê con xách cặp lên lớp. Mỗi lần xách là 3.000 đồng.
– Trời, sao mấy bạn không tự xách cặp mà kêu con?
– Mấy bạn ở lại chơi. Con xách cặp con thì sẵn xách cho mấy bạn luôn. Ban đầu mấy bạn nhờ, con giúp, không có đòi hỏi gì hết. Tự dưng tụi nó nói nếu con xách cặp cho mấy bạn thì trả con 3.000 đồng/lần.
– Bữa giờ con thu được bao nhiêu rồi?
– Dạ 6.000 đồng. Con mua kẹo cho con với mấy bạn ăn hết rồi…
Nghe xong hai câu chuyện làm thuê và cho thuê của con, tôi nhớ lại chuyện ngày xưa mình cũng tự kiếm tiền. Tôi móc những cái túi đựng bút mực nho nhỏ, ban đầu là tặng những bạn gái thân trong lớp, sau đó các bạn thấy đẹp nên đặt hàng. Đó là số tiền đầu tiên mà tôi “kinh doanh” được từ chính công sức mình bỏ ra.
Nhưng kiểu kiếm tiền này của con thì tôi băn khoăn quá. Ngay lúc đó tôi chỉ nói ngắn gọn với con: “Con tự cho bạn thuê đồ chơi, thu tiền của bạn mà không hỏi ý kiến ba mẹ là con sai rồi. May là con còn kể cho mẹ nghe, chứ con cứ lẳng lặng cho thuê tiếp thì mẹ không biết đâu mà giải quyết.
Con còn đi học, chưa cần phải làm ra tiền nên bây giờ có đồ chơi thì con cứ cho bạn mượn chơi chung với con, không cần phải thu tiền của bạn. Còn việc xách cặp của bạn, bạn nhờ (nhưng với lý do chính đáng) thì con cứ giúp bạn, cũng không cần phải thu tiền của bạn”.
Và sáng hôm sau tôi đưa cho con 20.000 đồng để con trả lại cho bạn, kèm lời dặn cứ nói với bạn là chơi thoải mái, không cần phải băn khoăn.
Còn tôi lại băn khoăn. Mang câu chuyện kể lại với các anh chị đồng nghiệp, nhiều người có lẽ nghe chưa rõ câu chuyện nên hào hứng, khen con giỏi, có đầu óc kinh doanh. Có anh chị cũng mang câu chuyện của con mình lúc nhỏ thường hay phụ bưng cà phê, bán quán để kiếm tiền như một cách ủng hộ việc làm của con tôi.
Nhưng tôi lại nghĩ giữa việc làm thêm (bưng bê cho quán cà phê) và cho bạn bè thuê đồ chơi hay làm bài tập giùm hoặc… ăn giùm kiếm tiền là khác nhau hoàn toàn. Vì cũng là kiếm tiền, cũng là sòng phẳng nhưng bản chất khác xa nhau.
Để trẻ con kiếm tiền, không phải do áp lực cuộc sống, là một điều nên làm, chủ yếu để các con quý trọng sức lao động và đồng tiền cũng như tính tự lập.
Tuy nhiên, đó phải là những việc mua bán – trao đổi chính đáng như làm ra sản phẩm bán cho bạn bè hoặc đi bưng bê, phụ bán hàng…
Còn mua bán với bạn bè kiểu như xách cặp giùm, ăn giùm, làm bài giùm… rồi thu tiền của bạn, vô tình khuyến khích một bên – cũng là con trẻ tính lười biếng thậm chí nói dối.
Các mẹ từng băn khoăn giống tôi?
Chưa có bình luận.