Năm nay tôi 81 tuổi, tôi xin kể câu chuyện xưa chính tôi trải qua. 70 năm trước, lúc tôi con rất nhỏ, có nhớ có vị đạo sỹ tu hành ở nhà tôi. Người này trên 40 tuổi, cũng xấp xỉ tuổi cha tôi. Ông rất hiền lành, luôn gọi người cùng lứa là bề trên, ông gọi cha mẹ tôi là ông út, bà út, gọi tôi là cô út.
Lúc mùa màng bận rộn, ông giúp gia đình tôi làm việc, lúc nông nhàn thì ra ngoài khám chữa bệnh, khất thực. Tối về cũng không thắp đèn, ở trong phòng không biết làm những gì. Ông thường nói những lời cổ quái li kỳ, chúng tôi đều không hiểu nghĩa là gì, cha tôi thường nói ông là đạo sỹ cổ quái.
Năm tôi 12 tuổi, có mấy sự kiện tôi nhớ như in. Một hôm trời quang mây tạnh, ông không cho cả nhà tôi ra ngoài, mà cũng chẳng nói vì sao. Gần đến trưa, thời tiết đột ngột thay đổi, cuồng phong lập tức nổi lên, cát đá bay mù mịt, cây cối bật gốc, gẫy thân, nhà tốc mái, trời tối đen như mực. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, trời mới dần dần hửng sáng, mặt trới ló ra.
Đạo sỹ nói: “Nếu gặp phải cơn gió này, người ta sẽ bị mắc bệnh nặng và lột mất lớp da, nặng nữa thì tính mệnh cũng khó giữ”.
Năm đó đại hạn, 3 ngày đầu tiết tam phục mới có mưa, dân làng vội vàng trồng trọt. Ông đạo sỹ lại không cho nhà tôi trồng. Hóa ra 3 ngày sau, lại mưa trận lớn hơn, hoa màu mới trồng đều hỏng hết, bị mưa táp hỏng cả. Sau trận mưa lớn, đất rất ướt, ông lại giục nhà tôi trồng gấp, không được chậm trễ, nếu không thì hoa màu sẽ khó nảy mầm.
Còn có 1 lần, chú tôi kết hôn, đạo sỹ bàn với ông tôi: “Nhân ngày đại hỷ của gia đình, có thể mời sư phụ tôi đến uống rượu mừng được không”? Ông tôi nói: “Ông đã ở nhà tôi lâu rồi mà chúng tôi vẫn chưa được gặp sư phụ của ông, mau mời ông ấy đến đi”!
Đến ngày cưới, cho tới khi khách đã về hết, người nhà tôi vẫn chưa thấy sư phụ của ông đâu. Ông tôi hỏi đạo sỹ: “Sao ông không mời sư phụ ông đến”? Đạo sỹ nói: “Đã đến lâu rồi, chỉ có điều người thường không nhìn thấy sư phụ thôi”.
Mấy năm sau, đạo sỹ nói với cha mẹ tôi: “Tôi đi đây, tôi không thể ở đây tu luyện nữa, nhà nếu có việc gì cần giúp đỡ, thì thắp nén hương và gọi tên tôi”. Nhà tôi nửa tin nửa ngờ.
Lại qua 1 năm, lưng cha tôi mọc 1 cái mụn ác tính, tốn rất nhiều tiền mà chữa không khỏi, lúc này mới nhớ tới đạo sỹ, nhớ tới lời ông nói: “Thắp nén hương gọi tên tôi, tôi sẽ đến…” Nhưng đạo sỹ rốt cuộc là người, có thể linh ứng như vậy không? Người nhà cũng chẳng suy nghĩ nhiều, cứ thử xem. Buổi tối, bà tôi thắp nén hương ngoài sân, gọi tên đạo sỹ. Lúc đó là mùa đông giá rét, khi trời còn chưa sáng đã nghe thấy tiếng người gõ cửa, mở cửa bèn thấy vị đạo sỹ, mồ hôi đầm đìa, quần áo ướt đẫm.
Câu đầu tiên ông hỏi nhà đã xảy ra chuyện gì? Mẹ tôi nói chuyện bệnh tình cha tôi. Đạo sỹ xem cái mụn ác tính của cha tôi rồi nói không sao, chữa dễ thôi. Sau đó, ông khoét cái mụn đi và đắp thuốc. Ngày hôm sau, cha tôi đã có thể rời khỏi giường.
Khi ăn cơm, đạo sỹ nói với cha tôi: “Sau này cả nhà sẽ không thắp hương cho tôi được nữa, tôi không thể nhận lễ hương này được”. Khi ông sắp đi, cha tôi hỏi ông ấy khi nào trở lại thăm gia đình. Đạo sỹ nói: “Đến khi trên núi có nhà lầu, nước giếng chảy đến nhà, đèn quay xuống dưới, núi thừa 1 nửa, kẻ chết không có người chôn, tôi sẽ trở lại thăm cả nhà. Lúc đó thay đổi lớn, e rằng chú út, cô út có thể gặp mặt hay không thì rất khó nói trước”.
Cha me tôi nghe xong mặt biến sắc, nói kẻ chết không người chôn, đây chẳng phải là đại họa nhân gian sao? Không có cách giải hạn tai họa này sao? Cha tôi gặng hỏi nhiều lần, đạo sỹ mới nói: “Trên mặt có ấn nhìn không thấy, xóa đi ấn ký độ kiếp nạn”. Nói xong, đạo sỹ bước đi, rồi không trở lại. Cả nhà đều ghi nhớ mấy câu nói này, chỉ là không hiểu ý nghĩa là gì.
Giờ đây, 70 năm trôi qua, 4 câu đầu ông nói đã ứng nghiệm từng cái. Hiện nay, trên núi dưới núi đều có nhà lầu, nước trong giếng đã chảy đến nhà (vì trước đây đều đến bến nước, đến giếng lấy nước uống), đèn quay xuống dưới là chỉ đèn điện, trước đây đều dùng đèn dầu, nên đèn quay lên. Vì chỗ chúng tôi là miền núi, nhưng khai thác quá mức, không còn nguyên vẹn nữa, đa số là còn nửa núi. Chỉ có câu “kẻ chết không có người chôn” là chưa ứng nghiệm, còn câu “trên mặt có ấn nhìn không thấy, xóa đi ấn ký độ kiếp nạn”, thì chúng tôi nghĩ ‘vắt óc’ cũng không thể giải.
Hải Sơn biên dịch
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.