Khen con quá nhiều có thể khiến trẻ trở thành người quá yêu bản thân. Ảnh minh họa: Nypost.
Những đứa trẻ được bố mẹ khen quá mức dễ trở nên quá yêu bản thân và đánh giá thấp người khác.
Kết quả nghiên cứu với 565 trẻ tại Hà Lan vừa đăng trên kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ. Trẻ từ 7 tới 11 tuổi và bố mẹ được khảo sát 4 lần với mỗi phần nghiên cứu kéo dài 6 tháng.
Theo đó, những trẻ được bố mẹ miêu tả là “đặc biệt hơn trẻ khác” và “xứng đáng với những điều đặc biệt trong cuộc sống” thì có điểm cao hơn trong bài kiểm tra đánh giá về mức độ tự mãn, so với bạn bè không được bố mẹ tán dương theo cách này.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét mức độ bố mẹ đánh giá quá cao con mình bằng cách hỏi xem họ đồng ý ở mức nào với những ý như “Con tôi là một tấm gương sáng cho những trẻ khác noi theo”.
“Trẻ tin ngay khi bố mẹ nói với chúng rằng mình đặc biệt hơn những bé khác. Điều đó có thể không tốt cho chính trẻ và xã hội”, đồng tác giả nghiên cứu Brad Bushman, giáo sư về truyền thông và tâm lý tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết.
Theo nghiên cứu này, sự khích lệ và tình cảm ấm áp của cha mẹ có thể là chiến lược tốt hơn là làm tự mãn cái tôi của trẻ. Những người trẻ tuổi hay được bố mẹ nói yêu thương thường thể hiện sự tự trọng cao nhưng không tự mãn. Trẻ có lòng tự trọng cao không coi bản thân đặc biệt hơn những người khác nhưng nhất trí với lời khẳng định rằng họ hạnh phúc với chính mình và yêu những gì mình có.
“Những người có lòng tự trọng cao nghĩ họ cũng tốt như những người khác, trong khi những người tự mãn thì nghĩ họ tốt hơn tất cả”, Bushman nói thêm.
Trưởng nhóm nghiên cứu Eddie Brummelman (Đại học Amsterdam ở Hà Lan) nói, bố mẹ có thể có ý tốt khi nói với con rằng trẻ thật đặc biệt nhưng việc này lại cổ vũ cho sự tự mãn chứ không phải là lòng tự trọng, tự tin ở trẻ.
“Thay vì khuyến khích trẻ tự tin vào chính mình, việc đánh giá quá mức có thể vô tình thúc đẩy tính kiêu ngạo ở trẻ. Cũng như các tính cách cá nhân khác, tính tự mãn một phần là hệ quả từ yếu tố gene và do đặc điểm tính khí của chính trẻ”, ông nói.
Bushman, ông bố có ba con, nói rằng, nghiên cứu này khiến bản thân ông ý thức hơn về những từ ngữ mình dùng khi cư xử với các con.
“Khi tôi bắt đầu thực hiện nghiên cứu này vào những năm 1990, tôi từng nghĩ các con tôi nên được đối xử như chúng là những đứa trẻ vô cùng đặc biệt. Bây giờ thì tôi thận trọng, không làm như thế nữa”, ông nói.
Chưa có bình luận.