Một hòn đảo với vẻ đẹp nên thơ, hoang dã và đầy bí ẩn. Có điều, bất kỳ ai cũng bị nghiêm cấm đặt chân lên và hậu quả không dừng lại ở việc pháp luật trừng trị.
Là tín đồ đam mê du lịch và trải nghiệm mạo hiểm, chúng ta luôn khao khát hướng đến những vùng đất tiên cảnh nhưng phải hoang sơ, chưa được xã hội hiện đại chạm tới. Những vùng đất như vậy không nhiều, nhưng cũng không quá hiếm, miễn là bạn đủ khả năng tìm tòi.
Tuy nhiên, ở giữa Ấn Độ dương có một hòn đảo rất đẹp, hoang sơ, thuộc sở hữu của chính phủ Ấn Độ. Và việc đặt chân lên hòn đảo hoàn toàn bị nghiêm cấm, chính phủ cũng không cho phép bất kỳ ai lảng vảng quá 3 dặm xung quanh hòn đảo. Và hậu quả của việc vi phạm không chỉ dừng lại ở pháp luật.
Đó chính là hòn đảo Đảo Bắc Sentinel – một hòn đảo rất hoang sơ, được bao phủ bởi rừng rậm. Cộng đồng dân nơi đây luôn luôn chống lại mọi nỗ lực liên lạc từ thế giới bên ngoài. Họ duy trì đời sống nguyên thủy, từ chối xã hội văn minh hiện đại và không muốn tiếp xúc với những người không phải cư dân trên hòn đảo của họ.
Người dân trên hòn đảo Bắc Sentinel được gọi chung là Sentinelese. Họ duy trì thói quen săn bắn, hái lượm và sống bầy đàn. Họ đi săn thú rừng, đánh cá, hái lượm các loại quả trong rừng và không biết làm nông nghiệp. Họ sống trong những túp lều lá, chủ yếu chỉ để che nắng mưa, và ngủ ngay trên sàn trải bằng lá cây, lá cọ. Mỗi túp lều là nơi ở của một gia đình, từ 3 đến 4 thành viên. Ngôn ngữ của họ rất khác những cư dân còn lại trên quần đảo Andaman, và họ hầu như không liên lạc với những cư dân của bộ tộc khác suốt hàng ngàn năm nay.
Không kỳ bí như những bộ lạc ẩn giấu dưới những tán rừng Amazon rộng lớn, bạt ngàn và rất khó tìm ra tung tích, sự tồn tại của Sentinelese đã được biết đến qua hàng thế kỷ, nhưng chưa ai có cơ hội được tiếp xúc với họ. Họ từ chối tất cả mọi đề nghị từ thế giới bên ngoài. Những người cố chấp, không tôn trọng những thông điệp mà họ phát đi sẽ nhận được những cơn mưa mũi tên phóng ra vun vút và thậm chí phải bỏ mạng.
Năm 2006, người Sentinelese đã từng giết chết hai ngư dân đánh cá, tấn công máy bay trực thăng khảo sát bằng cách bắn mũi tên lửa và ném đá. Họ kịch liệt từ chối, phản đối một nhóm các thành viên đến từ nhiều quốc gia, những nhà thám hiểm, những đội an ninh muốn tìm hiểu họ, khám phá vùng đất của họ. Chính bởi thế, hiếm có bức ảnh nào chụp cận cảnh họ, và những bức ảnh và video ghi lại đều có chất lượng rất thấp, phần lớn quay từ trên máy bay với khoảng cách rất xa hoặc từ bên bờ kia biển.
Mặc dù nằm trong quần đảo Andaman nhưng hòn đảo Bắc Sentinel lại vô cùng hẻo lánh. Và cũng khác với cư dân ở phần đảo khác của Andaman, có sự giao lưu với xã hội hiện đại, những người Setinelese coi những người đến từ nơi khác là đối tượng thù địch. Chính phủ Ấn Độ đã từng khởi động một chương trình với mục đích thiết lập mối liên hệ với những người dân ở đây, nhưng kết quả thu được không được như mong muốn và vẫn chỉ là thiện ý một chiều từ phía chính phủ.
Theo ước tính, cư dân trên đảo này vào khoảng vài chục đến vài trăm người. Người ta cũng không biết chính xác cơn sóng thần hồi năm 2004 ở chuỗi quần đảo Andaman ảnh hưởng đến họ như thế nào. Tuy nhiên, trong số hàng chục triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa, chỉ có người Sentinelese là không cần ai giúp đỡ. Họ đã tìm đến những vùng đất cao trước khi cơn bão ập đến và tàn phá mọi thứ.
Những người Sentinelese có lý do của họ, và mặc dù họ không hề biết tới lối sống và suy nghĩ của con người hiện đại, nhưng họ biết những phong tục tập quán, môi trường sống, lối suy nghĩ của họ không cần sự hiện đại thay đổi.
Họ muốn sống cùng trời, cùng đất, cùng tự nhiên, sống hồn nhiên như cỏ cây của núi rừng và suy nghĩ giản đơn, không phiền toái, không tính toán. Sự tồn tại của Sentinelese và thái độ cương quyết của họ với thế giới bên ngoài như những thông điệp muốn nhắn gửi tới con người hiện đại chúng ta: Hãy tôn trọng quá khứ, tôn trọng những thứ nguyên thủy còn sót lại.
Video: Người Mỹ đến Ấn Độ mua rừng bị bỏ hoang, 25 năm sau thật tuyệt vời
Ảnh dẫn qua: Genk
Thủy Linh (TH)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.