Bệnh nhân 70 tuổi vào cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức khi đã tắt thở, tim không còn đập, không còn dấu hiệu của sự sống.
Các bác sĩ “còn nước còn tát” nỗ lực hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân bên cạnh khẩn cấp truy tìm nguyên nhân tắt thở. Nhận định bệnh nhân có khả năng bị thuyên tắc phổi cấp, bác sĩ lập tức cho chụp CT động mạch phổi. Kết quả ghi nhận có nhiều huyết khối trải dài từ các nhánh phải và trái của động mạch phổi lên đến các nhánh phân thùy phổi bệnh nhân, dẫn đến tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Hình ảnh huyết khối trong các nhánh động mạch phổi bệnh nhân. Ảnh: B.N
Bác sĩ quyết định cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để giải quyết khối tắc phổi. May mắn nhờ đó nhịp tim và hô hấp bệnh nhân nhanh chóng trở lại bình thường. Hiện ông tỉnh táo hoàn toàn, không có di chứng thần kinh và không còn phải dùng máy thở sau 30 giờ điều trị. Bệnh nhân tiếp tục được uống thuốc chống đông để dự phòng tái phát và tìm nguyên nhân gây ra thuyên tắc phổi.
Cụ ông hồi phục sau khi điều trị. Ảnh: B.N
Bác sĩ Lê Duy Lạc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tim mạch cho biết thuyên tắc phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng hay bị bỏ sót. Tỷ lệ tử vong lên đến 60% trường hợp thuyên tắc phổi nặng nếu không được điều trị. Các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến thuyên tắc phổi là bệnh lý gây tăng đông máu, phẫu thuật lớn như thay khớp, thần kinh, do nằm lâu, bất động trong thời gian dài, tình trạng nhiễm trùng nặng, sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai…
Bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng thuyên tắc phổi như mất ý thức đột ngột, đau ngực, ho ra máu, khó thở… trên bệnh nhân có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, cần đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.