Bé Mai Linh hứng thú khám phá thiên nhiên bằng đôi chân trần
Tôi nhớ khi tôi có bé đầu lòng, cách đây vừa tròn 19 năm, tôi trở nên “nổi tiếng” khắp khu phố chỉ vì cách nuôi con “chẳng giống ai”.
Nhiều người dè bỉu xì xào, rằng tôi là một người mẹ ác khi mà con mới vài tháng tuổi đã cho đi bơi, vừa chập chững biết đi mẹ đã sắm cho cái thùng nước nhỏ xíu để tưới cây, vừa tròn hai tuổi mẹ đã cho về ngoại một mình cả tháng… Có thể tôi chẳng phải là bà mẹ yêu chiều con, nhưng tôi biết chắc rằng tôi đã cho các con những trải nghiệm tuyệt vời nhất từ cuộc sống.
Mai Linh, con gái nhỏ của tôi giờ đã được gần năm tuổi. Cũng như chị, từ bé tôi đã để con chạm tay vào cuộc sống đúng với nghĩa đen của từ này. Khi con vừa lẫm chẫm tập đi, hàng ngày tôi đưa con ra công viên trước nhà chơi đùa. Trong khi các bé khác hoặc ngồi xe đẩy hoặc được ẵm bồng thì con tôi được thả tự đi.
Những bước chân lũn chũn, xiêu vẹo mới đáng yêu làm sao. Vài ba bước, con lại bổ nhào ngã, ré lên khóc rồi lại tự đứng dậy đi tiếp. Chỉ vài ba lần té, bé đã biết chọn chỗ có thảm cỏ để đi, có ngã cũng không đau lắm. Vẫn như lần đầu nuôi con, tôi được “tặng” những cái nhìn lạ lẫm.
19 tháng tuổi, lần đầu theo mẹ về quê, con theo các anh chị chạy chơi ngoài ngõ. Đường đất mấp mô, có vẻ như đôi giày con mang trở nên vướng víu, con ngọng ngiụ chạy vào hỏi mẹ “con đi chân đất được không?”, một cái gật đầu đủ làm con sung sướng. Tối đến rửa chân cho con, nhìn vết bẩn lấm lem có đính kèm cả mấy vết xước, trong lòng mẹ cũng có chút xót xa, nhưng lại tự nhủ, hồi bé mẹ cũng thế có sao đâu. Còn con thì líu lo, cái gai cỏ nó cắn con đấy mẹ, mà không đau đâu. Thế là con đã biết, cây cỏ bé thế nhưng cũng có thể làm con đau. Bài học này dễ thuộc hơn trăm lần lời mẹ dặn.
Con đi học từ khi mới 19 tháng. Đường tới trường không xa cũng không gần so với bước chân bé xíu của con, nhưng hàng ngày con vẫn được mẹ dắt đi bộ. Quãng đường mẹ đi chỉ năm phút, đi cùng con bao giờ cũng tăng gấp năm lần. Con đi chậm vì bước chân nhỏ xíu. Con đi chậm cũng vì mỗi bước con đi là một sự khám phá.
Suốt cả quãng đường là hàng chục câu hỏi con dành cho mẹ, này thì: sao hôm qua cái hoa này nó bé mà hôm nay nó to và xinh thế?, này thì: sao cái con này nó lại ở đây?, này thì: cây này để làm gì hả mẹ?… Hơn hai tuổi con đã biết phân biệt cây nào là rau, cây nào là cỏ, để khi cần mẹ chỉ ới là con lon ton xách rổ hái cho mẹ mớ rau (dù luống rau sau khi con hái đôi khi trở nên tan hoang).
Có lẽ tôi có chút may mắn khi hơn một năm trở lại đây được sống ở một nơi thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, Ouessant. Hòn đảo được coi là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nằm trong khuôn viên vườn quốc gia Pháp, với cỏ cây hoa lá, chim thú sinh động vô cùng. Con vốn được mẹ cho lăn lê bò toài từ nhỏ giờ lại càng thích thú hơn. Hai mẹ con lại bắt đầu hành trình đi bộ tới trường như hồi còn ở Việt Nam.
Ngoài hoa lá, ở đây hai bên đường còn có cừu, ngựa, dê đủng đỉnh gặm cỏ. Chiều nào hai mẹ con cũng mất cả tiếng đồng hồ mới xong quãng đường có chừng hơn cây số, bởi ngày nào bạn nhỏ cũng bận bịu, khi thì bứt cỏ cho ngựa ăn, khi thì dừng lại cho cừu con nhà hàng xóm bú sữa, cũng có khi chỉ để bạn ấy tám chuyện với cụ bà làm vườn bên ven đường.
Con thích ra biển chơi, chạy tắt băng qua đồng cỏ, tung tăng chân sáo, miệng hát líu lo. Bạn ấy cũng thích hái những bông cỏ tung lên trong gió rồi chạy theo bắt lấy, rồi lại tung lên… Bạn ấy giờ đã biết phân biệt chỗ nào có hang thỏ nhờ vào dấu vết chất thải để lại của loài gặm nhấm này. Và bạn ấy cũng đã biết với mấy chú dê thì phải hái loại cỏ nào để dụ.
Bạn ấy còn chỉ cho mẹ những loài hoa mà theo như lời bạn ấy “thầy giáo con bảo, ăn được đấy mẹ ạ”. Mới hôm qua đây thôi bạn ấy mang về một cành hoa tặng mẹ và bảo, hoa này là thuốc đấy mẹ, khi nào mẹ đau mẹ lấy hoa này xoa lên nhé, hôm nay ở trường bạn Manien bị ngã đau thầy giáo xoa cho bạn đấy. Thì ra con gái đã biết quan sát để học hỏi rồi.
Cuối tuần này con sẽ có buổi học đầu tiên trong câu lạc bộ thuyền buồm. Mới chỉ là những bài học cơ bản đầu tiên thôi, chắc còn lâu con mới điều khiển được cánh buồm nhỏ của riêng mình, nhưng con tỏ ra phấn khích lắm. Ừ con nhỉ, con đã đi chân trần trên đất, đã bước trên cỏ xanh, đã xục trong cát biển thì có khó gì đâu điều khiển một cánh buồm. Rồi một ngày nào đó con sẽ còn muốn bay cao trên tận trời xanh bằng chính đôi cánh của mình. Thiên nhiên rộng mở lắm, mẹ sẽ để con khám phá bằng cảm nhận của chính mình.
Chưa có bình luận.