Thứ Ba, 03/01/2017 | 15:00

12 lần phẫu thuật ghép da, người phụ nữ bị biến dạng gương mặt và thân thể, kèm với nỗi đau thể xác là ám ảnh kinh hoàng về tinh thần.

Hơn 2 năm kể từ ngày kinh hoàng bị hai thanh niên lạ mặt tạt axit, chị Tô Phạm Xuyên Lan (40 tuổi ở quận 8, TP HCM) đã trải qua 14 ca phẫu thuật ghép da đau đớn. Tại hành lang Khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, người phụ nữ che kín mặt khi đến gặp bác sĩ tái khám sau ca phẫu thuật ghép da vùng cổ. Bà mẹ một con tâm sự: Sợ nhất là lúc thời tiết chuyển mùa, toàn thân đau nhức, khó chịu. Mỗi khi ra nắng tôi phải trùm kín toàn bộ cơ thể, nếu không da đỏ ran, các vết sẹo co rút càng đau đớn hơn”.

Sinh ra ở một vùng quê tỉnh Vĩnh Long, lớn lên chị Lan phải rời xa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề buôn bán nhỏ, rồi lấy chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Vợ chồng ly hôn năm 2013, chị Lan ở vậy nuôi con.

Hai năm sống trong đau đớn của người đàn bà bị tạt axit

Chị Lan tái khám sau ca ghép da vùng cổ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Ảnh: TT.

Người phụ nữ nhớ như in buổi tối 4/6/2014, trong lúc đợi con tan học mẫu giáo, có 2 thanh niên lạ mặc áo mưa áp sát và tạt cả ca axit vào người chị rồi bỏ chạy. “Tôi ngất xỉu, tỉnh lại thấy người dân đang xối nước vào người tôi rồi đưa đi cấp cứu”, chị Lan xót xa thuật lại.

Nằm viện khoảng một tháng, chị Lan nhớ con trai da diết nên nhờ người nhà đưa bé đến bệnh viện để được gặp mặt. Người mẹ nằm trên giường vừa thoáng thấy bóng dáng con đã thổn thức, song cậu bé 5 tuổi vừa nhìn thấy mặt mẹ đã khóc thét bảo không phải mẹ. “Con cứ chạy hết phòng này qua phòng khác tìm ‘mẹ khác cơ’. Bé nói với bà ngoại rằng tôi không phải là mẹ”.

Về nhà, ngày nào đi học về con trai chị cũng khóc vì bị bạn bè chọc bảo “mẹ ma” nên sinh ra “đứa con ma”. “Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn nhảy lầu để giải thoát cho cuộc đời mình, nhưng ngay cả ăn, thở tôi còn không tự mình làm được thì cái chết cũng trở thành một mục tiêu khó thực hiên”, chị Lan nhớ lại.

Người phụ nữ phải bán hết đất đai, nhà cửa để thực hiện các ca phẫu thuật ghép da. Những đứa trẻ cùng xóm không dám đến gần chị Lan vì dung nhan đầy sẹo. Để bảo vệ mình và không làm những đứa trẻ sợ, chị Lan luôn đóng cửa tự nhốt mình trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Người phụ nữ suốt thời gian ấy không dám soi gương bởi sợ sẽ kinh hãi khi nhìn thấy bản thân mình.

Khi những vết bỏng lành dần, chị Lan lại phải chống chọi với những di chứng. Trời nóng sẹo đau rát, rỉ máu, trời lạnh thì đau nhức toàn thân. Khi ăn chị phải dùng muỗng nhỏ, nhai kỹ rồi ngước cao cổ để nuốt. Ngủ nằm nệm, đầu phải đặt dưới đất để giữ cho phần da phía dưới cổ không bị chùng lại, nếu không sẹo ở cổ sẽ dính chặt khiến chị không thể ngẩng đầu lên. Tay trái chị Lan cũng bị axit bào mòn đến đứt gân, ngón tay co quắp không thể làm gì được. Toàn bộ vùng ngực, cổ, mũi và phía dưới 2 gò má đều co rút méo xệch.

Thứ duy nhất còn lành lặn trên khuôn mặt là đôi mắt và vùng trán trở thành “niềm an ủi nho nhỏ” của chị Lan. Chỉ vào những vết sẹo dài lồi lõm ở hai bên đùi, chị Lan bảo những mảng da lành lặn còn lại không nhiều nên cơ hội được ghép da ngày càng ít đi. Chị trầm tư: “Điều khiến tôi lo lắng nhất lúc này là sẽ không còn đủ da để ghép nữa. Tôi chỉ mong sao khuôn mặt của mình trông đỡ sợ hơn”.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết chị Lan là một trong những ca bỏng axit nặng. Bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan ảnh hưởng đến chức năng sống, lao động và sinh hoạt. Suốt 2 năm qua bác sĩ đã tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật ghép da cho chị Lan nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Chị cần thêm vài cuộc phẫu thuật ghép da vùng cổ, miệng và khuôn mặt nữa.

Thi Trân

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook