Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cảnh báo, gần đây có một tỉ lệ nhất định liên quan đến sự biến đổi về gen của các loại virus cúm mới xuất hiện, đặc biệt có tính độc lực rất cao. Chính vì vậy, mặc dù tỉ lệ bệnh nhân nặng không nhiều – trong số hàng nghìn người bị cúm chỉ có một vài bệnh nhân nặng, song tỉ lệ tử vong lại rất cao.
PV: Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai là tuyến cuối điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân nặng “thập tử nhất sinh”. GS. có thể thông tin về số lượng bệnh nhân điều trị trung bình mỗi năm tại khoa? Và cơ cấu bệnh tật chủ yếu là gì?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra. Nơi đây tập trung nhiều bệnh nhân nặng nhất của BV Bạch Mai cũng như các tỉnh phía Bắc. Bệnh nhân ở đây hồi sức về đa khoa nên có rất nhiều bệnh khác nhau, từ các bệnh tim mạch, sốc sau nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, các bệnh nhân sau các cuộc phẫu thuật lớn, các bệnh nhân về các bệnh lý nội khoa (như viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp cần phải thở máy…), các bệnh nhân có bệnh lý về gan, mật, tụy (như suy gan cấp, viêm tụy cấp nặng có biến chứng suy đa phủ tạng…).
Trong khoảng 1.500 bệnh nhân điều trị mỗi năm tại khoa Hồi sức tích cực thì có nhiều bệnh khác nhau, chủ yếu là các bệnh liên quan đến vấn đề hiện nay ở Việt Nam đó là vấn đề nhiễm trùng, các bệnh liên quan đến chuyển hóa đái tháo đường, các biến chứng nặng do đái tháo đường (như hôn mê tăng thẩm thấu…), các bệnh nhân liên quan đến chuyển hóa nữa là tăng glyceride, viêm tụy cấp, các bệnh nhân sau tai nạn, chấn thương phẫu thuật sọ não lớn… đều được tiếp nhận. Nhờ các công nghệ mới trong hồi sức tích cực cũng như việc học tập có áp dụng vào điều kiện cụ thể tại Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và áp dụng rất nhiều các công nghệ, kỹ thuật mới giảm tỉ lệ tử vong ngoạn mục so với thời gian trước kia.
GS.TS Nguyễn Gia Bình.
Cẩn trọng với virus cúm biến đổi gen
PV: Thưa GS, cúm tưởng như là một bệnh đơn giản nhưng lại có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy những chủng cúm nào dễ gây nguy hiểm, biến chứng thường gặp là gì? Cách điều trị ra sao?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Có thể nói, trong cuộc đời mỗi con người hầu như ai cũng mắc bệnh cúm, ví dụ từ các triệu chứng rất đơn giản như sốt, sổ mũi, nhức đầu, ho… Các triệu chứng này có thể tự khỏi, tuy nhiên gần đây có một tỉ lệ nhất định liên quan đến sự biến đổi về gen của các loại virus cúm mới xuất hiện, đặc biệt có tính độc lực rất cao. Chính vì vậy, mặc dù tỉ lệ bệnh nhân nặng không nhiều -trong số hàng nghìn người bị cúm chỉ có một vài bệnh nhân nặng, song tỉ lệ tử vong lại rất cao.
Đặc biệt phải kể đến là các loại cúm A như cúm A/H5N1, A/H1N1 có liên quan đến sự di chuyển của virus cúm. Lẽ ra những chủng virus cúm này gây bệnh trên động vật nhưng đến giờ lại lây sang người, trong khi con người chưa có sự chống đỡ với nó, khiến phổi bị phá hủy rất nhiều, đồng thời gây ra suy đa tạng. Ví dụ, với cúm A/H5N1 cho đến năm 2005, thống kê tỉ lệ tử vong trên thế giới vẫn rất cao, khoảng 80% trong các trường hợp nặng. Do đó, khi nói đến cúm A/H5N1 suy hô hấp phải thở máy thì những trường hợp đó tỉ lệ tử vong rất cao. Tương tự với cúm A/H1N1 cũng vậy.
Cũng chính từ những trăn trở, mong muốn cứu sống được nhiều người bệnh, chúng tôi đã học hỏi và ứng dụng các công nghệ mới, kỹ thuật mới. Ví dụ như chiến lược thở máy mới, các chiến lược về sử dụng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể với trường hợp nặng, phổi tổn thương nhiều quá thì các bác sĩ lấy máu ra cho chạy qua máy sau đó trộn với oxy rồi bơm vào người trong khoảng 2-3 tuần có thể cứu được bệnh nhân.
Mặt khác để giảm được các tổn thương phổi thì nhờ các ý tưởng trong quá trình tìm tòi nghiên cứu chúng tôi đã phát hiện ra là để làm giảm bớt các tổn thương phổi nặng thì loại bỏ các chất độc do cúm gây ra bằng các công nghệ lọc máu giúp tổn thương phổi nhẹ đi. Cho đến nay chúng tôi đã áp dụng khá thành công cho các bệnh nhân đó.
Chăm sóc cho bệnh nhân điều trị bằng kỹ thuật ECMO, lọc máu tại khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
Giảm tỉ lệ tử vong ngoạn mục nhờ lọc máu, ECMO
PV: Năm 2014, lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã hỗ trợ phổi giúp cứu sống cả mẹ và con bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm A/H1N1. Đến thời điểm hiện tại hai mẹ con vẫn sống khỏe. Vậy GS đánh giá như thế nào về kỹ thuật này? Và hiện nay đã có bao nhiêu ca bệnh được cứu sống nhờ kỹ thuật này?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Đó là trường hợp đặc biệt nặng mà chúng tôi nhớ mãi. Bệnh nhân là một nữ công nhân ở nhà máy xi măng Cẩm Phả. Chị ấy giống như nhiều người khác bị cảm cúm thông thường, nhưng do đang có thai tháng cuối cùng cho nên ngại đi khám và chỉ uống paracetamol ở nhà. Sau này tình trạng bệnh nhân nặng lên, bệnh nhân không thở được nên mới đến BVĐK Bãi Cháy, Quảng Ninh trong tình trạng hết sức nguy kịch, phải đặt hỗ trợ máy thở.
Các đồng nghiệp tại đây đã gọi điện tham khảo ý kiến bác sĩ BV Bạch Mai và chúng tôi đã yêu cầu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Khi lên đến BV Bạch Mai, nống độ oxy trong máu của bệnh nhân rất thấp, nguy cơ tử vong là rất lớn. Trong tình huống nguy kịch như thế, BV Bạch Mai đã tổ chức một cuộc hội chẩn rất nhanh chóng với các bác sĩ chuyên khoa gây mê, sản, nhi, sơ sinh, truyền nhiễm… mọi người thống nhất cho máy thở, sau đó khẩn trương mổ lấy em bé ra ngay lập tức, nếu không nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con. Lúc đấy oxy trong máu của bệnh nhân này xuống đến mức rất thấp 33mmHg, trong khi đó, theo ghi nhận của các tài liệu y khoa thế giới, các ca bệnh nặng có đề cập đến oxy trong máu ở mức 40-42mmHg thì ca bệnh này nặng hơn nhiều.
Các ekip hết sức khẩn trương, huy động kịp thời, gây mê ngay lập tức, thở máy 5 ngày, sau đó bệnh nhân được áp dụng công nghệ trao đổi oxy qua màng, tim phổi nhân tạo tại giường. Sau hai tuần thì bệnh nhân thoát ra được tình trạng nguy kịch.
Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của một sản phụ nói rằng, chị không hình dung được em bé ra đời khi nào, chị chỉ biết sau một “giấc ngủ” dài khi tỉnh dậy thì mới biết là hai mẹ con vẫn còn sống, trong khi xung quanh mọi người khóc hết nước mắt. Cùng với đó là hàng trăm nhân viên y tế hồi hộp theo dõi một ca bệnh kỷ lục của ngành y tế Việt Nam, thậm chí cả trên thế giới cũng cực kỳ hiếm những ca như thế.
Các y bác sĩ tiễn hai mẹ con nhiễm cúm A/H1N1 khỏe mạnh ra viện năm 2014. Đây là trường hợp đầu tiên được hỗ trợ ECMO về phổi.
Cho đến thời điểm hiện tại, cả hai mẹ con chị ấy đều khỏe mạnh, đó là niềm tự hào của chúng tôi nhờ áp dụng công nghệ mới; đồng thời cũng thể hiện BV Bạch Mai có đội ngũ y bác sĩ luôn luôn hết lòng vì người bệnh, và tính đoàn kết tập thể rất cao.
Đến nay, kỹ thuật trao đổi oxy qua màng tại giường (ECMO) đã tiến hành cho hơn 80 bệnh nhân, trong đó các ca bệnh có tổn thương phổi nặng như trường hợp nói trên là gần 20 ca, tỉ lệ cứu sống 55%; những bệnh nhân còn lại không cứu sống được là do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ có tổn thương phổi đơn thuần.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành cho khoảng 50 trường hợp bệnh nhân bị sốc tim sau nhồi máu hoặc viêm cơ tim, tỉ lệ thành công đến 70%. Đây là những kết quả hết sức đáng mừng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng “Lọc máu hiện đại đã tạo ra cuộc cách mạng trong hồi sức”, điều này có đúng vậy không? Ứng dụng trong điều trị các bệnh nhân cúm nguy kịch ra sao, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Trong máu cũng giống hệ thống giao thông ngoài đường nó chuyển đủ các thứ từ các chất dinh dưỡng, oxy, đường máu… cho chuyển hóa tế bào. Ngược lại nó cũng nhận của tế bào các chất của tế bào sau khi chuyển hóa đào thải ra ngoài. Khi các virus, vi khuẩn, các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể con người sản sinh ra các chất tương tác giữa vi sinh vật gây bệnh với con người gọi là các phản ứng viêm. Một khi nào các phản ứng viêm quá mạnh hoặc gây mất cân bằng gây ra tình trạng suy đa phủ tạng thì chúng ta sẽ tử vong.
Trước khi để xảy ra tình trạng suy đa phủ tạng nặng như thế thì có một biện pháp các bác sĩ chúng tôi sử dụng lấy máu trong cơ thể đưa ra ngoài, dùng các công nghệ lọc máu hấp phụ bớt các chất độc và quá trình này làm liên tục 24h, trong khoảng 3-5 ngày đầu tiên thì tình trạng tổn thương các cơ quan sẽ nhẹ đi và cơ hội sống nhiều hơn.
Cho đến nay không chỉ có cúm mà có rất nhiều bệnh khác chúng tôi đã điều trị thành công, ví dụ bệnh nhân viêm tụy cấp nặng nếu như trước kia chỉ có mổ (tỉ lệ tử vong 50%), thì hiện nay nhờ công nghệ lọc máu hấp phụ này có thể nói nôm na là 5 người thì chỉ tử vong một người. Các bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, trước đây tỉ lệ tử vong khoảng 65% thì ngày nay khoảng 45%, đó là tỉ lệ giảm hết sức ngoạn mục. Các bệnh nhân bị hội chứng suy đa tạng như suy 4-5 tạng trước đây gần như tử vong chắc chắn, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn cứu sống trong một số trường hợp với tỉ lệ thành công khá cao.
Kỹ thuật lọc máu liên tục.
Chủ động tiêm phòng trước khi mùa đông đến
PV: Để phòng bệnh cúm trong mùa đông xuân tới, GS có lời khuyên nào cho người dân?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Phòng chống cúm theo tôi là vấn đề không đơn giản, vì bệnh cúm lây qua đường thở, con người không thể sống mà không thở. Do đó, phòng bệnh cho các trường hợp lây qua hô hấp là rất khó, một khi đến chỗ đông người thì chỉ cần một người trong số đó có các biểu hiện cúm, hắt hơi, virus cúm sẽ đi theo các giọt bắn nhỏ của nước bọt ấy có thể văng xa đến nhiều mét. Con người đi qua hít phải cũng không biết được.
Do đó, chúng tôi khuyến cáo những người nào bị cúm thì nên chủ động hạn chế đến chỗ đông người, đeo khẩu trang đúng quy cách – đây là việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người lại không đeo, đến khi ho, hắt hơi làm bao nhiêu người xung quanh hít phải rất đáng lo ngại.
Đáng chú ý nữa là ở các đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, hoặc người có dùng thuốc ức chế miễn dịch… cần chủ động tiêm phòng cúm trước khi mùa đông đến. Tôi cho rằng, các tác dụng của tiêm phòng virus cúm cho những người bệnh phổi mạn tính, những người già yếu, người mắc đái tháo đường, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, với phụ nữ mang thai… vẫn rất hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.
Dương Hải (thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.