Đôi khi cha mẹ không nhận ra chính mình đã tạo thêm áp lực cho con bằng việc so sánh kết quả học của con với bạn bè, la mắng khi con bị điểm thấp.
Theo Magforwoman, hầu hết trẻ em cảm thấy áp lực khi phải đến trường, bởi đó là nơi các em vừa phải căng óc để tiếp thu kiến thức vừa phải cạnh tranh với bạn bè. Chúng phải luôn cố gắng thực hiện tốt các yêu cầu được giao.
Vì thế nếu thấy trẻ tỏ ra mệt mỏi, buồn chán mà học hành sa sút, phụ huynh không nên tạo thêm áp lực cho bé hoặc đem con ra so sánh với bạn bè. Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể thực hiện để giúp trẻ giảm căng thẳng.
1. Tìm hiểu nguyên nhân gây căng thẳng
Nếu muốn giúp con giảm bớt căng thẳng ở trường, điều đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu nguyên nhân bắt nguồn từ đâu. Có phải chúng bị căng thẳng do không thể hoàn thành bài vở đúng hạn? Con bạn không thể giải quyết khó khăn vì không có năng lực hay chỉ đơn giản vì chúng không hứng thú với việc học?
Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp với từng tình huống để giúp con tìm được cân bằng trong cuộc sống và học tập.
2. Cho bé tham gia một hoạt động vui chơi nào đó
Những trò chơi yêu thích và hoạt động ngoại khóa là phương pháp tuyệt vời giúp trẻ giải trí sau giờ học. Đừng để trẻ bị chôn vùi trong sách vở và không màng đến chuyện đang xảy ra xung quanh.
Hãy để trẻ tham gia hoạt động thể thao, âm nhạc hoặc tìm hiểu về nghệ thuật, sẽ giúp chúng thoát khỏi lo lắng, thất vọng. Tâm trí thoải mái cũng là nguồn hứng khởi khơi dậy sự sáng tạo và giúp giảm bớt căng thẳng trong học tập.
3. Hình thành thói quen lành mạnh tại nhà
Một trong nhiều lý do liên quan đến sự căng thẳng của trẻ là do chúng không có thói quen lành mạnh ở nhà. Chẳng hạn, gánh nặng bài vở càng trở nên nặng nề hơn đối với những đứa trẻ có thói quen ăn uống không điều độ hoặc ngủ không đủ giấc.
Do đó hãy tạo cho trẻ thói quen tốt tại nhà để đảm bảo rằng khi đến trường, chúng có thể lực và tâm trạng tốt.
4. Đừng tạo thêm căng thẳng khi con ở nhà
Đôi khi các bậc cha mẹ không nhận ra mình có thể là thủ phạm tạo ra sự căng thẳng học tập một cách không cần thiết cho con. So sánh kết quả học tập của con với bạn bè, la mắng khi chúng bị điểm thấp hoặc tạo áp lực bắt chúng làm tốt mọi thứ là những việc bạn nên tránh.
Người lớn cũng cần cẩn thận với những lời nói của mình tại nhà, tránh làm trẻ cảm thấy bị tổn thương.
5. Hỏi xem trẻ có cần giúp đỡ không
Bất luận con bạn còn nhỏ hay đã trưởng thành, chúng đều có những phương pháp học tập riêng. Có một số trẻ học rất nhanh trong khi số khác lại rất chậm. Nhiều em có khả năng tự điều chỉnh phương pháp học phù hợp từ rất sớm, trong khi số khác cần sự trợ giúp từ cha mẹ và thầy cô.
Một số em cảm thấy e ngại khi thầy cô hỏi những câu khó, trong khi số khác lại rất năng nổ trong lớp. Do đó phụ huynh hãy trò chuyện để xác định xem con bạn phù hợp với mô hình học tập nào. Hãy dùng sự sáng suốt để giúp con bạn giảm căng thẳng trong việc học.
6. Trò chuyện với con thường xuyên để giúp bé giải tỏa tâm lý
Con bạn có thể gặp căng thẳng ở trường vì chúng bị dồn nén cảm xúc mà không thể trò chuyện với bạn bè. Do đó phụ huynh nên thường xuyên nói chuyện trực tiếp với con để biết những gì đang diễn ra trong tâm trí trẻ, từ đó có cách chia sẻ, động viên phù hợp.
Chưa có bình luận.