Suckhoedoisong.vn – Theo TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đạt tuổi thọ 76, ngang với các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 5.000-10.000USD/năm (trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ có 2.500USD/năm). Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam nên tăng cường tỷ lệ % chi trả BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trạm y tế xã.
Bộ trưởng Y tế PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà cho TS.Shin Young-soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương
Ngày 29/3, tại Hà Nội, TS. Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến về “Chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Tại buổi làm việc này, TS. Shin Young-soo đã chia sẻ về hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và chi trả bảo hiểm y tế của các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức,… và đưa ra những khuyến nghị cho hệ thống bảo hiểm y tế & chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam.
TS. Shin Young-soo cho biết Việt Nam đã đạt được tuổi thọ 76 tuổi, một con số ấn tượng, ngang với các nước có thu nhập bình quân trên đầu người từ 5000-10.000USD/năm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện tại mới đạt mức 2500USD/năm. Việt Nam cũng đã thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, với 80% dân số có bảo hiểm y tế.
Việt Nam cũng vừa mới ban hành Nghị quyết 20 về dân số. Và với số dân 90 triệu người hiện nay, Việt Nam sẽ rất nhanh đạt mức thu nhập bình quân 5000USD/năm trong tương lai và sẽ tăng mức bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT).
Nên tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân tham gia vào hệ thống BHYT
Theo số liệu thăm khám ban đầu tại các cơ sở y tế trên toàn quốc ở Việt Nam, ở vùng sâu vùng xa, người dân ít sử dụng dịch vụ bệnh viện công; 20% dân số thăm khám bệnh tuyến xã; 30-40% sử dụng dịch vụ thăm khám tư nhân. Ở đô thị, tỷ lệ thăm khám bệnh viện công tăng 30-40%; tư nhân khoảng 30-40%, và khám bệnh ở tuyến xã phường dưới 10%. Ở nông thôn, tuyến xã: 30%; tư nhân: 30%.
Trong khi mô hình chăm sóc sức khỏe của Anh và Hong Kong là nhà nước cung cấp và chi trả, thì ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức (nơi có hệ thống BHYT khá tương đồng với Việt Nam), các bác sĩ tư nhân đã tham gia vào mạng lưới khám chữa bệnh BHYT, giúp giảm tải cho các bệnh viện công và chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 30-40 nghìn bác sĩ tư nhân đang hành nghề với nhiều bác sĩ giỏi, có nhiều kỹ năng, thầy thuốc hành nghề y học cổ truyền,…. Lực lượng này cần được quản lý tốt hơn để có thể đóng góp cho hệ thống y tế. Lĩnh vực tư nhân cũng nên được BHYT chi trả để có thể bao phủ sức khỏe toàn dân một cách tốt hơn.
TS. Shin Young-soo cho biết, ở Hàn Quốc vào những năm 1980, 30% bảo hiểm y tế dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), đến năm 2015, giảm xuống còn 19%. Ở nhiều nước, chi phí dành cho CSSKBĐ chiếm 1/4 chi phí BHYT.
Vì vậy Việt Nam nên tăng chi cho CSSKBĐ lên 30% và nên đưa bệnh viện tư vào hệ thống BHYT.
TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ Y tế Việt Nam
30% bảo hiểm y tế dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu- Con số lý tưởng
Theo TS. Shin Young-soo, nhiều nước dành 30% hoặc hơn cho thăm khám sức khỏe ban đầu (SKBĐ). Hiện tại, mới có 4% BHYT dành cho thăm khám sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã/phường ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa phản ánh được phần chi trả cho trạm y tế xã phường bởi y tế xã phường không chỉ có nguồn thu BHYT mà còn được hưởng các nguồn chi trả cho Y tế dự phòng từ Ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, quỹ phòng chống thuốc lá, phòng chống tác hại rượu bia,….
Theo TS.Shin, với việc bác sĩ tư nhân được hệ thống BHYT chi trả, và tăng chi trả BHYT cho CSSKBĐ, có thể góp phần giảm tải cho các bệnh viện công, bởi hiện nay ở Việt Nam, 90% hướng tới sử dụng tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho tuyến trên. Đầu mối có thể quy về cấp tỉnh, cấp tỉnh có thể đưa ra các dịch vụ y tế như BHYT, YTDP hay các gói sức khỏe riêng.
Ngoài ra, theo ông, nên tách rời hoạt động kê đơn thuốc và cấp phát thuốc, tách bác sĩ khỏi hoạt động cấp phát thuốc. Hàn Quốc đã làm được điều này từ năm 2000. Nhật Bản đã triển khai từ năm 1980 với một số loại thuốc chính. Ở châu Âu cũng cố gắng thực hiện điều này dù còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, ở Việt Nam, có 26 trạm y tế xã phường đang làm thí điểm chi với mức chi trả BHYT từ 19-25%. Với việc Việt Nam đang dần cải cách hệ thống tài chính y tế, WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới để giúp bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Nguyễn Vân
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.