Chủ Nhật, 13/09/2015 | 09:36

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhiều ông bố bà mẹ rất sợ con mình bị ảnh hưởng bởi mặt trái của Facebook, nhưng đã vô tình “bắc cầu” cho con từ việc trang bị điện thoại di động với đầy đủ chức năng.

Họ nghĩ rằng sẽ quản lý được con bằng cách không cho con mang điện thoại khi đến trường, hay con chỉ được phép sử dụng sau khi hoàn thành bài vở. Thế nhưng, tuổi “teen” vốn ưa khám phá, các cháu có đủ cách để “qua mặt” bố mẹ.

Con gái tôi bảo: “Mẹ ơi, cho con mượn máy tính một lát. Vào FB vui lắm, mẹ cho con chơi FB nhé!”. Con hồn nhiên kể: “Một tuần, con lướt FB chỉ một lần, trong giờ học tin học. Thầy dạy tin học rất thoải mái, nên các bạn con ai cũng tranh thủ nhào vô FB”.

Tôi bảo: “Mười một giờ rưỡi đêm rồi, giờ này bạn bè ngủ hết cả, ngày mai con phải đi học sớm nữa”. “Mẹ chưa biết đâu, bạn con hẹn nhau toàn giờ này, vì ba mẹ các bạn đã ngủ cả rồi!”. Dù đang bối rối, tôi vẫn cho con mượn máy tính để có cơ hội “thăm nhà” con một lần cho biết.

Thật hết sức ngỡ ngàng khi bọn trẻ dùng thứ ngôn ngữ mà người lớn khó lòng hiểu nổi. Chẳng hạn, cô bé cùng lớp con gái tôi đã chia sẻ: “Chúc m.n túi âa, msđ zà thiệt nhìu wa giag sih đóa nke!”.

Trong khi tôi trố mắt đọc và cố gắng hiểu, thì con gái tôi đã phiên dịch nhanh như cắt “Chúc mọi người tối ấm áp, mơ siêu đẹp và thiệt nhiều quà Giáng sinh đó nhé”.

Con gái tôi cũng “còm” lại bằng thứ ngôn ngữ mới mẻ, lạ kỳ đối với tôi. Tôi không chấp nhận lối viết ấy, nhưng con gái tôi lo các bạn sẽ tẩy chay, bảo con quê mùa.

Vào xem FB các cháu, mới khiếp cho lối xưng hô “px (bà xã), ox (ông xã), zk (vợ), ck (chồng)… thật bát nháo. Rồi thì các cháu xúm vào chỉ trích một bạn nào đó, đứa này hùa theo đứa khác, dùng từ ngữ không mấy đẹp để chỉ trích bạn mình.

Tôi hỏi con gái: Nếu con là đứa bị bạn bè nói xấu như cô bé trong status kia, con sẽ nghĩ gì? Giúp bạn tốt lên có thể bằng nhiều cách, nhưng chỉ cần một lời chỉ trích, sẽ khiến bạn con rơi xuống vực thẳm khi nào chẳng hay.

Các con nên góp ý bạn mình trước mặt, để bạn rút kinh nghiệm, tuyệt đối không chỉ trích bạn trên trang mạng xã hội, vì càng nhiều người biết, sẽ khiến bạn càng tự ái, rồi tự ti, có khi dẫn đến chuyện thù địch oan uổng.

Tôi luôn khuyến khích con đọc và like (thích) những gì đáng like, bình luận vui vẻ, sáng tạo, lấy fb là nơi để trao đổi việc học hành, giải trí lành mạnh.

Chẳng hạn, bạn có nickname “Trang cute” đã viết: “Sắp thi kỳ I rồi, cố gắng dẹp điểm 2, bye điểm 3, xa điểm 4, trốn điểm 5, căm thù điểm 6, luyến tiếc gì điểm 7, nhảy qua điểm 8, bám chắc điểm 9, vịn lấy điểm 10”.

Đang mùa thi, status ấy đã nhận rất nhiều bình luận dễ thương, trong sáng. Hiện nay đang có một hiện tượng khá phổ biến trên những trang FB của giới học đường, chính là trào lưu “kw”.

“Kw” là những nhận xét của người khác dành cho mình. Lướt qua FB của con gái, tôi thấy có rất nhiều dòng “kw” dễ thương, chẳng hạn những lời khen: “Học giỏi nè/ bốn mắt dễ thương nè/ lớp phó văn thể mỹ hát hay/ đeo mắt kiếng gọng đọt chuối/ ngồi bàn nhì, bên phải…” cũng có mấy dòng nhận xét mang tính động viên, hoặc gây cười, nhưng cũng không hiếm lời nhận xét tiêu cực.

Ngoài buổi học ở trường, trẻ không có thời gian để tâm sự riêng, nên FB được xem là sân chơi thú vị, có thể phát ngôn theo ý mình mà không chịu sự quản lý của ai, xem đây là “thiên đường tự do”, là “nhà riêng” của mình nên mặc sức biểu hiện cảm xúc, thái độ, như thế sẽ sớm hình thành thói quen ăn nói hồ đồ, suy nghĩ lệch lạc vì không được định hướng.

Thỉnh thoảng tôi tham quan “nhà” của con mình, xem con “ăn ở” thế nào, đối với “khách” ra sao, có điều gì con chưa từng thổ lộ với cha mẹ, mà lại sẵn sàng giãi bày với bạn bè để có điều kiện hiểu con nhiều hơn.

Bàn về những mặt lợi và bất lợi của FB, chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy khuyên: “Nếu phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái, các bé sẽ bị ảnh hưởng bởi mặt trái của các trang mạng xã hội, các em gái dễ bị dụ dỗ hay lạm dụng tình dục, thậm chí đe dọa cả tính mạng.

Nếu cho con sử dụng mạng xã hội fb, phải hướng con làm chủ fb, tìm hiểu và tận dụng mặt tiện ích của FB, tuyệt đối không để con bị nghiện FB, sẽ mất tập trung học tập. Trẻ mới lớn luôn muốn khẳng định bản thân, nếu dùng biện pháp cấm đoán sẽ dễ nảy sinh tiêu cực.

Tốt nhất nên quản lý thời gian, cách thức sinh hoạt, đồng thời phân tích những mặt tiêu cực từ FB, và nên tạo thú vui khác ngoài FB, để giúp con tránh nghiện”.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook