Chủ Nhật, 13/09/2015 | 09:06

Hạnh phúc của chú Khả khi là điểm tựa tinh thần cho con tự tin bước vào môn thi tiếp theo.Hạnh phúc của chú Khả khi là điểm tựa tinh thần cho con tự tin bước vào môn thi tiếp theo.

GD&TĐ – Bước đi tập tễnh trên đôi chân không còn lành lặn như bao người bình thường khác, người thương binh ấy đã từng đưa hết đứa con này đến đứa con khác đi đến trường thi với niềm tin hy vọng về tương lai tươi sáng của con.

Đó là trường hợp của chú Lương văn Khả (sinh năm 1965), quê ở xã Định Hưng, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Chú Khả là thương binh hạng 2/4. Người thương binh đã gửi lại chiến trường biên giới năm 1987 (tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) một chiếc chân bên trái. Thay vào bên chân đã mất là chiếc chân giả bằng gỗ.

Lặn lội đưa con gái thứ 3 đến thành phố Thanh Hóa để thi vào Trường ĐH Hồng Đức, chú Khả cho biết: Hai bố con vừa đi Hà Nội về, con gái tôi đăng ký thi đợt 1 tại Trường Đại học Lao động – Xã hội và đăng ký dự thi đợt 2 vào Trường ĐH Hồng Đức.

Tranh thủ ngồi hóng mát đợi con nghỉ trưa để chuẩn bị cho môn thi buổi chiều

Trong lúc đợi con thi xong chú tâm sự: Gia đình tôi ở nông thôn, thu nhập chính là nghề nông. Vợ tôi ốm đau thường xuyên, không lao động nặng được. Tôi là lao động chính trong nhà. Dù chỉ còn một chân, nhưng việc đồng áng do một tay tôi làm cả. Nhà có 4 cô con gái, tôi cũng đã lần lượt đưa các con đi thi.

Được biết, con gái đầu nhà chú Khả đã học xong đại học và ra trường nhưng hiện vẫn chưa đi làm. Con gái thứ 2 đang học cao đẳng và con gái thứ 3 năm nay đang dự thi đại học.

Nhà đông con, lại chỉ trông chờ vào hơn 2 triệu tiền lương thương binh của chú và hơn 3 sào ruộng đất cấy lúa nên cũng nhiều vất vả. Đưa con đi thi, hai bố con chú đã tính trước ở nhà là vào đăng ký ký túc xá sinh viên để ở cho bớt tốn kém.

Tuy nhiên, cả hai đợt thi, hai bố con cũng phải chi tiêu hết khoảng 5 triệu đồng. Số tiền mang theo đó được tích góp từ tháng lương của chú Khả và bán đi 3 tạ thóc.

Hai bố con được sắp xếp ở tầng 4 của ký túc xá. Mỗi bước chân lên, xuống cầu thang của chú lại phát ra âm thanh lộc cộc, lộc cộc. Chiếc chân giả bằng gỗ như nặng nề hơn, nhưng trên gương mặt chú vẫn cười tươi. Bởi bên cạnh con, chú muốn tiếp thêm niềm tin cho con vững vàng hơn để làm bài thi thật tốt.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook