Chủ Nhật, 18/10/2015 | 15:41

Cấp kinh phong hay mạn kinh phong đều có 8 trạng thái phong rút với 8 chứng hậu mà cổ nhân đã phân chia:

Kỳ 2: Mạn kinh phong

Cấp kinh phong hay mạn kinh phong đều có 8 trạng thái phong rút với 8 chứng hậu mà cổ nhân đã phân chia: súc, nặc, xiết, chiên, toán, thị, phản, dẫn. Nguyên nhân do bệnh lâu ngày bên trong phần khí, tỳ, thận đều suy tổn. Triệu chứng chủ yếu của mạn kinh phong là ngoài triệu chứng co giật hôn mê như cấp kinh phong còn có biểu hiện tinh thần mệt mỏi, sắc mặt trắng, chân tay giá lạnh.

Đông y trị bệnh kinh phong (Kỳ II)

Canh ba ba.

Nguyên nhân

Phần khí và phần âm đều suy: Do cấp kinh mà chuyển biến thành. Vì thời kỳ cấp kinh, nhiệt độ cao làm cho tân dịch bị hao tổn, chính khí bị thương mà phong độc không giảm cho nên trong lâm sàng thấy luôn luôn co giật và hôn mê.

Tỳ dương suy kém: Do nôn mửa, ỉa chảy lâu ngày hoặc dùng thuốc công phạt nhiều quá làm dương khí của tỳ vị hư yếu, hỏa ở gan nóng dữ gây thành mạn kinh.

Tỳ thận dương hư do tỳ bị suy tổn trước, làm ảnh hưởng đến thận, thận đã bị thương thì chân dương ở mệnh môn hỏa hư tổn gây ra chứng mạn kinh.

Triệu chứng: Triệu chứng chủ yếu của mạn kinh phong là ngoài triệu chứng co giật hôn mê như chứng cấp kinh ra còn có những biểu hiện tinh thần mệt mỏi hay mơ ngủ, sắc mặt trắng bợt hay vàng héo, tay chân giá lạnh, thở nhỏ và yếu; thóp lõm xuống, nhắm mắt, lắc đầu. Mạch trầm tế, vô lực.

Phép chữa

Phần khí và phần âm đều suy, dùng phép ích khí và dưỡng âm:

Bài thuốc: củ đinh lăng nhỏ lá (sao gừng) 12g, thục địa 12g, mạch môn 8g, xương bồ 8g, ba kích 8g, thạch hộc 10g, mai ba ba 12g, nhục quế 4g. Đổ 600ml nước, sắc còn 200ml. Mỗi lần cho uống 30-40ml, hòa bột quế 0,20g khuấy đều cho uống. Cách 2 giờ cho uống 1 lần.

Tỳ dương suy kém phải ôn tỳ kiện vị:

Bài thuốc: lá sung (sao vàng) 12g, hạt sen (sao vàng) 16g, củ mài (sao vàng) 16g, củ sả 8g, cam thảo dây 8g, gừng khô sao 10g. Đổ 600ml nước sắc còn 200ml. Uống mỗi lần 30-40ml, cách 2-3 giờ lại cho uống.

Tỳ thận dương hư thì cứu tỳ thận, hồi chân dương:

Bài thuốc: củ đinh lăng nhỏ lá (sao gừng) 12g, đất lòng bếp 16g, gừng khô 10g, đinh hương 2g, hồ tiêu 2g, nhục quế 4g. Tất cả tán nho, rây mịn đựng trong lọ dùng dần. Mỗi lần uống 2-4g, ngày 2-3 lần. Tùy trẻ lớn hay nhỏ mà thêm bớt liều lượng. Hoặc bài: nhân sâm 4-8g, mạch môn 8g, phụ tử 4g, can khương 4g, cam thảo 2g. Đổ 200ml nước, sắc còn 80ml, uống 2 lần. Lại sắc nước thứ hai uống.

Vị trí huyệt

Trung quản: Nằm trên nhâm mạch thẳng phía trên rốn 4 thốn. Quan nguyên: Nằm trên nhâm mạch thẳng phía dưới rốn 3 thốn. Tỳ du: Hai huyệt đối xứng ngang qua và cách điểm dưới gai đốt sống ngực thứ 11 là 1,5 thốn. Vị du: Hai huyệt đối xứng ngang qua và cách điểm dưới gai đốt sống ngực thứ 12 là 1,5 thốn. Khí hải: Nằm trên nhâm mạch thẳng phía dưới rốn 1,5 thốn. Túc tam lý: Nằm ở bắp chân ngoài phía dưới huyệt độc tị 3 thốn, ngay tại đầu ngoài nếp nhăn ngang dưới đầu gối.

Món ăn bài thuốc

Canh móng giò, tim lợn: móng giò 2 cái, tim lợn 1 cái (100g), địa du tươi 30g, gia vị vừa đủ. Tất cả rửa sạch cho vào nồi, nước vừa đủ nấu sôi 15 phút rồi đun nhỏ lửa, cô thành canh đặc, vớt bỏ địa du cho gia vị là được. Tác dụng: lương huyết chỉ huyết, trấn tĩnh, bổ tim, trị động kinh trẻ em. Ăn thịt, uống canh, ngày 1 thang, chia 3 lần, liên tục 3-5 ngày. Lượng ăn tùy khả năng.

Canh ba ba: ba ba 1 con, muối vừa đủ. Giết ba ba, mổ bỏ ruột, rửa sạch cho vào nồi, nước vừa đủ nấu sôi 5 phút vớt ra, lọc thịt cho vào đun tiếp tới khi chín nhừ, cho muối là được. Ăn, uống ngày 1 lần, liên tục 7 ngày là một liệu trình và nên ăn trước, đón cơn lên kinh.

Cháo sơn dược, thanh đại: sơn dược 20g, thanh đại 3g, gạo lứt 30g. Nấu cháo gạo lứt xong cho 2 vị kia vào (đã giã nhỏ) trộn đều. Ngày ăn 3 lần khi có bệnh.

Day bấm mạnh các huyệt tỳ du, vị du, trung quản, khí hải, quan nguyên, túc tam lý.

Châm bổ và cứu bằng điếu ngải các huyệt trên.

Lương y Minh Chánh

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook