Kẹo cao su vào cơ thể cần trung bình 2-3 ngày để được thải ra ngoài song không gây dính dạ dày, ruột hay xương sườn.
Mọi đứa trẻ đều nghe bố mẹ dặn phải cẩn thận khi ăn kẹo cao su vì nếu nuốt phải bã kẹo sẽ ở trong dạ dày suốt đời hoặc làm dính ruột. Trên thực tế, kẹo cao su không thể nằm đó mãi mãi.
Theo Spirit Science, các bằng chứng cho thấy người Bắc Âu có thói quen nhai những chất khó tiêu hóa từ hàng nghìn năm trước công nguyên. Kẹo cao su như chúng ta ăn ngày nay ra đời vào năm 1946 khi các nhà hóa học tìm ra cách làm cao su tổng hợp.
Ảnh: Mercola. |
Vào cơ thể, ban đầu, hệ tiêu hóa sẽ xử lý kẹo cao su như mọi loại thực phẩm khác. Dịch tiêu hóa phá vỡ các thành phần của kẹo cao su như chất làm ngọt, chất làm mềm và hương liệu. Cao su tổng hợp, phần khó xử lý nhất của kẹo, vẫn còn nguyên bởi enzym tiêu hóa hay axit dạ dày không thể “bẻ gãy” nó.
Phần bã sau đó đi qua hệ tiêu hóa mà không dính vào dạ dày, ruột hay xương sườn cho đến khi rời khỏi cơ thể cùng với phân, tương tự như các chất xơ không hòa tan khác. Trung bình cơ thể cần 2-3 ngày mới thải bã kẹo cao su ra ngoài.
Trường hợp gặp hậu quả nặng nề nhất do nuốt kẹo cao su là một bé gái, theo tạp chí Pediatrics năm 1998. Em ăn quá nhiều và bã kẹo tụ thành khối ở trực tràng gây khó chịu dữ dội nhưng không đe dọa tính mạng bệnh nhi.
Như vậy, nuốt bã kẹo cao su không phải là mối nguy lớn. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng bởi nhai, nuốt kẹo cao su có thể dẫn đến những vấn đề như sâu răng, căng cứng quai hàm, nghiêm trọng hơn là ngạt thở hoặc chặn đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Người lớn bị bệnh dạ dày hay từng tắc nghẽn đường ruột từ trước cũng cần hết sức lưu ý khi ăn món kẹo này.
Minh Nhật
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.