Thứ Bảy, 11/02/2017 | 09:30

Mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 150-200 người đến khám vì đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh do virus adeno gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm thường bùng phát vào tháng 9, 10, tuy nhiên năm nay thời tiết thay đổi thất thường nên dịch có xu hướng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm. Số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) những ngày gần đây gần tương đương đợt cao điểm dịch bệnh bùng phát những năm trước đó.

Theo bác sĩ Hoàng Minh Anh, Bệnh viện Mắt Trung ương, trong điều kiện thời tiết hiện nay, virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí. Bệnh dễ lây, dễ gây thành dịch. Vì thế, khi bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

Dịch đau mắt đỏ bùng phát sớm tại Hà Nội

Khi trong nhà có người bị đau mắt đỏ, những người khác có thể nhỏ nước dự phòng, mỗi người một lọ thuốc riêng. Ảnh: WT. 

Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc chứa corticoid tránh biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. Có người bị 10 ngày đến khám mà mắt vẫn đỏ, điều trị cũng phải mất từ một đến 3 tuần mới khỏi.

Bệnh đau mắt đỏ dấu hiệu chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, tiếp theo là cộm như có cát, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Người bệnh sau khi tự tra thuốc, lau mắt cũng cần chú ý đi rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, người nhà cũng chú ý vệ sinh tay sạch sẽ, chủ động làm sạch mắt bằng nước mắt sinh lý để phòng bệnh lây lan. Chú ý là không dùng chung nhau chai thuốc nhỏ mắt để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc. Người dân không nên tự pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ muối không phù hợp có thể gây bỏng rát. Người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. 

Phương Trang

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook