Nhiều phụ huynh (PH) thường chỉ chú trọng dạy con các kỹ năng tự vệ, nhưng như thế chưa đủ.
Bạo lực ở giới trẻ diễn ra ngày càng nhiều từ nông thôn đến thành phố. Không thiếu những vụ xâm hại trẻ em gây phẫn nộ cộng đồng. Ra đường thì sợ trộm cướp, không chỉ mất tài sản mà còn nguy hại đến tính mạng.
Ngay cả môi trường giáo dục cũng không còn an toàn để các bậc PH yên tâm về con em mình khi bạo lực học đường trở thành vấn đề nóng trong những năm gần đây.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ dạy con kỹ năng tự vệ vẫn chỉ là đặt con ở thế bị động khi bị người khác tấn công. Làm sao để trẻ chủ động lường trước và tránh xa hiểm nguy mới chính là vấn đề mà người lớn cần lưu tâm và trang bị cho trẻ.
Nhà chị tôi ở thị xã, một môi trường khá bình yên nhưng cũng không thiếu những biến động đủ khiến người ta lo sợ, giật mình. Chị nói dạy con cách tự bảo vệ mình là điều rất nên làm, tuy nhiên việc này không hề dễ dàng, bởi đầu óc trẻ nghĩ đơn giản và hồn nhiên, khi phải giảng giải cho con về những hiểm nguy bất trắc thì cũng có nghĩa vô tình nhồi nhét vào đầu con nỗi bất an về đồng loại, khiến con lo sợ.
Nhưng, biết làm sao được khi một câu nói đùa, một cái nhìn không đủ thiện cảm cũng có thể mất mạng như chơi. Vì thế, bài học đầu tiên chị dạy con là ra ngoài phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, sống hòa nhã, không gây sự, không khích bác người khác. Chị cũng dạy trẻ tránh xa những vụ ẩu đả, không vào hùa, không kết bè phái.
Điều quan trọng cần nói cho trẻ hiểu là nếu có sự việc không hay nào đó xảy ra với bản thân thì thái độ cam chịu và giấu diếm tuyệt đối không phải là hướng giải quyết tốt, càng không thể là cách bảo vệ mình.
Nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng chỉ vì lý do không nghe lời lớp trưởng. Sự việc diễn ra từ tháng 1/2015 mà đến tận tháng 3, khi clip được tung lên mạng, phóng viên tìm đến tận nơi thì nhà trường và gia đình nạn nhân mới biết. Ngoài sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của nhà trường và sự quan tâm chưa đủ sát sao của gia đình, cũng cần phải đề cập đến thái độ giấu diếm sự việc của nạn nhân vì lo sợ bị trả thù.
Điều đó cho thấy bản thân nữ sinh ấy đã không có sự lựa chọn đúng đắn, thông minh để bảo vệ mình. Bởi nếu không được phát giác thì sự việc tương tự biết đâu sẽ tiếp tục xảy ra với em.
Nếu người lớn trang bị cho em những kiến thức cần thiết, cung cấp những giải pháp giải quyết trong từng trường hợp thì chắc chắn em không sống trong hoảng loạn, sợ hãi và đau đớn suốt thời gian qua. Và, sự việc cũng đã sớm được làm sáng tỏ.
Ngoài xã hội càng ngày càng đầy rẫy những hiểm nguy. Các em cũng nên tự bảo vệ đồ đạc cá nhân, không sơ hở, hớ hênh để tránh cướp trộm. Không nghe lời dụ dỗ của người lạ đi chơi xa hay đến những nơi hoang vu, xa lạ, khách sạn, nhà nghỉ để tránh bị xâm hại.
Ngoài ra, các kỹ năng tự vệ cũng vô cùng quan trọng, cần trang bị để trẻ có thể phản kháng, bảo vệ mình khi bị kẻ xấu tấn công. PH có thể cho trẻ đi học võ, vừa rèn luyện sức khỏe vừa giúp trẻ tự vệ. Thậm chí nhiều PH còn chịu khó đi học võ để về dạy lại cho các con, tập luyện cùng con.
Chưa có bình luận.