Thứ Sáu, 17/06/2016 | 15:00

Dù cùng chung mong muốn đám trẻ lớn lên thành người tài đức, nhưng cách dạy cháu của ông bà và cách dạy con của bố mẹ thường ngược chiều nhau, và gây ra không ít chuyện bi hài.

Ông Nguyễn Quang Lâm (Rạch Giá – Kiên Giang) hốt hoảng đặt đứa cháu nội lên giường chùm mền vì thấy cu cậu bị sốt. Ông chạy ra mua thuốc hạ sốt về đã thấy mẹ thằng cu tung hết chăn ra “Trời đất, ba đừng bắt cháu nó nằm trong mền nóng, mồ hôi không thoáng càng ốm, làm thế có lần phải cấp cứu gấp…”.

Ông ngỡ ngàng, bỏ luôn bịch thuốc xuống rồi thẫn thờ ra ngồi môt mình ngoài nhà để mặc mẹ con nó chăm nhau, ông nghĩ “mình lo cho cháu chứ muốn hại cháu đâu”. Đến hôm nó đã đỡ sốt, mặt hết tái, môi không khô, bố mẹ nó dặn ông đưa đi học.

Thấy cu cậu nói “Ông cho con nghỉ thêm bữa nữa nhé, con vẫn mệt…” ông liền đồng ý vì xót cháu. Bố mẹ nó biết, liền mắng cu cậu là lười nhác, nói ông chiều rồi cháu sinh hư. Cả bữa ăn tối chẳng ai nói với ai câu nào.

Dạy con/cháu- Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Ảnh minh họa

Ông giận, về dưới cô con gái mấy ngày cho khuây khỏa. Thấy ông ngoại về, đám cháu tíu tít, xoắn lấy đòi ông cho quà. Bọn trẻ bỏ bữa ăn cơm vì ăn kẹo. Hôm đầu con gái, con rể vui vẻ, để kệ ông cháu vui trò bầy tiệc ngọt cả lúc đi ngủ.

Mấy hôm sau, đứa cháu quen lại đòi ông “Ông cho con ăn thêm chiếc nữa rồi ngủ nhé!”. Đang móc túi đưa cho cháu thì cô con gái đã nhanh nhẩu “Không được ăn kẹo đêm sâu răng và khó tiêu, ba chiều tụi trẻ chúng hư đó!”. Ông tẩn ngẩn cái kẹo đã ở trên tay ngại ngần không biết đưa ra hay giấu đi.

Có lúc bố mẹ chúng mắng con cái, ông thấy thương lại vỗ về bọn trẻ, mấy đứa con ông ra mặt dỗi: “Ba làm thế bọn trẻ nhờn ra, không biết nghe lời ai là dễ hư lắm.

Có lần ông kể chuyện Tấm Cám cho cháu nghe, dạy cho cháu quy luật ở hiền gặp lành, đứa cháu đã vội kết luận: “Cô Tấm thông minh thiệt, phải như vậy thì mới không bị người khác dọa nạt!”. Hỏi ai nói thế, nó hồn nhiên “Bữa trước ba cháu nói vậy!”.

Hai ông cháu chưa kịp ngủ trưa thì mẹ nó đã gọi “Đi học tiếp con ơi!”, có ngày nó học cả ba ca. Ông thấy mà hoảng. Cách con cái dạy dỗ bọn trẻ sao mà khác thời mình quá trời, đôi lúc ông thấy chúng sai, nhưng chúng luôn phủ nhận ông!

Tìm tiếng nói chung

Việc ông bà dạy cháu, bố mẹ dạy con cái dễ xảy ra trái ngược là do chênh lệch về tầm nhận thức, môi trường, và khác biệt về kiến thức nền của các thế hệ. Ông bà mang những gì đã dạy con để truyền cho cháu. Nhưng con cái đã thấy điều đó lỗi thời, và chúng dạy con một cách khác.

Bố mẹ trong trường hợp này dễ thấy mình bị xúc phạm, mất tôn trọng, nghĩ rằng “con chúng nó nên chúng nó muốn thế, mình đâu có quyền”. Chúng ta kinh nghiệm đã dạy các con thành người, áp dụng lại có gì là sai? Nhưng do ít cập nhật thông tin, chúng ta đã lạc hậu hơn các con, không phù hợp nữa.

Thời đại con cháu chúng ta cần một lượng kiến thức cao hơn, và phải luôn cập nhật. Đôi khi chúng ta có tâm lý lấy quyền là người lớn nhất trong nhà áp đặt cho con cháu, không thấy được sự lạc hậu của mình. Con cái thì có lúc vì áp lực thời cuộc mà chạy theo “mốt” dạy con hiện đại, phủ nhận hoàn toàn công lao bố mẹ. Sự trái chiều này tạo nên mối bất hòa trong gia đình và hệ lụy lớn nhất bọn trẻ sẽ không tiếp thu được kiến thức.

Do vậy, chúng ta nên tôn trọng cách dạy trẻ của con cái, gắng cập nhật thông tin để cảm thông với các con. Cần có sự trao đổi và đi đến thống nhất cách dạy trẻ. Và cũng không nên im lặng khi thấy con cái sai, hoặc thắc mắc về cách dạy của chúng.

Ngoài ra, cũng nên phân công cụ thể ai dạy gì. Những bài học về luân lý, đạo đức thì ông bà có thể dạy cháu mà không lo bị cũ. Còn những kinh nghiệm nuôi nấng, hướng nghiệp có lẽ nên nhường cho bố mẹ chúng. Như vậy, thế hệ ba sẽ được hưởng ưu việt của cả “hai nền giáo dục”.

Thủy Trúc

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook