Chủ Nhật, 13/09/2015 | 09:59

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ em là một người khá lập dị, thường đọc các thông tin chỉ mang tính bảo thủ lý thuyết và luôn áp đặt lên em như “sống phải theo luân thường đạo lý”…

Em cảm thấy mẹ luôn thích nói xấu, sỉ vả, làm suy sụp tinh thần của người khác dù mẹ chẳng hiểu rõ bất cứ gì cả. Em là nạn nhân thường xuyên nhất. Mẹ cũng chẳng thèm nghe em giải thích hay dù em có giải thích mẹ vẫn luôn cố gắng tìm ra lỗi để nói tiếp. Em thực sự rất đau khổ và mệt mỏi khi sống trong tình trạng này. Xin chuyên gia hãy giúp em. (Thục Phan)

Trả lời:

Chào em. Tôi rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của em khi mẹ có những hành xử không đúng gây tổn thương cho em. Mong em cân bằng được được tâm lý để sớm thoát khỏi tình huống khó xử này.

Vì em chia sẻ vắn tắt nên có vài điểm tôi chưa thực sự thấy rõ như: Năm nay em bao nhiều tuổi, trong nhà ngoài em và mẹ thì còn có những ai nữa, việc mẹ em có những cách suy nghĩ, cư xử như thế với em đã bắt đầu từ khi nào? Ngoài em ra, với những người khác, mẹ em có những suy nghĩ hay cách hành xử ra sao, những người ấy có các phản ứng và cảm xúc giống như em không?

Không ai trên thế giới này có thể chọn được bố mẹ đẻ cũng như lựa chọn hoàn cảnh gia đình cho mình. Sẽ thật hạnh phúc nếu chúng ta có được một người mẹ tâm lý, hiểu những suy nghĩ, cảm nhận và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu chính đáng của chúng ta.

Tuy nhiên, mỗi người lại có những đặc điểm tính cách khác nhau, suy nghĩ và hành động cũng khác nhau. Có thể đối với mẹ em, bà cho rằng suy nghĩ, hành động của mình là tốt cho con cái, tốt cho mọi người, nhưng em lại không cho là như vậy.

Em và mẹ thuộc hai thế hệ khác nhau, bởi vậy cũng sẽ khó tránh khỏi việc hai người không cùng suy nghĩ, không chung quan điểm và điều này không hiếm gặp trong các gia đình.

Nói như vậy không có nghĩa là em cứ phải cố chịu đựng những cư xử tiêu cực của mẹ. Em hoàn toàn có thể góp ý, thể hiện quan điểm của mình với mẹ về những điều mẹ chưa đúng, hoặc em có thể nhờ những người lớn tuổi trong gia đình nói chuyện giúp để mẹ có thể hiểu ra vấn đề.

Hoặc em và mẹ có thể nói chuyện với nhau thường xuyên để gần gũi và hiểu nhau hơn. Hãy lắng nghe hết những gì mẹ nói, nếu có gì mẹ nói đúng thì nhận lỗi, còn có gì chưa đúng thì nhẹ nhàng nói lại cho mẹ hiểu bằng các lý do xác đáng. Việc em cứ cố làm căng thẳng mọi chuyện sẽ càng khiến em đau khổ và mệt mỏi hơn.

Trong trường hợp mẹ em cố tình làm to chuyện thì em cũng nên nghĩ tới việc tách ra ở riêng xem tình thế có thay đổi được không? Nếu cố gắng ở lại mà mọi việc không cải thiện chỉ làm cho tình hình ngày càng tồi tệ hơn mà thôi.

Chúc em và mẹ sớm tìm được tiếng nói chung.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook