Thứ Ba, 27/10/2015 | 11:31

Kiểu cha mẹ này luôn canh chừng con và sẵn sàng giải cứu ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm rình rập.

Một vài nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng hiện tượng này đang trở nên rất phổ biến. Trong một khảo sát với các sinh viên đại học Mỹ, 38% sinh viên năm đầu và 29% sinh viên năm cuối cho biết cha mẹ họ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng can thiệp cũng như thay mặt con giải quyết các vấn đề.

Nhiều bậc phụ huynh đã bước quá sâu vào đời sống riêng của con, chẳng hạn tham dự buổi phỏng vấn xin việc hay gặp gỡ giáo viên để tranh luận về điểm số. Trong khi đó, trẻ cần được học và tích lũy kinh nghiệm từ nhỏ về những kỹ năng sống cơ bản như nấu nướng, giặt giũ, vệ sinh cá nhân…

Dấu hiệu bạn được nuôi dạy bởi cha mẹ thích kiểm soát

Ảnh: wheelercentre.com.

Việc kiểm soát thái quá có thể mang lại hiệu quả trái ngược với mong đợi. Những đứa trẻ thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng và không hài lòng với cuộc sống gia đình. Khi trẻ nhận được sự hỗ trợ của gia đình mà chúng không muốn, chúng sẽ cảm thấy bản thân yếu kém hơn bạn cùng trang lứa và luôn thiếu tự tin.

Chuyên gia tâm lý Wendy Mogel, tác giả của những cuốn sách về nuôi dạy con, cho biết việc lớn lên trong vòng tay cha mẹ thích kiểm soát và luôn bảo vệ con thái quá sẽ khiến trẻ gặp khó khăn và thất bại trong cuộc sống.

Thông điệp của Mogel là đừng đợi cho đến khi bố mẹ bạn thay đổi mà bạn cần là người thay đổi. Cô định nghĩa kiểu nuôi dạy con này là những bậc phụ huynh luôn muốn làm tốt nhất có thể để nuôi dạy con khi chúng còn nhỏ và tiếp tục bước sâu vào cuộc sống của con ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Con cái sẽ cảm thấy không bằng lòng và mông lung khiến chúng không thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống. Mogel chỉ ra năm dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã được nuôi dạy bởi cha mẹ kiểu này và cách phá bỏ điều đó:

1. Bạn phải hỏi ý kiến bố mẹ trước khi đưa ra quyết định

Cha mẹ luôn là người có kinh nghiệm sống hơn. Khi bạn còn nhỏ, cha mẹ luôn phải để ý những trò nghịch dại dột của bạn như nhét dĩa vào ổ cắm điện, giúp điền thông tin vào các đơn từ khi đi học hoặc định hướng nghề nghiệp. Nhưng nếu sự sát sao này vẫn tiếp diễn kể cả khi bạn đã trưởng thành, nó có thể triệt tiêu kĩ năng quyết định các vấn đề của bạn. 

“Nhiều người thường xuyên gặp vấn đề với việc tự đưa ra quyết định cho bản thân, họ sẽ gọi điện cho cha mẹ – những người luôn sẵn sàng làm việc đó thay con”, chuyên gia cho biết. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ này cũng không biết gì hơn về tình huống đó và làm thế nào để đưa ra một quyết định đúng đắn nhất.

Giải pháp: Phá bỏ sự lệ thuộc

Chuyên gia Mogel khuyên rằng “Đây chính là thời điểm bạn có thể mắc sai lầm và rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó hơn là dựa dẫm, lệ thuộc vào cha mẹ hay cảm thấy tức giận và cáu giận. Hãy gác máy điện thoại, tự mình trải nghiệm những thất bại và từ đó bạn học được những kinh nghiệm quý báu về việc nên làm gì trong những tình huống tương tự”.

2. Bạn coi cha mẹ là người bạn thân nhất

Theo một khảo sát tại Đại học Clark vào năm 2013, có 2/3 số các bà mẹ và hơn nửa số các ông bố cho biết mình thường xuyên liên lạc với con cái ở độ tuổi trưởng thành theo một hình thức nào đó mỗi ngày. Chúng ta có thể thấy khoảng cách giữa các thế hệ đang dần trở nên ngắn lại bởi cha mẹ và con cái thời đại này dễ dàng thỏa thuận với nhau về một vấn đề nào đó hơn là những bậc cha mẹ ở thời đại trước. Tuy nhiên, sự gần gũi này lại là yếu tố cản trở con bạn có những mối quan hệ mới với những người cùng độ tuổi – tình bạn chính là niềm hạnh phúc và hỗ trợ tốt trong suốt cuộc đời.

“Nhiều bạn trẻ không có một tình bạn thân thiết thực sự bởi tất cả những gì họ có là những người bạn trên mạng và cha mẹ mình”, chuyên gia Mogel cho biết.

Giải pháp: Kết thêm nhiều bạn mới

“Thiết lập tình bạn mới và các mối quan hệ với những người bên ngoài mà bạn không dễ tiếp cận hay thân quen. Chẳng hạn như hãy tìm lại những người bạn cũ đã lâu không gặp hoặc tham gia các câu lạc bộ, nhóm thể thao, tìm bạn trên mạng…”

3. Nhận quá nhiều sự hỗ trợ từ bố mẹ

Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường không thể tìm được công việc đúng chuyên ngành được đào tạo. Vì vậy, thật dễ hiểu là họ phải sống dựa vào tài chính của bố mẹ. Tuy nhiên, đôi khi sự hỗ trợ đó đi kèm với nhiều ràng buộc, chẳng hạn bố mẹ có quyền can thiệp vào những lựa chọn trong cuộc sống của bạn, bố mẹ quyết định thay cho bạn những việc như sống ở đâu, chơi với ai, làm việc gì, ăn mặc thế nào… 

Bên cạnh đó, bạn có dựa dẫm và ỷ lại vào bố mẹ trong cả những việc nhỏ mà bạn có thể tự lo được? Nếu đúng như vậy, hãy bắt đầu thay đổi ngay bây giờ bằng cách tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống và ngừng nhờ tới sự giúp đỡ của bố mẹ để có thể trưởng thành, trải nghiệm và chấp nhận rủi ro trong cuộc sống.

Giải pháp: Tự vấn bản thân

“Thanh niên trẻ, theo một cách có hoặc vô thức, tự biến mình thành một ví dụ sống của việc bố mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Họ sẽ lệ thuộc vào cha mẹ trên nhiều phương diện như tiền bạc, lời khuyên, mạng lưới quan hệ xã hội, cho đến những việc vặt như giặt quần áo – nhưng đồng thời lại luôn cảm thấy tức giận bố mẹ một cách rất trẻ con”.

4. Luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi

Phụ huynh kiểm soát con luôn kề bên con mọi mặt trong cuộc sống và điều này mang lại cho bạn nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Khi rời họ ra, bạn có thể lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, sợ hãi.

Giải pháp: Nhờ tư vấn của chuyên gia tâm lý hoặc luyện tập môn thiền

Thiền hay các bài tập tinh thần giúp bạn chú trọng đến thực tại và học cách chấp nhận bản thân mình như vốn có. Thực hành các môn này sẽ giúp bạn tôn trọng nỗi sợ hãi hay lo lắng nhưng không để cho nó có quyền năng mạnh mẽ xâm chiếm mọi suy nghĩ và kiểm soát hành động của bạn.

5. Bạn là người cầu toàn luôn ám ảnh bởi bằng cấp

Trong thời buổi cạnh tranh, nhiều người có suy nghĩ cần đạt được bằng cấp tốt để có thể xin được một công việc lương cao. Những suy nghĩ này hình thành từ khi bạn còn nhỏ, khiến bạn không nhận ra rằng nhiều lựa chọn và hoạt động thú vị khác có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc. Hệ quả là bạn có thể chọn trường luật dù không hề mong muốn trở thành luật sư.

Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi bố mẹ kiểm soát sẽ có suy nghĩ rằng mọi lựa chọn trong cuộc sống cần phải thỏa mãn yêu cầu do cha mẹ, nhà trường đặt ra. Nhưng nếu bạn đưa ra những quyết định khác đi?

Giải pháp: Đưa ra quyết định tự do

“Lựa chọn làm những việc bạn thấy hấp dẫn và thích thú. Hãy thử nghiệm cho dù nó không phù hợp với con đường mà gia đình bạn đã định hướng sẽ dẫn đến thành công cho bạn”, chuyên gia khuyên. Có thể bạn sẽ làm theo tiếng gọi trái tim và chọn một công việc thu nhập thấp hay dành cuối tuần để tham gia các lớp ngoại khóa, học các kĩ năng không liên quan đến công việc chuyên môn của mình.

Tóm lại, chuyên gia muốn đưa ra lời khuyên rằng “Hãy đặt điện thoại xuống mỗi khi bạn muốn hỏi ý kiến cha mẹ việc gì. Hãy đặt sang bên sự bối rối, căng thẳng, lo lắng, cân nhắc trước vô vàn lựa chọn trong cuộc sống hay muốn nằm trong sự bao bọc của cha mẹ suốt đời để được an nhàn, vô lo nhưng không bao giờ trưởng thành?”.

Hương Giang (theo huffingtonpost)

Nguồn: vnexpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook