Ảnh: MH
Đưa thìa mì vào miệng, bé Nam nhăn mặt kêu “cay” rồi đứng lên đổ luôn cả tô mì xuống đất. Xong, cậu cầm cái ghế ném vào người ông ngoại, tiện tay đấm cậu em đang ngồi ăn bên bàn…
“Tôi cảm thấy bất lực với nó, mới 5 tuổi đầu mà hay nổi khùng kinh khủng. Có thể vừa lúc trước bình thường, lúc sau gặp điều gì không như ý là ngay lập tức hùng hổ mặt mũi đỏ gay, có thể phá cái này, đập cái kia hay lao vào đánh người khác” – Chị Nhung, mẹ bé Nam, thổ lộ.
Người mẹ ở quận Ba Đình (Hà Nội) kể, chị thường xuyên phải nghe cô giáo phàn nàn con mình đánh hay trêu chọc bạn quá đáng.
Nhiều trẻ hàng xóm cũng sợ con chị vì khi chơi với bé có thể bị “ăn đấm” bất cứ lúc nào lỡ làm cho bạn phật ý. “Có lần nó còn lấy kéo cắt đuôi con mèo đến chảy máu, mình thấy phát sợ” – Chị Nhung lắc đầu ngao ngán.
Chị cho biết, vợ chồng chị đã nghĩ tới việc hôm nào con “nổi khùng” như vậy sẽ đưa bé đến đồn công an để nhờ dọa cho một trận để bé sợ, không dám hung hăng nữa, nhưng vẫn chưa dám làm vì lo phản tác dụng.
Có con trai mới 3 tuổi, chị Liễu (Định Công, Hà Nội) cũng đau đầu không biết phải dùng cách gì để trị thói hung dữ, bướng bỉnh của con.
Chị Liễu cho biết, không hôm nào đi làm về là không nghe ông bà kể con ở nhà toàn đánh, cấu, túm tóc bạn. Bé thấy bạn có đồ chơi đẹp, thích là sà vào cướp, nhưng ai lấy đồ của mình là bé gào lên, giật lại, xô ngã ngay.
Gần đây, chị Liễu cho con đi lớp để bé thay đổi môi trường nhưng cô giáo cũng kêu ca nhiều vì cháu hay gào khóc, lại thường xuyên cào cấu bạn khác.
Chị Liễu đã dùng đủ cách từ nịnh nọt, phân tích cho con đến mắng mỏ, đánh đòn nhưng cháu vẫn tính nào tật nấy. Nhiều lần đánh con xong, chị cũng hối hận vì thấy mình bạo lực quá, nhưng những lúc con hung dữ, lỳ lợm thì mẹ lại không thể kiềm chế.
“Vừa hôm qua, nhắc con không được đổ nước ra bàn, mãi nó không nghe, cứ lỳ mặt ra thách thức, mình cầm roi quật cho mấy cái thật đau.
Không ngờ con nổi khùng lên vớ chiếc cốc trên bàn, ném vỡ toang, sau đó còn xông vào kéo tóc, đấm mẹ, vừa đau lòng, vừa stress quá” – Chị Liễu thổ lộ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng (TPHCM) – cho biết: Tùy mức độ hung hăng của trẻ mà bố mẹ cần có cách ứng xử phù hợp ngay từ những lần đầu.
Nếu đơn giản là con cư xử không đúng, bố mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nhắc nhở, hạn chế dùng bạo lực để xử lý các lỗi của con. Nhiều trẻ bắt chước hành vi bạo lực của cha mẹ. Khi người lớn dùng lời nói độc ác, hành vi bạo lực, trẻ sẽ học hỏi ngay.
Nhà tâm lý cho hay, trẻ bước vào tuổi dậy thì luôn muốn tỏ ra mạnh mẽ, chứng tỏ sức mạnh của bản thân, và có thể dùng tới bạo lực để thể hiện điều này.
Một số trẻ khác lại thể hiện hung tính từ nhỏ, khi còn tuổi mầm non. Trẻ không chịu thua, luôn lấn át, ức hiếp người khác. Nếu ngay từ nhỏ không can thiệp kịp thời, để trẻ có những hành vi không tuân theo nguyên tắc đạo đức, lớn lên trẻ có thể chọn những việc phi pháp, gian lận hay đàn áp người khác.
Trong một số trường hợp, chính phụ huynh làm sự hung tính ở con phát triển. Có người ngay khi con bước vào lớp 1 đã dạy trẻ không được để thua bạn nào, ai đụng đến là phải đánh lại ngay, hay khi trẻ chơi với nhau, va chạm, đánh nhau là lập tức bênh con mình…
Khi đó, trẻ sẽ thấy bạo lực là cách đúng, giúp chúng tranh giành được thứ mình muốn hay đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Theo bà Mỹ Linh, thực tế, trẻ nhỏ như cành cây non, còn dễ uốn nắn. Bố mẹ cần làm gương về cách ứng xử trước con, giúp con biết sử dụng những cách khác để giải quyết khi gặp vấn đề như diễn đạt, thương thuyết…
Hãy cho con chơi những trò đòi hỏi sự kiên nhẫn, tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng, khuyến khích và động viên khi trẻ làm đúng, có hành vi tốt.
Bên cạnh đó, hạn chế để trẻ tham gia các trò game bạo lực, chơi các trò đánh đấm (dù chỉ là giả vờ) hay để trẻ xem phim ảnh, trò chơi kích thích tâm lý hơn thua.
Nếu mẹ đã dùng phương pháp giáo dục đúng nhưng vẫn không thay đổi được hành vi hung hăng của con, cần cho bé đi khám xác định xem có vấn đề về rối nhiễu cảm xúc hành vi không. Nếu có, các nhà tâm lý giáo dục có thể phải sử dụng phương pháp can thiệp bằng trị liệu tâm lý kịp thời.
Trẻ bị rối nhiễu cảm xúc hành vi thì ngay trong các tình huống đơn giản vẫn có thể thể hiện hành vi hung ác, chẳng hạn bực mình là lấy dao, kéo cắt đuôi, xẻo tai mèo.
Nếu không có sự uốn nắn kịp thời, trẻ sẽ ngày càng không kiểm soát được hành vi của mình, tăng làm những điều độc ác mà không hề cảm thấy điều đó sai và mang cảm giác hối hận.
“Các bé trai từ nhỏ đã có mầm mống thích sự cạnh tranh, xung đột. Nếu môi trường sống đáp ứng, khuyến khích đặc điểm này thì nó sẽ ngày càng phát triển và đến lúc sẽ không kìm lại được”, nhà tâm lý chia sẻ.
Cùng quan điểm này, theo ThS Phạm Đức Chuẩn (Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT – Kim Mã, Hà Nội), có giả thuyết cho rằng, con người có hai xu hướng tính là: xây dựng và phá hoại.
Hai tính này tiềm ẩn trong mỗi con người, và khi ở môi trường thuận lợi cho tính nào, tính ấy sẽ phát triển mạnh hơn. Điều này cũng ứng với câu “hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Theo ông Chuẩn, thường thì trẻ nhỏ nào cũng đều có xu hướng “phá hoại”, vì các em chưa hiểu rõ về thế giới xung quanh, muốn khám phá và thử mọi thứ, bằng đủ mọi cách, trong đó có cả việc phá hỏng, đập vỡ đồ, ném cái này đi, đổ cái kia ra… Khi bị ngăn cấm, trẻ sẽ càng muốn thử hơn, và thậm chí thử cả phản ứng người lớn bằng cách cào cấu, ăn vạ…
Ông Chuẩn cho rằng, đầu tiên, khi con bạo lực, bố mẹ phải tìm hiểu nguyên nhân từ đâu: do trẻ bắt chước những người xung quanh, hay vì bị ức chế điều gì đó…
Nhiều trẻ suốt ngày bị người lớn bắt nạt, o ép cũng sẽ giải tỏa bằng cách gây bạo lực với kẻ yếu hơn mình. Chúng có thể đánh chó, mèo, em, bạn nhỏ hơn, chơi game bạo lực… để thỏa mãn nhu cầu được điều khiển, đàn áp người khác.
“Sếp mắng bố, bố về nhà mắng mẹ, mẹ quát tháo con, con đuổi đánh chó mèo… là một ví dụ vui minh họa cho quy luật người mạnh tìm người yếu hơn để giải tỏa bức xúc của mình, từ đó lấy lại cân bằng” – Ông Chuẩn dẫn chứng.
Vì thế, đầu tiên, muốn kiềm chế tính hung hăng của trẻ, chính bố mẹ cần thay đổi cách ứng xử của mình. Ngoài ra, hãy tạo cho trẻ những kênh để được xả cảm xúc tiêu cực.
Tốt nhất, hãy cho trẻ cơ hội để được giải tỏa các xung năng, nhất là với các bé trai. Trẻ thích phá đồ, có thể cho các em chơi trò ghép hình, xây nhà cao tầng (bằng gỗ, nhựa) sau đó phá đi, rồi lại hướng dẫn dựng lại – phá đi… Ngoài ra, hãy cho trẻ vận động nhiều bằng các hoạt động thể lực mạnh như chơi cầu trượt, đạp xe…
Với một số trường hợp cá biệt, khi không thể uốn nắn hay thay đổi trẻ hung tính theo hướng tích cực, người lớn cần nghĩ đến việc hướng trẻ tới những công việc phù hợp khi trưởng thành. Làm sao công việc đó được xã hội chấp nhận, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu “phá hoại” của người hung tính.
Chẳng hạn, người thích đánh đấm, đâm chém hướng cho làm những nghề như mổ lợn, mổ bò, hoặc phá dỡ nhà, đập ôtô cũ… để tránh những việc đáng tiếc xảy ra.
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Chưa có bình luận.