Nhìn cụ Ngọc (TP HCM), ít ai tin rằng ông lão nhăn nheo ấy vẫn tiêu diêu trên chiếc xe cub 50, đổ đèo trên cung đường Tây Bắc, nơi nhiều thanh niên còn sợ.
Gặp cụ Nguyễn Văn Ngọc trong một buổi sáng mùa thu Hà Nội, tuy tai đã lãng, mắt không còn tốt, bước đi cũng không được nhanh nhẹn nhưng thần thái cụ vẫn ngời sức sống. Cưỡi lên chiếc xe cub 50 lỉnh kỉnh hành lý, cụ ông đội chiếc mũ bảo hiểm tự tay chế và đi đôi dép cao su dày cộp, khiến ai đi qua cũng phải ngoái nhìn.
Chiếc xe mua từ 15 năm trước với giá 2 triệu đồng trở thành người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Đến nay dù được trả cả trăm triệu nhưng cụ không bán. Ảnh: Phan Dương. |
Lớn lên ở Sài Gòn, từ 16 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Văn Ngọc đã học đóng giày và mưu sinh bằng nghề này 70 năm qua. Cá tính phóng khoáng, yêu đời và xê dịch đã có trong máu, nhưng do đông con, kinh tế khó khăn nên thời trẻ cụ chưa được thỏa chí phiêu lưu.
Tuổi thất thập, khi gánh nặng cơm áo không còn nữa, cụ lên đường cùng vợ là người bạn đồng hành. 7 năm gần đây sức khỏe cụ bà không tốt nên chỉ còn mình cụ ông độc hành. Mỗi năm, cụ Ngọc đi 3-5 chuyến lớn, rong ruổi hàng tháng trời từ Nam ra Bắc và ngược lại.
“Tôi đi nhiều nhưng thích nhất chuyến đi Hà Tiên. Đợt đó tôi chọn con đường biên giới dài khoảng 100 km để đi nhưng mới chạy được 30 km thì xe bị hỏng. Quãng đường này ít phương tiện qua lại. Dắt bộ đến chập tối thì gặp được một chú xe ôm đẩy giúp. Ra được bến phà lại đúng ngày 23 âm lịch họ kiêng không đi. Tính ra tôi về nhà trễ hơn dự tính mất 2 ngày. Mệt nhưng vui”, cụ kể với chất giọng Nam bộ dễ nghe, ánh mắt cười lấp lánh.
Cụ Ngọc cho biết vẫn sẽ đi theo cách này hay cách khác cho đến khi nằm xuống. Ảnh: Phan Dương. |
Nhìn cụ ông sắp bước sang tuổi 90 này, người ngoài khó tin cụ từng một mình đổ các con đèo nguy hiểm như Pha Đin, Khau Phạ hay Ô Quy Hồ, trong chuyến chinh phục “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” tháng 9 vừa qua. Kinh nghiệm đi đường dài nhiều năm đã giúp cụ xử lý “ngon” những khúc cua tay áo hay lúc đổ đèo, leo dốc thẳng đứng. “Tôi đi chỉ 30-40km/h thôi. Lúc đổ đèo thì ghì chặt tay lái, hai chân thả xuống làm phanh. Xuống được đèo chân tay cũng mỏi rời nhưng cảm giác đã lắm”.
Ẩn sau vẻ ngoài lam lũ của cụ là những kỹ năng khiến giới trẻ cũng phải “chạy dài”. Đó là khả năng giao tiếp tiếng Pháp khá tốt nhờ công việc thợ giày tiếp xúc nhiều với người nước ngoài thời trẻ. Cụ cũng sử dụng thành thạo máy quay, máy ảnh – những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhưng được cụ ngụy trang cho cũ mèm.
Cụ Ngọc cùng “con ngựa sắt huyền thoại’ và trăm thứ lỉnh kỉnh khác trên một cung đường Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng. |
Lý giải về sở thích đi bụi, cụ Ngọc cho biết giờ đây mình đã đến tuổi gánh nặng cũng không còn phải lo, nhưng trí nhớ ngày càng giảm, cụ cũng không sợ khổ, sợ ngã hay chết trên đường.
“Tôi muốn thâu mọi cảnh đẹp của đất nước vào tầm mắt để những ngày tuổi già của mình trải qua có ý nghĩa. Lúc không đi tôi cũng có thể mang các âm thanh, hình ảnh đó ra xem, thì cho dù có đãng trí dần thì tôi vẫn sống vui vẻ được”, cụ bộc bạch.
Được con cháu chăm lo không thiếu thứ gì nhưng cụ Ngọc vẫn hăng say lao động bằng việc nhận sửa giày, chụp ảnh hay xem tướng. Các công việc này mỗi tháng cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng và cứ để dành khoảng 3-4 tháng là cụ thực hiện một chuyến đi.
Can ngăn cụ Ngọc không được nên 11 người con cùng các cháu đành phải chiều lòng. Chiếc xe cub 50 chính là món quà một người con trai mua tặng bố nhiều năm trước và còn độ thêm cho chắc chắn. Người con này còn trang bị la bàn và đồng hồ xem giờ trên đầu xe. Trước mỗi chuyến đi, vợ và các con cũng góp ý về kế hoạch chuyến đi, cung đường và chi tiêu cho cụ.
“Mỗi ngày tôi sẽ gọi về nhà một lần thông báo địa điểm tôi đang ở, phòng trường hợp tôi có mất tích thì người nhà biết được sẽ tìm từ quãng nào”, cụ tâm sự.
Ở tuổi này cụ Ngọc vẫn nhận sửa giày dép để có tiền đi chơi. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng. |
Hình ảnh cụ Ngọc với “con ngựa sắt huyền thoại” thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn của người đi phượt. Mỗi hành trình của cụ đều có những người tình nguyện đón đầu, bố trí cho ăn nghỉ giá rẻ. Thế nhưng cụ ông “ham vui và khái tính” này nhiều khi khiến những người yêu mến cụ “không biết đường nào mà lần”.
“Bây giờ cái tôi giàu nhất là thời gian, cho nên cứ đi thong thả, không định hướng, chỗ nào với tôi cũng mới, cũng vui, cái nào cũng muốn hết. Bởi thế, nói là đi đợt này Cao Bằng nhưng có thể tôi còn đến nhiều nơi khác nữa”, cụ cười, không một chút vướng bận…
Phan Dương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.