Tôi có con trai 18 tuổi, nói cháu đã là người đàn ông thì chưa hẳn, bảo còn nhỏ thì cũng chẳng phải. “Cu” biết yêu từ hồi 13 tuổi và giờ đang hẹn hò trên mạng.
Nhìn cảnh “cu” ôm máy vi tính, tủm tỉm cười hoặc vò đầu bứt tóc với “tình online” mà tôi nóng ruột. Thời trước, tôi và bố cháu cùng quê, học cùng trường, hai nhà gần nhau mà còn tìm hiểu mãi mới đi đến hôn nhân, nay chỉ cần qua mạng xã hội mà yêu nhau được ư? Đó là chưa kể bao nhiêu rủi ro và nguy hiểm đang rình rập thằng bé…
Nguyễn Cẩm V. (Q.1, TP.HCM)
Chị V. mến,
Chị thấy đấy, “cu” nhà chị đã đến tuổi lớn và tuổi yêu, cháu sẽ phải học để biết tự bảo vệ bản thân mình trước những cám dỗ, những rủi ro và nguy hiểm.
Nhưng mọi đứa con đều trông chờ sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ sửa sai từ cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ thường đánh đồng việc con cái thích độc lập với sự nổi loạn hay bất kính.
Chị cần khuyến khích để “cu” trở nên độc lập hơn bằng cách tạo cho “cu” những không gian tâm lý để học cách trở nên tự tin, trưởng thành.
Tại sao bọn trẻ thích tìm kiếm “tình online”? Câu trả lời là: vì chúng có thể “gõ cửa trái tim” ngay từ việc gõ bàn phím, bắt đầu công cuộc “mò kim đáy biển” bằng cách thoải mái tìm hiểu về đối tượng ngay trên máy vi tính, loại bỏ được những người không hợp, giảm sự bồn chồn, ngại ngùng trong lần “ra mắt” đầu tiên (vì trước đó chúng đã trò chuyện online, hiểu được những mối quan tâm, sở thích cá nhân mà không phải đối thoại trực tiếp).
Đó là chưa kể các cô cậu choai choai không phải lo nhiều đến khoản “tình phí” nhiều khi phải nhịn ăn sáng và không tiêu vặt đến cả tháng.
Nhược điểm là: theo một thống kê, có đến 81% cư dân mạng có xu hướng nói dối về chiều cao, cân nặng, độ tuổi. “Bên đằng gái” thường giảm 3,5 số ký thực của mình và đăng ảnh chụp từ cách đây… 15 năm.
“Bên đằng trai” thường khai gian chiều cao và đăng ảnh chụp cách đây trung bình sáu tháng. Những người lên mạng tìm bạn đời thường mong rằng họ sẽ gặp được ai đó hợp với họ.
Tuy nhiên, nhiều người đã tâm sự rằng mình có những mối quan hệ thú vị nhưng ngắn ngủi, không biết được “nửa kia” đã lớn lên, thay đổi và trưởng thành như thế nào và dễ vỡ mộng vì ngay từ đầu đã mơ về một mối quan hệ hoàn hảo…
Dù ngày càng nhiều người hẹn hò qua mạng, hoàn cảnh giúp các đôi vợ chồng gặp nhau vẫn không thay đổi nhiều từ năm 2006 đến 2010: tỷ lệ số cặp vợ chồng gặp nơi công sở và trường học là 36-38%, gặp qua bạn bè, người thân là 26-27% và gặp trên mạng vẫn là 17%.
Có lẽ chị nên làm bạn với con mình bằng cách tìm hiểu và tham gia mạng xã hội, tạo tài khoản trên Facebook và xin “kết bạn” với “cu”, thậm chí nhờ chính “cu” hướng dẫn mẹ cách lên “phây”.
Đây chính là bước đầu để chị thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, đi vào thế giới của lớp trẻ. Một khi “cu” đã muốn trò chuyện với cha mẹ về chuyện thầm kín nhất, thì ắt hẳn những vấn đề khác cháu cũng sẽ không ngần ngại nói ra.
Bác sĩ Hoa Tiêu
Chưa có bình luận.