Con tôi là một đứa trẻ khá thông minh nhanh nhẹn, trí nhớ tốt, chơi đố toán hay đố chữ bé đều trả lời đúng và nhanh. Tuy nhiên, ở trường lúc nào bé cũng bị điểm kém vì không hoàn thành bài vở trong thời gian quy định.
Không bao giờ bé hoàn thành hết chương trình học một ngày, toàn mang về nhà. Hồi lớp 1, tôi cứ nghĩ do bé chưa quen đi học nên đã kiên nhẫn giúp con nhưng nay đã lớp 2 rồi, tình hình cũng không có gì khác.
Theo tôi quan sát, khi tập viết, bé chỉ viết một chữ ngắn (hoặc nửa chữ dài), sau đó là ngồi nhìn chỗ này chỗ kia, hoặc rờ tay, gãi đầu, gãi khắp người, khi được nhắc nhở bé mới viết tiếp. Nếu không có người nhắc, khoảng 5-10 phút sau bé mới tự động viết chữ kế tiếp. Tình trạng này lặp lại ở tất cả các môn học khác. Mặc dù bé thích đi học, yêu mến cô giáo, tự giác ngồi vào bàn đúng giờ nhưng hiệu suất làm việc lại rất kém.
Thậm chí khi nói chuyện với người khác, cũng thường xuyên xảy ra tình trạng bé nói chưa hết câu thì liền chuyển đề tài khác. Một đoạn đối thoại của bé chỉ dài khoảng 5 câu, sẽ có ít nhất 5 đề tài khác nhau được đề cập tới, dẫn đến việc bé không giao tiếp được với các bạn cùng lớp hay người lạ.
Trước giờ bé chỉ tập trung duy nhất trong việc vẽ và nặn đất sét. Bé có khả năng quan sát rất tốt, nhìn qua một vật là có thể vẽ lại, nặn đầy đủ từng chi tiết của vật đó. Bé có thể vừa vẽ, nặn, vừa kể các câu chuyện liên quan đến nhân vật bé đang vẽ, nặn, có khi đến nhiều tiếng đồng hồ vẫn không chán. Tôi rất lo lắng không biết những biểu hiện thiếu tập trung trong việc học của bé có bình thường hay không. Xin hướng dẫn tôi cách khắc phục, vì hiện nay tình hình điểm số ở trường của con rất tệ, có thể sẽ không lên lớp được. (Bình Nguyên)
Ảnh minh họa: Adkidsmodeling.com. |
Trả lời
Theo chia sẻ của bạn thì trẻ có khá nhiều ưu điểm: thông minh nhanh nhẹn, thích đi học, yêu mến cô giáo, tự giác ngồi vào bàn học, khả năng quan sát tốt. Vấn đề bạn lo lắng là khả năng tập trung của trẻ. Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều gia đình bởi trẻ ở lứa tuổi 6-7 tình trạng không tập trung trong học tập khá phổ biến. Do trẻ độ tuổi này chưa nhận thức được vai trò của việc học và tâm lý còn ham chơi, dễ bị phân tán chú ý bởi những sự vật sự việc xung quanh.
Tuy nhiên khả năng tập trung chú ý ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập cũng như khả năng xã hội của trẻ, bởi vậy cần hết sức lưu ý vấn đề này. Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau để cải thiện tình hình tập trung chú ý cho trẻ:
– Trước hết, việc rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ không nên nóng vội và thúc ép. Cha mẹ hãy linh hoạt xen kẽ giữa học và chơi để trẻ hứng thú trong học tập, kiên nhẫn kèm cặp mỗi ngày giúp trẻ tăng dần thời gian tập trung.
– Bạn hãy giao tiếp nhiều với con, luôn chú ý yêu cầu con diễn đạt rõ ràng lần lượt từng mong muốn của mình, nếu trẻ nói lộn xộn nhiều đề tài một lúc hãy cương quyết nhắc trẻ phải diễn đạt lại từng nội dung nếu không sẽ không được mọi người hiểu ý và đáp ứng mong muốn.
– Không nên bắt trẻ nhớ nhiều nhiệm vụ học tập một lúc, nên đưa ra những nhiệm vụ đơn giản trước sau đó mới dần tăng cường số lượng và thời lượng các bài học.
– Hạn chế thời gian xem TV và chơi điện tử của trẻ bởi luôn có những thay đổi diễn ra liên tục trong các chương trình và trò chơi sẽ làm giảm khả năng tập trung tự nhiên của trẻ.
– Động viên trẻ luôn cố gắng hoàn thành xong việc này rồi mới chuyển sang việc khác. Duy trì thói quen thực hiện một nhiệm vụ cho đến cuối cùng là điều rất quan trọng để phát triển sự tập trung cho trẻ.
– Như bạn chia sẻ về sở thích của con thì hãy tận dụng chính những thế mạnh, sở thích này để tăng cường khả năng tập trung chú ý như: lồng ghép các hoạt động đếm số, tô màu, giao tiếp vào hoạt động vẽ và nặn đất sét…
– Bạn cũng có thể trao đổi với giáo viên để sắp xếp cho con vị trí ngồi phù hợp trong lớp, chẳng hạn ngồi bàn đầu, không gần cửa sổ…
– Bên cạnh đó cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ bởi khả năng tập trung chú ý có thể bị suy yếu nếu chế độ dinh dưỡng của trẻ thiếu chất sắt, chất khoáng, chất đạm, vitamin B1, B12 và quá thừa chất đường.
– Cuối cùng, nếu sau rất nhiều nỗ lực của gia đình mà trẻ không có chuyển biến tích cực thì bạn nên đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý để được đánh giá hỗ trợ kịp thời.
Nguyễn Thế Anh
Chuyên viên tâm lý, Trường mầm non Hoàng Gia
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.