Chủ Nhật, 13/09/2015 | 13:10

Bị cáo Nguyễn Khả Đạt tại tòa (ảnh Tuổi trẻ).
Bị cáo Nguyễn Khả Đạt tại tòa (ảnh Tuổi trẻ).

Sẵn sàng ra tay hạ sát người sinh thành ra mình, hoặc lên facebook mắng chửi bố mẹ bằng những từ ngữ đầy thô tục vì những bị cấm yêu, cấm chơi… là những sự việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua. Lỗi này có phải là do chính những người làm cha mẹ?

Chém chết mẹ vì không cho tiền chơi game, mua xe

Sáng 18/6, khi bà Nguyễn Thị M. (trú đường Đặng Huy Trứ, TP huế) đang nằm ngủ thì bị Phạm Phước Sang (30 tuổi) gọi dậy để xin tiền chơi game. Tại đây, giữa bà M. và Sang xảy ra cãi vã vì người mẹ già bảo không còn tiền nữa và khuyên bảo Sang để yên cho bà ngủ.

Năn nỉ mãi mẹ không cho tiền, đứa con nghịch tử liền cầm dao đâm nhiều nhát vào người, đầu mẹ khiến bà M. phải kêu la, cầu cứu.

Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân trong xóm đã chạy đến can ngăn y dừng tay. Đồng thời, người dân nhanh chóng đưa bà M. đến bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Một số người thân nạn nhân cho biết, Sang mồ côi cha từ nhỏ và là con trai duy nhất trong nhà. Mặc dù đã 30 tuổi nhưng Sang là đối tượng nghiện game, không nghề nghiệp, lười lao động. Bao nhiêu tiền mẹ cho, y đều dùng để “cày game” nhằm thỏa mãn thú nghiện ngập của mình.

Hồi tháng 3/2015, hàng trăm người ở TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) bàng hoàng chứng kiến vụ án giết mẹ rồi giấu xác vào lu nước của cậu thanh niên Nguyễn Khả Đạt (sinh năm 1997). Ngày 26/6, trong phiên tòa lưu động, Đạt khai: Lúc 19h45 tối 5/3, do bị mẹ la về việc xin tiền nhiều lần mà không mua xe máy, rồi bị mẹ giật tóc làm rơi điện thoại di động nên bực tức xô mẹ ngã vào tường.

Thấy mẹ co giật, trên người đeo nhiều trang sức bằng vàng nên nảy sinh ý định giết mẹ để cướp vàng.

Đạt khai đã dùng khúc gỗ dài khoảng 60 cm đập từ trên xuống nhiều cái vào vùng đầu và mặt đến khi mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Mai Trinh chết hẳn.

Sau đó, Đạt lột toàn bộ trang sức trên người bà Trinh rồi lôi xác bà Trinh ra phía sau nhà, khiêng bỏ vào lu, đậy nắp lại. Khi được hỏi nguyên nhân, động cơ của hành vi ấy, Đạt thản nhiên nói do mình “quạu”.

Đáng chú ý, trong phần thẩm vấn, bị cáo Đạt thừa nhận trong thời gian tạm giam, do sợ cảnh tù tội nên có lần khai đổ tội giết mẹ cho cha ruột là ông Nguyễn Văn Lép. Tuy nhiên, sau đó nghĩ lại thấy làm như vậy, vào tù cha sẽ buồn rồi nghĩ quẩn nên Đạt mới nhận tội giết mẹ.

Không nổi cơn “quạu” rồi lên cơn điên sát hại cha mẹ như những nghịch tử trên, một số bạn trẻ khác lại chọn cách… lên mạng mắng chửi bố mẹ .

Lên facebook mắng chửi đấng sinh thành

Dạo gần đây, có rất nhiều bạn trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên hoặc vừa qua tuổi 18, thường xuyên post lên facebook những câu mắng chửi bố mẹ rất thô tục, phản cảm hoặc dọa bỏ nhà ra đi. Lý do mà các bạn làm như vậy đôi khi rất đơn giản.

Có bạn bị bố mẹ cấm yêu vì mong muốn con chú tâm vào học hành. Có bạn bị mẹ tịch thu xe máy vì đi đường lạng lách, đánh võng. Có bạn vì mẹ không cho tiền đi bar, đi sinh nhật bạn. Có bạn thì do bị bố mẹ, ra giờ giới nghiêm, cấm đi chơi khuya hoặc cấm hút shisha. Thế nhưng, các bạn sẵn sàng lên mạng xã hội, công khai mắng chửi bố mẹ bằng những lời lẽ rất thô tục và sau đó bùng nổ rất nhiều ý kiến trái chiều khác.

Chẳng hạn, có một số bạn bè thì ủng hộ, vì cho rằng quyền lợi của con cái là được hưởng những thứ như vậy, bố mẹ đã sinh con ra thì phải cho con vật chất con muốn.

Một số bạn đã qua tuổi 18 thì cho rằng mình đã đủ tuổi công dân, có thể làm gì mình muốn. Bản thân thích yêu đương, thích đi chơi, thích lang thang ở đâu, bố mẹ không có quyền cấm.

Nhưng cũng có nhiều bạn cho rằng, như vậy là hoàn toàn bất hiếu, vì bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con, con cái mà mắng chửi bố mẹ thì đều đáng bị lên án dù bố mẹ là người đúng hay sai.

Mới đây, một bạn nam đã đăng tải lên facebook của mình những lời lẽ mà theo cư dân mạng là “không thể chấp nhận được”.

Có thể hiểu chàng trai này bị bố mẹ cấm yêu nên đã bỏ nhà đi. Khi ra đi, anh ta còn hùng hổ khẳng định: “Bố mẹ đuổi thì con đi, đừng nghĩ không có bố mẹ là con không sống được. Không có bố mẹ, con vẫn sống tốt…”. Sau đó anh ta trách mắng bố mẹ: “Đau đầu, bố mẹ đ. bao giờ hiểu con họ muốn gì và muốn làm những gì con họ muốn. … Cái gì cũng cấm… Con lớn rồi bố mẹ à. Con đ. phải trẻ con lúc nào cũng nghe theo bố mẹ nói đâu. Con muốn yêu ai kệ con, sao bố mẹ phải cấm”.

Trước khi bỏ đi, anh chàng đã có “lời thông báo” đến “người yêu” rằng “Chồng bỏ nhà đi rồi vợ ạ” và được “cô vợ” trả lời “Chồng đến nhà vợ mà ngủ”.

con

Dòng chia sẻ trước khi bỏ đi của cậu thanh niên và lời mắng chửi bố mẹ khiến cư dân mạng phẫn nộ.

Hồi tháng 4, các diễn đàn mạng ồn ào về một “bức tâm thư”, được cho là của một cô gái vẫn còn trong độ tuổi đi học với những lời lẽ đầy miệt thị, hằn học và chì chiết mẹ đẻ vì lý do không được cho 5 triệu đồng mua vé xem show diễn Music Bank đã khiến cư dân mạng một lần nữa “dậy sóng”.

Theo đó, cô gái trẻ đã vô tư bày tỏ cơn giận dữ vì mẹ đẻ ngăn cản không cho đi xem ca nhạc khi chỉ còn vài ngày nữa là show diễn bắt đầu. Nữ nhân vật chính mở đầu bằng những lời đầy bức xúc: “Xin lỗi mẹ, con nghe mẹ chửi quá nhiều rồi. Không cần phải căng như thế đâu, con xin đi có một câu mà mẹ đổi lại gấp 10 lần, nghe không lọt lỗ tai đâu mẹ ạ”.

Sau khi bị mẹ đẻ chỉ trích những thần tượng Hàn Quốc của mình là “rồ, dở hơi, ngu”, và thách thức “muốn đi đâu thì đi luôn đi”, nữ nhân vật chính đã có “đáp trả” lại những lời lẽ “nông cạn” của mẹ bằng một đoạn giải thích khá dài.

Điều đáng nói là cô gái trẻ đã dùng những lời lẽ đầy khiêu khích: “Chúng nó là thần tượng của con đấy, ờ thì có làm sao không mẹ?”, hay “Mẹ thích để người khác chú ý đến à, ờ, mẹ nói to lên, hét to lên xem nào. Mẹ thực sự không cần phải rồ lên như thế đâu, con phục mẹ rồi”…

Cháu cầm dép phang tới tấp vào mặt bác ruột

Ngày 2/7, trên nhiều diễn đàn đồng loạt đăng tải một đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh chàng thanh niên khoảng hơn 30 tuổi cầm dép đánh tới tấp vào mặt, vào đầu một bà lão.

Theo nội dung đoạn clip trên thì do mâu thuẫn với một nam thanh niên mặc áo đỏ và nói rằng nếu anh ta uống nước sẽ phải trả tiền chứ không được ăn quỵt. Nam thanh niên này tỏ ra hung hăng định lao vào đánh thanh niên kia nhưng bị người dân can ngăn. Không dừng lại ở đó khi bà lão là bác ruột của nam thanh niên kia đến can ngăn thì bất ngờ nam thanh niên đã dùng ngay chiếc dép cầm trên tay đánh liên tiếp vào mặt khiến bà bị ngã xuống đường.

đánh

Địa điểm xảy ra vụ nam thanh niên dùng dép tát vào mặt bác mình.

Sự việc chỉ dừng lại khi hành động trên bị người dân can ngăn đông đảo.

đánh

Bà L.K – nạn nhân của vụ việc.

Gặp phóng viên, bà L.K (68 tuổi, trú tại tổ dân phố số 29) chưa hết bàng hoàng kể lại câu chuyện. Theo bà L.K thì người hành hung bà là anh D., là cháu ruột của bà L.K và là con trai của ông Lê Mạnh H. (ông H. là anh trai của bà L.K).

đánh

Bà L.K kể lại: Khoảng 2h30 chiều 2/7, tôi có nhờ một người hàng xóm trông quán nước. Khi anh hành xóm đang trông quán nước thì D. đi vào quán lấy cốc đá. Từ đây, 2 người xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Lúc đó, tôi vào can ngăn thì bị chính D. cầm dép tát vào mặt và đầu khiến tôi ngã túi bụi

Theo bà K. chưa dừng lại ở đó, cháu ruột của bà tiếp tục cầm điếu cày hành hung bà đến nứt cả chiếc điếu cày. Bức xúc trước sự việc vợ mình bị chính cháu ruột hành hung, ông Lê Trọng Th. (66 tuổi) chồng bà K. vừa nói vừa đưa chiếc điếu cày bị nứt đầu ra làm minh chứng.

Ông Th. cho biết: Khi đó ông bận công việc, về đến nhà thì hay vợ mình bị hành hung và rất phẫn nộ trước việc hung thủ chính là cháu mình: “Việc một thanh niên hành hung người già là không thể chấp nhận được nhất lại là người trong gia đình”.

Vì sao nên nỗi này?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em Lê Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu, và được chuyên gia chia sẻ:

Trong chúng ta, chắc nhiều người đã từng biết câu: Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách…. Vì thế, với những hành động mà ta gọi là “bất hiếu, bất nhân” của những bạn trẻ vừa nêu, phải chăng đó là những nông nỗi nhất thời hay là những biểu lộ của một tính cách đã hình thành từ những thói quen xấu do sự nuông chiều hoặc phải chịu sự áp đặt hay bảo bọc thái quá của các bậc cha mẹ!

Nếu nói như thế, hóa ra đây là lỗi của mẹ cha? Có cha mẹ nào mà không yêu con, không chiều con, không dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con? Tuy nhiên đó không phải là lý do để có thể chiều con không giới hạn.

Bên cạnh đó hẳn cũng không thiếu những bậc cha mẹ không biết cách dạy con , thay vì bằng những lời lẽ yêu thương và tôn trọng, thì họ sẽ trút xuống đứa con những lời lẽ phê phán nặng nề, những đòn roi hay những biện pháp kỷ luật bởi vì với họ: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Và cha mẹ “luôn luôn đúng”, thậm chí có sai cũng không được cãi, vì cãi là hư rồi!

Nhưng rồi, khi những lời la mắng, phê phán mỉa mai, không còn hiệu lực nữa, các bậc cha mẹ lại chuyển sang “dụ dỗ” hay chiều chuộng! Có thể nói, áp đặt và chiều chuộng là hai hành vi được các bậc cha mẹ áp dụng rất phổ biến và có khi đó là một “thói quen” trong cách dạy con!.

Những đứa con, trong giai đoạn trẻ em đã lớn lên trong sự áp đặt và chiều chuộng, để từng bước hình thành những tính cách như đòi hỏi thường xuyên, ích kỷ và lệ thuộc. Cho đến khi bước vào lứa tuổi dậy thì, với những xáo trộn của tâm sinh lý, trở nên ẩm ương, trẻ không còn là trẻ mà người lớn thì chưa ra người lớn.

Cộng thêm với những tính cách rất mâu thuẫn trong cách giáo dục của các bậc mẹ cha, thì việc bộc lộ những phản ứng thái quá, từ việc cãi lại, rồi bỏ nhà đi, rồi sa vào tệ nạn xã hội, cho đến những hành vi kinh khủng hơn như mắng nhiếc cha mẹ hay giết cả người sinh ra mình… Đó là một chuỗi những hành vi bị dồn nén cho đến một lúc phải bùng nổ mà đôi khi chính các em sau đó cũng không hiểu tại sao mình lại làm như vậy.

chuyên gia

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Chúng ta cũng biết rằng, tâm lý con người như một tảng băng sơn mà phần nổi lên mặt nước, ta gọi là phần Ý thức, chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ. Còn một phần lớn hơn chìm dưới nước, nhưng vẫn có thể thấy lờ mờ ta gọi là tiềm thức. Đây cũng là nơi điều khiển những hành vi đã hình thành thói quen trong ta.

Còn một phần lớn hơn là vô thức, là phần chìm sâu dưới lòng biển, ta không thể thấy, cũng chính là một nơi tàng trữ tất cả những tác động từ thủa ấu thơ cho đến ngày trường thành. Để lặng lẽ một lúc nào đó, đưa lên phần tiềm thức, những tư tưởng “chỉ đạo” cho hành động mà chính ý thức cũng không “quản lý” nổi.

Ngoài ra, nếu có thể xem xét từng trường hợp, thì sự phản ứng một cách quá đáng của các bạn trẻ, ngoài việc “bùng nổ” vì sự dồn nén, còn có một yếu tố khác có tác dụng đổ dầu vào lửa. Đó chính là cách ứng xử không khéo léo của các bậc sinh thành khi thấy con em bắt đầu có những dấu hiệu phản kháng, chống đối… Thay vì cần phải lắng nghe để từng bước hóa giải sự thiếu kiểm soát cảm xúc của con em, thì lại tiếp tục phê phán, mắng mỏ các em cho đến mức cả bố mẹ lẫn con cái đều “mất kiểm soát và không kềm chế nổi bản thân”!.

Như vậy, dù hành vi của các em là sự vi phạm nghiêm trọng các giá trị đạo đức, bản thân các em phải chấp nhận những hậu quả của nó: Từ những biện pháp kỷ luật theo từng mức độ phạm tội, cho đến sự phê phán của dư luận, thậm chí là của lương tâm.

Nhưng điều quan trọng hơn, sự bùng nổ của các em, cho thấy đây là một dấu hiệu đáng báo động, không phải là một sự suy thoái về đạo đức, mà là một kết quả của những biện pháp giáo dục thanh thiếu niên không hiệu quả nếu không muốn nói là sai lầm và lạc hậu.

Các bậc phụ huynh và cả các nhà giáo dục cũng cần phải nhìn lại bởi vì “xem quả biết cây”. Một gia đình ổn định và một nền giáo dục nhân bản sẽ không sản sinh ra những đứa con bất hiếu, những con người bất nhân!

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook