Thứ Hai, 23/11/2015 | 07:39

Con trai tôi 5 tuổi, gần đây cháu bị lên mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiều mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu.

Con trai tôi 5 tuổi, gần đây cháu bị lên mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiều mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu. Tôi phải dùng thuốc gì để trị cho cháu, thưa bác sĩ?

Nguyễn Lê (Hà Nam)

Theo thư bạn mô tả có thể là cháu bị nhiễm khuẩn da. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở da do nhiễm liên cầu khuẩn hay tụ cầu vàng. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ bé này sang trẻ khác. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đa phần hay gặp ở các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo. Nhưng nếu chần chừ, vùng nhiễm khuẩn lan rộng có thể dẫn đến biến chứng.

Chọn thuốc trị nhiễm khuẩn da

Tổn thương do nhiễm khuẩn da ở trẻ em.

Điều trị nhiễm khuẩn da ở trẻ em cần đánh giá tổn thương để chữa trị phù hợp.

Trường hợp nhẹ hoặc thương tổn khu trú: làm sạch tổn thương bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hay thuốc tím 1/10.000. Dùng mỡ/kem kháng sinh như axit fusidic hoặc mupirocin bôi vào tổn thương ngày 2 lần. Khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp: cần dùng kháng sinh toàn thân. Có thể dùng kháng sinh nhóm cephalosporin (cefuroxim, cefixim, ceftriaxon…), macrolid (roxithromycin, azithromycin…) penicillin (carbenicilin và ticarcilin)… Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định.

Vì vậy, cách tốt nhất để điều trị bệnh hiệu quả là cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định cụ thể.

Lưu ý: Nếu bệnh nhiễm khuẩn da đã có biến chứng phải chú trọng điều trị các biến chứng. Trường hợp cơ địa bệnh nhân thường xuyên phải dùng kháng sinh thì phải điều trị theo kháng sinh đồ.

Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh vùng da bị bệnh cho bé. Rửa sạch da và lau khô, sau đó bôi thuốc theo đơn của bác sĩ da liễu. Mang găng khi bôi thuốc và sau đó rửa tay thật kỹ. Tránh gãi hoặc chạm vào các vết loét. Mặc quần áo rộng hoặc tránh không dính vào vùng da bị bệnh để ngăn bệnh nhiễm khuẩn da lan rộng. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ qua khẩu phần ăn hàng ngày nhằm tăng sức đề kháng giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Chúc chị và cháu mạnh khỏe.

BS. VŨ DƯƠNG

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook