Chủ Nhật, 13/09/2015 | 10:07

Cất đỡ gánh nặng đôi vai con

GD&TĐ – Hiện nay, đa phần học sinh tiểu học đã được học bán trú, các em có thể để bớt một phần sách vở ở lớp và nhờ vậy mà chếc cặp đã được giảm trọng lượng.

Tuy nhiên, với những nơi chưa có điều kiện học bán trú, trẻ vẫn phải mang đi mang về toàn bộ sách vở. Cha mẹ có thể cất đỡ gánh nặng trên vai con bằng nhiều cách: Chọn loại cặp làm từ vật liệu nhẹ, nhắc con mang đúng sách vở theo thời khóa biểu, không mang đồ chơi trong cặp…

Tổn thương xương khớp vì… cặp nặng

Bệnh viện đa khoa Văn Hạnh (TPHCM) từng tiếp nhận một trường hợp bé 9 tuổi đau và sưng ở vai. Qua chụp X quang thì phát hiện xương đòn bên trái bị gãy.

Ngoài ra cột sống cũng bị vẹo và lưng gù nhẹ. Bác sĩ chẩn đoán căn cứ vào tổn thương cùng tình trạng cột sống bị vẹo và gù lưng là do bé phải đeo cặp nặng đi bộ hàng ngày và chịu tổn thương kéo dài trong nhiều năm.

Theo một nghiên cứu quốc tế cho thấy, có tới 15% trẻ em trong độ tuổi đến trường phải nhập viện vì các vấn đề liên quan đến chấn thương vùng lưng.

Nguyên nhân chủ yếu của các chấn thương này là do việc mang vác các đồ quá nặng trên lưng, đặc biệt là cặp sách. Hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ trẻ em mang vác những đồ vật nặng vượt quá mức so với tỷ lệ cân nặng trung bình đang chiếm tới 80%. Con số thống kê này là lời cảnh báo đối với gia đình và toàn xã hội.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Việc đeo cặp sách vượt quá trọng lượng cho phép kèm theo việc đeo sai cách có thể dẫn tới nguy cơ lệch xương, vẹo xương sống ở trẻ nhỏ và bị những tổn thương lâu dài sau này.

Chọn cặp, túi xách phù hợp

Đeo cặp không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây đau lưng. Vì thế phụ huynh không nên cho trẻ đeo cặp nặng hơn 15% trọng lượng cơ thể con, nên cho bé đeo ba lô (thay vì túi chéo lưng) sẽ giúp cân bằng hai vai.

Các nhà vật lý trị liệu đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh khi lựa chọn và đeo túi sách không gây tổn thương lưng trẻ như sau:

Trọng lượng túi xách và vật dụng chứa bên trong chỉ bằng 10 – 15% trọng lượng cơ thể. Cụ thể, một đứa trẻ nặng 30 kg nên đeo cặp có trọng lượng bằng 3 – 4 hộp sữa tươi một lít. Nếu thấy con bạn khi đi bộ có xu hướng chồm người về phía trước chứng tỏ trẻ đang phải đeo cặp quá tải.

Dùng cặp có bánh xe: Cần lưu ý túi gắn bánh xe thường nặng hơn túi xách bình thường vì nó phải có thêm khung cứng hỗ trợ. Loại túi này phát huy “thế mạnh” khi sử dụng trên những đoạn đường dốc hoặc di chuyển bằng thang máy. Thường xuyên kéo lê chiếc túi trên đường hoặc sự va đập vào thành cầu thang sẽ khiến túi mau hỏng.

Dùng túi có lớp đệm mềm ở lưng sẽ giúp giảm bớt lực ma sát ở thành túi lên lưng trẻ. Chọn cặp làm bằng chất liệu nhẹ mà bền: (Ví dụ như nilon) sẽ giảm được trọng lượng tự thân của chiếc cặp.

Nên chọn chiếc cặp có nhiều ngăn hoặc tự phân chia để đặt những vật dụng khác nhau vào các ngăn riêng biệt. Như thế sẽ hạn chế được sự dịch chuyển đồ đạc bên trong khi bé bước đi. Bởi, khi đồ đạc trong cặp di chuyển cũng làm tăng áp lực lên vai trẻ, đòi hỏi cơ thể phải thay đổi trọng tâm liên tục.

Tốt nhất nên chọn loại cặp có dây đeo được đệm lớp xốp mềm, bản rộng ít nhất 5 cm. Lợi ích của dây đeo bản rộng sẽ giúp phân bố trọng lượng lên một vùng cơ thể rộng lớn hơn.

Trong khi dây đeo quá mỏng, hẹp sẽ thít chặt vào vai làm ảnh hưởng đến lưu thông máu. Tình trạng này kéo dài có thể gây tê và yếu tay. Bên cạnh đó cần lưu ý điều chỉnh dây đeo cho vừa vặn với cơ thể trẻ.

Theo tính toán khoa học thì trọng lượng khuân vác cho phép ở trẻ chỉ bằng 1/10 cân nặng cơ thể. Trong khi đó, chiếc cặp trên vai học sinh tiểu học thường nặng hơn rất nhiều. Cụ thể chiếc cặp của em bé nhập viện ở trên nặng đến 4,5 kg trong khi cân nặng của em chỉ hơn 25 kg. Đã thế mỗi ngày em phải đi bộ 2 km đến trường.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook